16/06/2019 - 13:02

Tầm quan trọng của Eo biển Hormuz 

Mỹ cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ tấn công 2 tàu chở nhiên liệu hôm 13-6, cũng như loạt tấn công hôm 12-5 vào 4 tàu chở dầu đang neo đậu bên ngoài cảng Fujairah của Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE), tất cả đều tại Vịnh Oman. Iran đã cực lực bác bỏ và thậm chí cho rằng Mỹ và các đồng minh A-rập chủ mưu hòng có cớ thuyết phục các nước đồng minh châu Á và phương Tây cô lập Tehran.

Eo biển Hormuz (Strait of Hormuz) nằm giữa Vịnh Oman (Gulf of Oman) và Vịnh Ba Tư (Persian Gulf).

Vịnh Oman hay còn gọi là Biển Oman là vịnh biển nối Biển A-rập với  Eo biển Hormuz, rồi chảy ra Vịnh Ba Tư. Eo biển Hormuz là con đường biển chiến lược quan trọng và hẹp, nó nằm giữa Vịnh Oman ở phía đông nam và Vịnh Ba Tư ở tây nam, nằm trên bờ biển phía bắc là Iran và trên bờ biển phía nam là UAE. Eo biển có chiều dài 63km, tạo thành tuyến đường biển duy nhất nối Vịnh Ba Tư với Vịnh Oman ra Ấn Độ Dương. Chỗ hẹp nhất của eo biển là 33km, với chiều rộng cho làn tàu chạy chỉ 3km cho cả hai chiều và vùng đệm 3km. Đây cũng là một trong những tuyến đường biển chiến lược trên thế giới, do Iran và Oman kiểm soát. Theo Cơ quan Năng lượng Mỹ (AEI), eo biển này còn có vai trò quan trọng hơn cả eo biển Malacca ở Đông Nam Á, giữa Malaysia và Indonesia. Theo thống kê của AEI, năm 2016, 18,5 triệu thùng dầu đã được chuyển qua eo biển này mỗi ngày, chiếm gần 30% số dầu trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển. Dầu xuất khẩu của Saudi Arabia, Iran, UAE, Kuwait và Iraq, và phần lớn khí hóa lỏng của Qatar đều phải đi qua Eo biển Hormuz. Các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore phụ thuộc đến 80% lượng dầu mỏ được sản xuất tại các nước vùng Vịnh trên.

Iran đã nhiều lần đe dọa đóng cửa Eo biển Hormuz, mà lần gần nhất là tháng 4-2019. Tháng 1-2012, Tehran cũng dọa phong tỏa Eo biển Hormuz nhằm trả đũa lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với nguồn thu dầu của Iran trong nỗ lực ngăn chặn nước này phát triển hạt nhân. Tháng 5-2015, Iran đã chứng tỏ quyền lực của mình tại Eo biển Hormuz khi bắt giữ một tàu container và nổ sung vào một tàu chở dầu treo cờ Singapore vì va chạm làm hư hại giàn khoan dầu mỏ của Iran. Các chuyên gia nhận định để thiết lập tình trạng phong tỏa Eo biển Hormuz, Iran có thể sử dụng mìn thủy lôi, tàu cao tốc, tên lửa đất đối biển, tàu khu trục và thậm chí tàu ngầm. Tuy nhiên, nếu Iran đóng cửa Eo biển Hormuz thì nước này cũng không thể xuất khẩu dầu đến Trung Quốc.

Trong khi đó, với quân đội Mỹ đóng tại Bahrain trên Vịnh Ba Tư, Mỹ tin chắc họ sẽ bảo vệ an toàn cho tàu thương mại từ Vịnh Oman đi qua Eo biển Hormuz. Mỹ vừa đưa tàu sân bay USS Abraham Lincoln, 4 oanh tạc cơ B-52  và 900 binh sĩ đến vùng Vịnh. Một tiểu đoàn 600 binh sĩ thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cũng đã có mặt. Hai tàu khu trục nữa vừa được thông báo sẽ đến tăng cường cho Trung Đông. Mỹ nhiều khả năng sẽ điều thêm tên lửa Patriot đến đây. Tổng thống Donald Trump tuyên bố gây sức ép quân sự là cách buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Eo biển Hormuz