26/07/2012 - 08:17

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG BIỂN, ĐẢO VIỆT NAM

Tầm nhìn và cách tiếp cận mới về kinh tế đảo

Ngày 28-4-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 568 về Phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020, trong đó đã xác định phải phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững về kinh tế của hệ thống các đảo, để có bước đột phá về phát triển kinh tế biển, đảo và ven biển nước ta, đồng thời xây dựng hệ thống các đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Theo đó, những phương hướng lớn được xác định trong Chiến lược biển Việt Nam đã mở ra cho sự nghiệp phát triển kinh tế hải đảo một tầm nhìn mới, một cách tiếp cận mới.

* Ưu tiên các lĩnh vực trọng yếu

Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, trước mắt Đảng và Nhà nước ta chủ trương tập trung xây dựng một số đảo có điều kiện thuận lợi và nhiều tiềm năng, tạo sự bứt phá cho kinh tế biển, đảo, gắn kết kinh tế đảo với vùng ven biển và nội địa, đẩy mạnh giao lưu kinh tế quốc tế, nhằm nhanh chóng tạo ra chuyển biến căn bản và vững chắc trong phát triển kinh tế đảo, hình thành một số sản phẩm mũi nhọn phù hợp với lợi thế của vùng đảo như du lịch, dịch vụ biển, khai thác và nuôi trồng hải sản...nâng cao mức đóng góp kinh tế đảo trong nền kinh tế cả nước.

Một góc đảo ngọc Phú Quốc. Ảnh: TRẦN HỮU HIỆP. 

Như vậy, lĩnh vực trọng yếu cần ưu tiên bao gồm xây dựng kết cấu hạ tầng trên các đảo, coi đây là khâu đột phá chính để thu hút đầu tư và khuyến khích nhân dân ra định cư và lao động dài ngày trên các đảo và vùng quanh đảo, vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo. Đặc biệt là kết nối đảo với đất liền và các tuyến giao thông chính lẫn giao thông nội bộ đảo, kết hợp với quốc phòng-an ninh.

Đồng thời phấn đấu đến năm 2020 có 100% dân cư các huyện đảo, xã đảo được sử dụng điện; đảm bảo hồ chứa nước cho các đảo lớn, đông dân hoặc có vị trí quan trọng như Cô Tô, Vĩnh Thực, Vân Đồn, Cái Chiên, Cát Hải, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Hòn Mê, Cồn Cỏ, Côn Đảo, Phú Quốc...Về hạ tầng thông tin-truyền thông, đảm bảo độ bao phủ rộng, tốc độ nhanh. Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông trên các đảo có dân sinh sống, gồm tổng đài cố định, hệ thống truy cập Internet và các trạm truy cập vệ tinh, nhằm đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi điều kiện thời tiết.

Trong tầm nhìn mới về kinh tế đảo, cần phát triển một số ngành, sản phẩm chủ lực, có lợi thế như đẩy mạnh khai thác xa bờ, nuôi trồng hải sản, dịch vụ nghề cá. Đi đôi với xây dựng đồng bộ cơ sở nghề cá ở các đảo như cảng cá, bến cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền và hạ tầng nuôi trồng hải sản...

Phát triển nhanh và bền vững du lịch vùng đảo trong sự gắn kết với các trung tâm đô thị, các khu du lịch lớn ven biển, sớm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Coi phát triển du lịch là khâu đột phá trong phát triển kinh tế đảo, trong đó phát triển nhanh du lịch ở Phú Quốc và Vân Đồn, sớm hình thành 2 khu du lịch sinh thái lớn ở các đảo này, có chất lượng tầm cỡ khu vực và thế giới để tạo bứt phá cho du lịch biển, đảo nói riêng và du lịch cả nước nói chung.

Bên cạnh đó, xây dựng đồng bộ các trường lớp và hoàn thiện hệ thống y tế các đảo đạt chuẩn quy định; bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, nghiên cứu khoa học-công nghệ biển. Nhất là lồng ghép kế hoạch bảo vệ môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các ngành, các địa phương; xây dựng các trạm quan trắc môi trường, cảnh báo môi trường dọc ven biển và trên các đảo trọng điểm, để sớm cảnh báo môi trường và có biện pháp xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.

* Tạo bứt phá kinh tế cho các đảo trọng điểm

Trong tổng số hơn 4.000 đảo lớn nhỏ của nước ta, chủ yếu phân bố ở vùng Đông Bắc và Tây Nam, trong đó có 8 đảo và cụm đảo trọng điểm về kinh tế, trước mắt là phát triển du lịch nhằm tạo nên sự bứt phá trong phát triển kinh tế, biển đảo có tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Cụ thể như đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đã và đang được đầu tư xây dựng để trở thành điểm “nhấn” của tam giác kinh tế phía Nam, gồm Phú Quốc-Cà Mau-Hà Tiên. Nơi đây đang thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp. Đồng thời, tỉnh Kiên Giang phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận hình thành nên tuyến du lịch liên vùng, kết nối du lịch Phú Quốc với thành phố Hồ Chí Minh và các khu đô thị, các khu du lịch lớn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Còn cụm đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) được định hướng phát triển thành hạt nhân của Vòng cung kinh tế quan trọng ở vùng Đông Bắc, gồm Hạ Long-Vân Đồn-Hải Hà-Móng Cái, từng bước hình thành trung tâm du lịch sinh thái biển-đảo lớn. Mặt khác phát triển nhanh cụm đảo Cô Tô-Thanh Lân để sớm thoát khỏi tình trạng chậm phát triển. Đi đôi với việc tăng cường an ninh làm căn cứ vững chắc bảo vệ vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc.

Khai thác tối đa các nguồn lực, kết hợp với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và tài trợ của các tổ chức quốc tế, để phát triển cụm đảo Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) thành khu kinh tế-du lịch và dịch vụ chất lượng cao. Đầu tư tôn tạo phát huy giá trị các di tích lịch sử, cách mạng, kết hợp với du lịch sinh thái biển, đảo; phát triển Côn Đảo thành điểm du lịch tiêu biểu, có giá trị văn hóa-lịch sử đặc sắc. Xây dựng các tuyến du lịch liên kết với các địa phương như Côn Đảo -Vũng Tàu; Côn Đảo-Thành phố Hồ Chí Minh; Côn Đảo-Phú Quốc... nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Phát triển đảo Phú Quý (Bình Thuận) là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, cứu nạn, cứu hộ của khu vực Nam Trung Bộ, đồng thời là vị trí tiền đồn vững chắc bảo vệ vùng biển này, là điểm trung chuyển quan trọng giữa đất liền và quần đảo Trường Sa.

Do đó, để thực hiện các định hướng phát triển kinh tế đảo như đã nêu trên, trước hết Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách về biển, đảo; tuyên truyền sâu rộng Luật Biển Việt Nam, đi đôi với ban hành các chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế đảo phát triển bền vững. Cũng như có chính sách ưu đãi thu hút nguồn nhân lực; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ, đặc biệt là các lĩnh vực năng lượng sạch, dược liệu biển, nuôi trồng, bảo quản và chế biến hải sản...

BÙI TẤT THẮNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết