Bạn có từng cảm thấy sững sờ như thể vừa bị dội một gáo nước lạnh khi bản thân sở hữu một CV đầy ắp kinh nghiệm làm việc nhưng vẫn phải ngậm ngùi trở thành người bị loại? Bạn không hiểu tại sao bản thân bị nhà tuyển dụng từ chối dù đã từng “chinh chiến” qua không ít dự án lớn nhỏ. Tâm trí bạn không ngừng loay hoay với câu hỏi: “Tại sao những năm tháng học hỏi, cống hiến hết mình cho công việc vẫn không đủ để thuyết phục nhà tuyển dụng”.
Sự thật là, nhà tuyển dụng trên CareerLink hay nhiều trang việc làm khác vẫn luôn “ưu tiên người có kinh nghiệm”, tuyệt chưa từng khẳng định “có kinh nghiệm chắc chắn sẽ trúng tuyển”. Có chăng là bạn đặt hy vọng quá nhiều hoặc quá tự tin vào những gì mình có mà thôi. Vì mọi thứ trên đời đều có hai mặt, mặt trái của ưu điểm chính là nó cũng có thể trở thành nhược điểm kìm hãm con đường phát triển của bạn nếu được sử dụng không đúng cách.
Quá tập trung vào quá khứ mà bỏ quên tương lai
Tuy rằng “gừng càng già càng cay” nhưng trong thời buổi kinh tế và khoa học công nghệ đổi mới từng ngày, từng giờ, không ít nhà tuyển dụng đã chuyển hướng tư duy theo quan điểm vẽ lên một trang giấy trắng dễ hơn vẽ lên một trang giấy chi chít màu sắc và họa tiết.
Ưu điểm của những người giàu kinh nghiệm là có nhiều trải nghiệm thực tế, có khả năng xử lý tình huống và đưa ra quyết định nhanh chóng nhưng nhược điểm của họ là rất dễ bị đóng khung về mặt tư duy. Họ thường tập trung vào một số phương pháp, chiến lược, định hướng quen thuộc thay vì dành thời gian tìm tòi, xem xét và thử nghiệm các phương pháp mới cũng như đón nhận những góp ý hay sáng kiến cải tiến của những người xung quanh. Điều này khiến tác phong và hiệu quả công việc của họ dễ đi vào lối mòn, dẫn đến nhiều hạn chế về khả năng nhìn nhận, giải quyết vấn đề một cách toàn diện và sáng tạo.
Một sai lầm phổ biến khác của những người dày dặn kinh nghiệm làm việc là dành phần lớn thời lượng của buổi phỏng vấn để kể lể về những thành tựu trong quá khứ, hoàn toàn quên rằng bản thân cần tập trung thể hiện những giá trị mình sẽ đóng góp cho công ty trong tương lai. Nhớ rằng, điều nhà tuyển dụng muốn biết là bạn sẽ tạo ra những giá trị gì cho họ chứ không chỉ là những gì bạn đã làm được trước đây.
Kinh nghiệm nhiều nhưng không sâu
Để lý giải cho trường hợp này, ông cha ta có câu thành ngữ “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, ý nói mọi thứ trong cuộc sống đều quý ở sự tinh túy chứ không quý bởi số lượng nhiều.
Mỗi thứ bạn đều biết một chút nhưng lại không chuyên sâu bất cứ lĩnh vực chuyên môn nào. Mọi thứ bạn đều nắm vững quy luật bề nổi nhưng không hiểu sâu về bản chất của vấn đề. Vì lẽ đó, bạn khó có thể đưa ra những giải pháp để giải quyết tận gốc những khối u ác tính trong quy trình làm việc hay đề xuất những cải tiến mang tính đột phá nhằm cải thiện hiệu suất công việc.
Nhiều người nghĩ rằng, khi họ làm một công việc nào đó trong 10 năm đồng nghĩa với việc bản thân đã có 10 năm kinh nghiệm. Sự thật là họ chỉ có 1 năm kinh nghiệm và lặp lại nó trong 9 năm tiếp theo mà thôi. Nói cách khác, chúng ta đang lầm tưởng những gì mình có là kinh nghiệm mà không nhận ra đó chỉ đơn thuần là thói quen làm việc.
Những kinh nghiệm cũ không phù hợp với môi trường mới
Có thể kinh nghiệm làm việc của bạn rất phong phú nhưng những gì bạn tích lũy được trong những công việc trước đây hoàn toàn không phù hợp với đặc thù công việc tại công ty mới.
Bạn có thể là một nhân viên marketing xuất sắc nhưng hoàn toàn chưa có kỹ năng và kinh nghiệm quản lý, hoạch định chiến lược, xử lý mâu thuẫn và dung hòa lợi ích tập thể… để có thể đảm đương vị trí Trưởng phòng Marketing. Cũng có thể bạn có thâm niên marketing lâu năm cho một doanh nghiệp B2B nhưng hoàn toàn mờ mịt khi đặt trong môi trường agency với cường độ làm việc cao, linh hoạt về thời gian, đòi hỏi sự đa nhiệm cùng khả năng sáng tạo không ngừng nghỉ. Hoặc bạn có 10 kinh nghiệm kế toán công nợ nhưng vị trí nhà tuyển dụng đang tìm kiếm lại là kế toán thanh toán, kế toán thuế, kế toán tổng hợp…
Nói tóm lại, không phải bạn chưa đủ tốt, chỉ đáng tiếc là những kinh nghiệm cũ của bạn không phù hợp với yêu cầu tại môi trường mới mà thôi.
Kinh nghiệm làm việc là vốn quý của mỗi người trong công việc nhưng hoàn toàn không phải yếu tố quyết định thành công của họ trong sự nghiệp. Bạn có thể kiên trì trong bao lâu, đi bao xa phụ thuộc vào năng lực và tư duy của bản thân. Nếu kinh nghiệm của bạn đạt điểm 9 thì những thứ khác như kỹ năng giao tiếp, tư duy sáng tạo, khả năng học hỏi, khả năng thích ứng… bạn phải đạt điểm 7 trở lên mới đủ sức tạo ra sự khác biệt trên thị trường lao động.
Trang Đoàn