02/12/2023 - 15:39

Tăng cường giám sát, tuyên truyền phòng tránh ngộ độc thực phẩm 

Ngộ độc thực phẩm (NÐTP) là tình trạng người bệnh bị ngộ độc do ăn uống phải những thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc bị biến chất, ôi thiu… Nếu ngộ độc ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể khỏe lại sau vài ngày. Trong trường hợp nặng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Làm thế nào để phòng ngừa NÐTP, phóng viên Báo Cần Thơ đã lược ghi ý kiến của BS CKI Châu Ngọc Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ, về vấn đề này: 

- Theo thống kê, mấy năm gần đây, Cần Thơ không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có những trường hợp lẻ tẻ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc nhẹ… sau khi ăn, uống. Sau vài ngày là khỏe nên người dân không thông báo với cơ quan chức năng. 

Công tác phòng, chống NÐTP được Chi cục xây dựng kế hoạch tổng thể và chi tiết ngay từ đầu năm. Trong đó, chủ yếu là giám sát, thanh tra, kiểm tra lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, bếp ăn tập thể ở công ty, trường học… 

Trong thực tế, nguy cơ NÐTP có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, Chi cục tập trung  giám sát, thanh, kiểm tra và tuyên truyền, hướng dẫn phòng tránh NÐTP ở các công ty, xí nghiệp, nhà máy, trường học - nơi bếp ăn tập thể phục vụ vài trăm đến vài ngàn suất ăn/buổi. Qua nhiều năm kiên trì giám sát, tuyên truyền cộng với nhận thức ngày càng cao của người dân về NÐTP nên chủ các doanh nghiệp, người phụ trách bếp ăn, người trực tiếp chế biến… đã quan tâm nhiều hơn đến an toàn thực phẩm, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí... Từ đó các bếp ăn tập thể của công nhân ngày càng cải thiện về độ an toàn và chất lượng hơn trước.

Tại các trường học, các cháu còn nhỏ, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, hệ miễn dịch còn yếu, công tác này được đặc biệt quan tâm. Ngành y tế phối hợp ngành giáo dục thực hiện chặt chẽ, nhịp nhàng công tác an toàn thực phẩm. Hàng năm, chi cục, trung tâm y tế, trạm y tế - theo phân cấp phối hợp ngành giáo dục cùng cấp tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, tuyên truyền tại các trường học. Tại các trường cũng thành lập Tổ giám sát an toàn thực phẩm gồm có đại diện Ban giám hiệu, cán bộ y tế trường học, bếp ăn, phụ huynh học sinh.

Hiện nay, có những dịch vụ nấu ăn lưu động không đăng ký nên việc giám sát, hướng dẫn cũng khó. Nhằm tăng cường công tác phòng, chống NÐTP, Chi cục tham mưu Sở Y tế TP Cần Thơ xây dựng Quy chế 4768 (ban hành ngày 30-10-2023) phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Cần Thơ. Theo đó, phân cấp rõ ràng, khi trên địa bàn có đám tiệc dùng dịch vụ nấu ăn lưu động, trạm y tế đến giám sát, hướng dẫn đảm bảo an toàn thực phẩm.

Sở Giáo dục và Đào tạo và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra lưu mẫu thức ăn tại trường mầm non ở huyện Phong Điền. Ảnh: H.HOA

Sở Giáo dục và Đào tạo và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra lưu mẫu thức ăn tại trường mầm non ở huyện Phong Điền. Ảnh: H.HOA

Ðể phòng tránh NÐTP, cần tuân thủ “10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm” do Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế hướng dẫn: Chọn thực phẩm an toàn; nấu chín kỹ thức ăn; ăn ngay sau khi nấu; bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín; nấu lại thức ăn thật kỹ trước khi ăn (khi thức ăn đã nấu nếu để thức ăn quá 2 giờ phải đun sôi lại mới được sử dụng); không để lẫn thực phẩm sống và chín; luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ; giữ sạch các bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ; bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch an toàn, lưu ý hãy đun sôi nước trước khi làm đá lạnh để uống.

- 5 chìa khóa vàng đảm bảo an toàn thực phẩm: Rửa tay sạch và giữ sạch bề mặt dụng cụ chế biến thức ăn; không để chung thức ăn chín và sống; nấu chín kỹ thức ăn; bảo quản thức ăn ở nhiệt độ phù hợp; sử dụng nguồn nước sạch và nguyên liệu an toàn.

Hiện nay, hầu như các bệnh viện lớn trên địa bàn TP Cần Thơ đều có bếp ăn từ thiện nấu cơm, cháo, thức ăn chay... phát cho thân nhân và người nuôi bệnh. Những năm qua, Chi cục đã phối hợp bệnh viện, bếp ăn… tổ chức tập huấn kiến thức, khám sức khỏe… cũng như giám sát, hướng dẫn các tổ từ thiện để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cũng lưu ý là khi muốn thực hiện hoạt động từ thiện này, tổ chức, cá nhân cần cân nhắc, tính toán thật kỹ các điều kiện chế biến, bảo quản cho an toàn từ khâu mua nguyên liệu, bảo quản nguyên liệu, sơ chế, chế biến, bảo quản, phân phát.

H.HOA (ghi)

Chia sẻ bài viết