16/02/2021 - 05:45

Tản mạn số hóa 

Những ngày này Hà Nội vào đông với cái lạnh như cắt da cắt thịt, nhiều hàng quán phải đốt lửa ban đêm để sưởi ấm. Trời Sài Gòn nhẹ nhàng se lạnh cũng là lúc nhiều loài hoa đua nở, khoe sắc. Tây Ðô phố phường nhộn nhịp, rực ánh đèn hoa, vùng ngoại ô với những cánh đồng xanh rì thơm mướt mạ non của vụ lúa đông xuân nhiều kỳ vọng… Với những người đam mê du lịch và dịch chuyển, ảnh hưởng của COVID-19 sẽ không quá khó để vượt qua khi có thể lướt web ngắm cảnh sắc mọi miền và cảm nhận xuân về trước mái hiên nhà…

Số hóa đang đi vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội! Ảnh: THIỆN KHIÊM

Bắt nhịp công nghệ số

Ðại dịch COVID-19 không chỉ làm thói quen du lịch thay đổi mà còn tạo ra nhu cầu mới, du lịch qua màn ảnh nhỏ, du lịch trên không gian mạng dù thiếu các trải nghiệm và tương tác thực tế, song vẫn có điều thú vị là giúp người ta lưu lại được những hình ảnh, những video clip theo cảm xúc cá nhân. Không chỉ ngành du lịch, yêu cầu giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh lây lan là cơ hội cho việc vận dụng và phát triển các ý tưởng sáng tạo phục vụ cho sự vận hành của nền kinh tế không tiếp xúc hoặc hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp.

TS Lê Long Hậu, Giám đốc Trung tâm đào tạo và tư vấn kinh tế, Khoa Kinh tế, Ðại học Cần Thơ, nhận định: Diễn biến dịch COVID-19 tạo ra thời cơ thúc đẩy nhanh phát triển công nghệ số và số hóa các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Quá trình này bao gồm cả việc phát triển, vận hành các nền tảng, giải pháp công nghệ và sự chuyển đổi nhận thức, hành vi của toàn xã hội đối với việc ứng dụng công nghệ số trong đời sống. Ví dụ như thực hiện giãn cách xã hội mọi người dành nhiều thời gian làm việc tại nhà hơn. Nhân viên văn phòng nhanh chóng làm quen và sử dụng thành thạo các công cụ trực tuyến như Slack, WhatsApp và các công cụ Quản lý quan hệ khách hàng (CRM)... để hoàn thành nhiệm vụ; các trường học triển khai ứng dụng nhanh chóng những phần mềm Zoom, Google Meet, Microsoft teams để giảng dạy theo hình thức trực tuyến...

Nói về thương mại điện tử, theo nhiều chuyên gia nhận định, trong tương lai dù dịch COVID-19 lắng xuống, nhận thức và thói quen tương tác xã hội cũng đã thay đổi. Vì vậy, với các đơn vị bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ “đi sau” trong cuộc chơi thương mại điện tử, cơ hội vẫn còn đó để hòa nhịp phát triển công nghệ số.

Công cuộc phòng chống dịch COVID-19 của nước ta được cả thế giới ghi nhận, bên cạnh sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân,… thì công nghệ số đã góp phần rất lớn cho sự thành công chung này. Chúng ta nghiên cứu thành công bộ xét nghiệm COVID-19 và sắp tới đây là vắc-xin ngừa COVID-19 của Việt Nam sẽ đưa vào sử dụng đại trà.

Cổng dịch vụ công Quốc gia đi vào hoạt động hơn một năm, giờ đây người dân chỉ cần truy cập một địa chỉ, bằng một tài khoản có thể truy cập được tất cả cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương... Tại cuộc họp tổng kết mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Cổng dịch vụ công Quốc gia đã thành công bước đầu trong xây dựng Chính phủ điện tử. Việc giao dịch qua mạng giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước thông qua Cổng dịch vụ công sẽ giúp công khai, minh bạch thủ tục, qua đó chống cửa quyền, ngăn chặn tham nhũng vặt…

Những câu chuyện thực tế

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự báo rằng, tất cả những “mảnh ghép” công nghệ cần thiết để thực hiện số hóa đều nằm trong tay chúng ta, bao gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI); tài sản thông tin (Big Data); điện toán đám mây (Cloud Computing); mạng lưới thiết bị kết nối Internet (Internet of Things - IoT); mạng xã hội và mạng di động tốc độ cao. Khi kết hợp cùng nhau, chúng có thể cung cấp giá trị tiềm năng cho xã hội lên tới 100.000 tỉ đô-la Mỹ đến năm 2025.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính luôn là đơn vị đi đầu ứng dụng nhiều quy trình kỹ thuật số tạo ra tiện ích, làm phong phú thêm trải nghiệm cho khách hàng. Nhưng câu chuyện trong ngành sản xuất ô tô của Tập đoàn Vingroup với chiếc VinFast đầu tiên mới ra đời hơn 2 năm qua, mà hầu hết các công đoạn sản xuất đều tự động hóa - ứng dụng AI, góp phần làm rạng danh thương hiệu Việt. Ðương nhiên Vingroup sẽ không bao giờ dừng lại ở đó!

Ứng dụng công nghệ mới trong phát triển đô thị đang là một trong những xu hướng ở Việt Nam. Hiện nay, Hà Nội đang thí điểm nhiều khu đô thị thông minh như ở phía Bắc sông Hồng; TP Hồ Chí Minh phát triển ở khu vực phía Ðông; miền Trung là Ðà Nẵng. Ðây là những thành phố tiên phong đi đầu phát triển đô thị thông minh. TP Cần Thơ, từ năm 2018 đã tổ chức nhiều hội thảo về “Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025” với mục tiêu sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để xây dựng thành phố có giá trị, có sức sống, có khả năng phục hồi và cạnh tranh… hòa vào xu thế phát triển đô thị thông minh, bền vững của cả nước và trên thế giới.

Nhiều công đoạn sản xuất ô tô VinFast đã được tự động hóa. Ảnh: CTV

Nói về số hóa chẳng biết kể tới đâu mà dừng! Từ Tây đến ta và cả thế giới đang tất bật chạy đua số hóa. Anh bạn tôi kinh doanh đèn led, phục vụ trang trí nội thất -  công việc nghe qua đơn giản, nhưng hiện giờ anh cũng phải “số hóa” để theo kịp “đối thủ”. Anh Phan Quốc Bảo, Chủ chuỗi Cửa hàng Ðèn LED.160, chia sẻ: Chỉ riêng mặt hàng đèn led trang trí căn hộ, nhà hàng, khách sạn đã có tới hàng ngàn sản phẩm khác nhau, đó là chưa kể các loại đèn trang trí đường phố, trang trí cho các sự kiện… Chính vì vậy buộc phải đầu tư phần mềm để quản lý, “định vị” được từng sản phẩm đang nằm ở vị trí nào, khi cần có thể phục vụ khách hàng nhanh nhất. Muốn quản lý “thông minh” như vậy phải thường xuyên đầu tư nâng cấp chương trình để làm sao đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao hơn, quản lý hiệu quả hơn...

*     *      *

Xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số là một chủ trương lớn. Ðó là giải pháp tất yếu, hỗ trợ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế số trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0; tạo môi trường pháp lý minh bạch cho quá trình phát triển kinh tế số; hỗ trợ đẩy nhanh quá trình xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng phát triển nền kinh tế số... Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã quen với khái niệm về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và bắt đầu đẩy nhanh hơn tốc độ số hóa. Ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng tiềm năng nhanh hơn, hiệu quả hơn, tăng tính tương tác và khả năng chốt đơn hàng; quản lý nội bộ của doanh nghiệp từ tài chính - kế toán, nhân sự, kho vận, hậu cần, văn phòng điện tử, giúp quá trình làm việc nội bộ doanh nghiệp trở nên hiệu quả, chuyên nghiệp hơn... Cuộc chơi công nghệ số sẽ không có điểm dừng, mọi người dân, mọi thành phần kinh tế đều có thể ứng dụng số hóa ngay bây giờ, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau!

THIỆN KHIÊM

Chia sẻ bài viết