01/12/2024 - 08:10

Tăng cường đầu tư và liên kết để phát triển du lịch đường sông 

Du lịch đường sông (DLÐS) là một trong những sản phẩm đặc trưng trong định hướng xây dựng phát triển sản phẩm du lịch của TP Hồ Chí Minh và khu vực ÐBSCL. Tuy nhiên, nhiều năm qua, các địa phương vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của loại hình du lịch này. Ngày 30-11 tại Cần Thơ, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) TP Cần Thơ phối hợp tổ chức tọa đàm “Ðịnh hướng phát triển các sản phẩm DLÐS kết nối từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành vùng ÐBSCL” để tìm giải pháp cho vấn đề nêu trên.

Các doanh nghiệp du lịch nhận biên bản ký kết hợp tác về DLĐS.

Phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ÐBSCL có hệ thống sông ngòi hơn 28.000km và hệ thống kênh rạch dày đặc. Vùng có sự đa đạng văn hóa, nổi bật là văn hóa sông nước phương Nam gắn với đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, thích hợp phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo về văn hóa sông nước. TP Hồ Chí Minh có hệ thống sông Ðồng Nai, sông Sài Gòn, sông Nhà Bè kết nối với các tỉnh ÐBSCL, thuận lợi để hình thành nhiều tuyến DLÐS. “Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL đã liên kết, hợp tác xây dựng nhiều sản phẩm, góp phần gia tăng lượng khách giữa các chiều. Tuy nhiên, các sản phẩm này chưa phát huy được lợi thế sông nước của cả vùng” - ông Dũng đánh giá.

TP Hồ Chí Minh đang khai thác gần 60 tuyến du lịch đường thủy tầm ngắn (độ dài tuyến dưới 10km), tầm trung (dưới 60km), tầm xa (trên 60km). Các tuyến kết nối TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành ÐBSCL cũng rất đa dạng với các phương tiện: tàu, ghe, cano, du thuyền… Theo đó, DLÐS của TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL có những thành công nhất định, như du lịch trên dòng sông Vàm Cỏ (Long An), sông Tiền (Tiền Giang), sông Cổ Chiên (Vĩnh Long), sông Măng Thít (Vĩnh Long), sông Hàm Luông (Bến Tre), sông Hậu (An Giang - Cần Thơ), sông Sài Gòn - sông Soài Rạp - sông Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh)...

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở VH,TT &DL TP Cần Thơ, cho rằng: “Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng đến nay, DLÐS của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ÐBSCL còn phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện chưa có nhiều tour DLÐS được khai thác, nhiều tour rất ít khách”. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, một số nguyên nhân cản trở sự phát triển DLÐS là: hạ tầng giao thông đường thủy còn kém, nhiều tuyến đường sông chưa được đầu tư đúng mức, gây khó khăn cho việc di chuyển và khai thác du lịch. Kế đến là hạ tầng du lịch còn hạn chế, thiếu bến tàu du lịch, giao thông kết nối từ bến sông đến điểm tham quan chưa được đầu tư. Một vấn đề quan trọng nữa là DLÐS ở TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ÐBSCL vẫn chưa có chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn; các địa phương thiếu sự liên kết trong phát triển DLÐS. DLÐS của các địa phương vẫn chưa xây dựng được thương hiệu và sự nhận diện rộng rãi trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn các giá trị tài nguyên du lịch còn nhiều bất cập, nhiều khu vực sông nước có giá trị văn hóa, lịch sử và sinh thái nhưng chưa được bảo tồn và quản lý đúng mức. Việc khai thác quá mức các tài nguyên du lịch mà không chú trọng đến bảo vệ môi trường đã dẫn đến tình trạng suy thoái tài nguyên, ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển lâu dài, bền vững. Ngoài ra, còn nhiều hạn chế về cơ chế chính sách, khiến các doanh nghiệp gặp khó trong đầu tư và phát triển các sản phẩm DLÐS...

Nâng chất và xây dựng thêm sản phẩm mới

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: “TP Hồ Chí Minh đóng vai trò cửa ngõ thu hút khách quốc tế lớn nhất Việt Nam, lan tỏa thúc đẩy du lịch vùng ÐBSCL và các vùng khác phát triển. Giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ÐBSCL có chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch trong nhiều năm qua, từng bước xây dựng và kết nối sản phẩm du lịch, tour du lịch liên vùng, tạo sức lan tỏa thương hiệu du lịch TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL. Trong đó, DLÐS được xem là một trong những định phát triển liên kết sản phẩm của 14 tỉnh, thành”. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cũng nhận định: “Việc phát triển DLÐS của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ÐBSCL là một trong những bước đột phá trong chương trình liên kết vùng nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch liên vùng đặc sắc, có tính cạnh tranh cao, hướng đến phát triển bền vững cho cả vùng. Trong đó, vai trò của mỗi địa phương, mỗi ngành phải có sự gắn kết chặt chẽ để từng bước tháo gỡ khó khăn”.

Về định hướng phát triển du lịch cho 14 tỉnh, thành, ông Trần Tường Huy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Xã hội, chia sẻ: “Cần có chính sách phát triển DLÐS, quy hoạch sản phẩm cho vùng, các cơ chế thu hút đầu tư hạ tầng, quảng bá, xúc tiến định vị thương hiệu, đào tạo nhân lực”. Trong đó, chú trọng định hướng quy hoạch tổng thể và hạ tầng. Ông Trần Tường Huy đề xuất 4 bến chính ở khu vực ÐBSCL để kết nối các tuyến đường sông là: Cảng du thuyền Marina Mỹ Tho (Tiền Giang), Bến tàu khách (Vĩnh Long), Bến tàu khách du lịch Ninh Kiều (TP Cần Thơ), Bến tàu thủy nội địa Victoria Châu Ðốc (An Giang).

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ tham quan không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm DLĐS của các đơn vị tham gia tọa đàm. Ảnh: KIỀU MAI

Ðể đánh giá thực trạng DLÐS của 14 tỉnh, thành, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã tổ chức chuyến khảo sát 5 ngày 4 đêm với sự tham gia của các chuyên gia, các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch vào đầu tháng 11. Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Qua khảo sát, chúng tôi có sự nhìn nhận lại về thực trạng DLÐS của các địa phương. Chúng tôi hiện có 60 tuyến đường sông nhưng vẫn chưa đủ, bởi tiềm năng về DLÐS giữa TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL còn rất nhiều. Các địa phương sẽ bàn thảo để có những định hướng xây dựng sản phẩm, các bến tàu kết nối”. Theo đó, có 55 tuyến đường sông mới được đề xuất, có tuyến mới hoàn toàn, có tuyến nâng chất, mở rộng từ tuyến cũ. Ðồng thời có 25 doanh nghiệp du lịch, điểm đến của 8 tỉnh, thành cùng ký kết để kết nối xây dựng điểm đến, liên tuyến tour đường sông TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL.

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cho rằng: “Ðể kết nối du lịch giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh ÐBSCL thì đường sông cũng được xem là tuyến du lịch chủ đạo. Tôi đề nghị trong thời gian tới, các tỉnh, thành vùng ÐBSCL cần nghiên cứu, đưa ra giải pháp nhằm phát triển hiệu quả DLÐS, sản phẩm du lịch đặc thù của vùng. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ hệ sinh thái sông nước, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch biển, đảo, di tích lịch sử văn hóa cùng các giá trị văn hóa truyền thống đa dạng. Tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm: An Giang - Ðồng Tháp - Long An; Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng; Kiên Giang - Cà Mau. Liên kết với vùng Ðông Nam Bộ theo các hành lang du lịch Bắc - Nam phía Ðông và phía Tây, với Campuchia, Thái Lan theo hành lang ven biển phía Nam (Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau). Ðồng thời, tập trung đầu tư phát triển các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia (Ninh Kiều, Thới Sơn, Mang Thít, Lung Ngọc Hoàng, Tràm Chim, Hà Tiên, Nhà Mát - Bạc Liêu và Mũi Cà Mau) đáp ứng các điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia. Bên cạnh đó, nghiên cứu làm mới các chương trình DLÐS theo hướng nâng cao chất lượng và tăng cường trải nghiệm, đặc biệt là trải nghiệm về văn hóa, phong tục, lối sống của vùng sông nước Cửu Long”.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết