03/06/2017 - 17:26

Tái khởi động với nhiều triển vọng mới

Đường bay Cần Thơ - Bangkok khai trương lần đầu vào ngày 21-7-2015, nhưng chỉ sau hơn hai tháng đã tạm dừng bay. Đón đầu nhu cầu đi lại và du lịch trong dịp hè 2017, đường bay này sẽ mở lại vào ngày 27-6 tới đây. Việc mở các đường bay kết nối trực tiếp từ Cần Thơ đến các tỉnh, thành và quốc gia trọng yếu về du lịch, đầu tư thương mại, đang là vấn đề được thành phố quan tâm và đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ để đường bay hoạt động lâu dài và hiệu quả, từng bước mang lại diện mạo mới cho du lịch Cần Thơ.

Thị trường giàu tiềm năng

Ông Trần Tường Huy (giữa)- Tổng Giám đốc WorldTrans, trao đổi thông tin tại họp báo đường bay charter Cần Thơ - Bangkok.

Theo đại diện của Công ty cổ phần Dịch vụ Vận chuyển Thế giới (WorldTrans- đơn vị khai thác đường bay Cần Thơ- Bangkok), đường bay thẳng charter (thuê chuyến) Cần Thơ- Bangkok sẽ được khởi động lại với tần suất cách 5 ngày sẽ có một chuyến, kéo dài đến ngày 2-8. Loại máy bay được sử dụng là AIRBUS 320, gồm 179 chỗ của hãng hàng không ThaiVietjet; thời gian bay khoảng 90 phút. Trong dịp hè này, đường bay Cần Thơ– Bangkok sẽ có 10 chuyến khứ hồi, gấp đôi so với năm 2016. Ông Trần Tường Huy- Tổng Giám đốc WorldTrans, cho biết: "Lần này, chúng tôi đưa ra mức giá hết sức ưu đãi dành cho các đơn vị lữ hành lẫn khách lẻ. Đây là mức giá áp dụng chung, được công khai trên hệ thống của công ty và phương tiện đại chúng, quyền lợi của các bên được đảm bảo như nhau".

Với mức giá 4,8 triệu đồng/ vé khứ hồi (đã bao gồm thuế và phí sân bay) cho khách lẻ và 4,5 đồng/ vé khứ hồi cho khách đoàn, cùng với mức land tour (chương trình du lịch trọn gói tại điểm đến) tối thiểu từ 95 USD từ đối tác Thái Lan, các đơn vị lữ hành có thể chào giá tour Cần Thơ- Thái Lan từ 6,9 triệu đồng. Đây là mức giá được cho là phù hợp với thị trường ĐBSCL. Bà Lê Đình Minh Thy- Giám đốc Vietravel Cần Thơ và khu vực Tây Nam Bộ, chia sẻ: "Chính sách giá vé WorldTrans đưa ra cho đường bay Cần Thơ- Bangkok năm nay tốt hơn năm 2016. Cùng với các land tour dao động từ 95-105 USD, các đơn vị lữ hành có thể khai thác tour cạnh tranh hơn. Thực tế, tại TP Hồ Chí Minh, vào mùa cao điểm du lịch, các tour Thái dao động từ 7- 7,5 triệu đồng".

Dù hiện tại đường bay Cần Thơ- Bangkok đang khai thác theo dạng thuê chuyến, chỉ phục vụ trong mùa cao điểm nhưng đây được đánh giá là khởi đầu tích cực cho những đường bay mới sắp đi vào hoạt động của Cần Thơ. Đường bay sẽ phản ánh thực tế về lượng khách đi và đến tại Cần Thơ và Thái Lan- thước đo đánh giá thị trường tiềm năng về du lịch của hai địa phương, cũng như các tỉnh, thành lân cận. Từ đó, địa phương sẽ có những chính sách phù hợp để định hướng mở đường bay, phát triển du lịch.

Ông Trần Tường Huy cho biết: "Năm 2016, bình quân có hơn 900.000 lượt khách Việt đến Thái Lan; trong đó, có gần 100.000 lượt du khách tại ĐBSCL". Số liệu này phần nào phản ánh tiềm năng của thị trường ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng. Nói về thị trường này, bà Napasorn KaKai- Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) tại TP Hồ Chí Minh, nhận xét: "TP Cần Thơ đang có sự phát triển về kinh tế, nhu cầu tham quan nước ngoài tăng cao và tôi nghĩ Thái Lan cũng là một trong những lựa chọn. Tôi đánh giá cao thị trường du lịch tại Cần Thơ, những tài nguyên thiên nhiên của các bạn, nhất là chợ nổi Cái Răng. Tại Thái Lan, chúng tôi cũng có chợ nổi, nhưng chợ nổi của các bạn lại có lâu đời và những nét độc đáo riêng, chắc chắn sẽ thu hút du khách". Bà Napasorn KaKai cho biết TAT sẽ giới thiệu các địa điểm du lịch Cần Thơ đến người dân và du khách tại Thái Lan. Nếu có điều kiện, TAT sẽ xây dựng kế hoạch để kết nối du khách đến tham quan Thái Lan liên tuyến đến Cần Thơ bằng đường bay thẳng này.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam (KTO), tính đến cuối tháng 4- 2017, Hàn Quốc đón trên 88.000 lượt khách Việt Nam, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Jung Chang Wook- Trưởng đại diện KTO tại Việt Nam, cho biết: "Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai… là thị thường tiềm năng mà chúng tôi đánh giá cao và đặt nhiều quan tâm. Chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ các thông tin, sản phẩm du lịch, cũng như các chính sách ưu đãi cho các đơn vị lữ hành; cũng hy vọng rằng sẽ kết nối trực tiếp với Cần Thơ". KTO cũng đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với các đơn vị lữ hành Cần Thơ vào tháng 5 vừa qua.

Trợ lực cho các đường bay

Xác định đường bay là yếu tố làm thay đổi diện mạo du lịch và kinh tế xã hội của địa phương, TP Cần Thơ đã có những định hướng cụ thể từ nay đến năm 2020 mở khoảng 10 đường bay mới đến: Singapore, Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Hải Phòng, Vinh, Khánh Hòa, Đà Lạt… Trong đó, 3 đường bay: Cần Thơ- Cam Ranh, Cần Thơ- Hải Phòng, Cần Thơ- Bangkok sẽ được mở trong năm 2017. Vấn đề đặt ra là việc duy trì các đường bay bởi thực tế những đường bay charter Cần Thơ- Cam Ranh, Cần Thơ- Liên Khương, Cần Thơ- Bangkok đã phải tạm dừng sau một thời gian khởi động, bởi lượng khách ít ỏi. Vì vậy, tháng 5- 2017, lãnh đạo TP Cần Thơ đã họp bàn cùng các sở, ban ngành hữu quan xây dựng khung cơ chế, chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay mới đi và đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.

Hành khách làm thủ tục check-in tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ. Ảnh: KIỀU MAI

Sở Giao thông vận tải  (GTVT) TP Cần Thơ đã đề xuất 3 phương án hỗ trợ khai thác đường bay mới. Với các phương án này, mức hỗ trợ cho đường bay nội địa không quá 5 tỉ đồng/ năm/ đường bay mới, còn đường bay quốc tế không quá 8,5 tỉ đồng/ năm/ đường bay mới.

Ông Trần Đoàn Thế Duy- Phó Tổng Giám đốc Vietravel, cho biết: "Trước đây do không có hãng bay nào chịu mở đường bay mới tới Khánh Hòa, Lâm Đồng, Thái Lan, nên Vietravel mới mạnh dạn thử nghiệm bằng đường bay charter. Nếu như địa phương và các hãng bay chịu bắt tay để mở những đường bay mới thì các hãng lữ hành sẽ luôn ủng hộ. Có thể chúng tôi sẽ cam kết giữ 20- 30% chỗ trên mỗi chuyến bay". Ông Nguyễn Đình Tĩnh, Giám đốc Jestar Pacific Chi nhánh miền Trung và miền Nam, đề xuất: "TP Cần Thơ có thể tham khảo chính sách hỗ trợ đường bay mới của Hải Phòng, để có phương án phù hợp với địa phương. Thị trường tại Cần Thơ còn quá mới nên các hãng bay e dè là điều tất nhiên. Cần Thơ cũng cần có sự phối hợp về chính sách với các địa phương mà đường bay sẽ kết nối. Với các hãng bay, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận hòa vốn, chịu lỗ ở giai đoạn đầu nhưng cần phải có những chính sách đảm bảo về lâu dài". Trong khi đó, ông Phạm Thanh Tâm- Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, cho biết: "Với tất cả các đường bay mới, cảng luôn có chính sách hỗ trợ đặc biệt. Để đường bay phát huy hiệu quả, ngoài chính sách hỗ trợ, chúng ta nên có những kế hoạch xúc tiến quảng bá, kích cầu du lịch".

Ông Võ Thành Thống- Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chỉ đạo: Sở GTVT tổng hợp tất cả các ý kiến của các sở, ngành, đơn vị có liên quan để hoàn thiện xây dựng khung cơ chế, chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay mới; dự thảo kế hoạch, đề án mở các chuyến bay mới từ đây đến năm 2020; nghiên cứu lựa chọn các phương án phù hợp; đồng thời kết nối với Cục hàng không Việt Nam để xây dựng định hướng mở các chuyến bay mới cho phù hợp, hiệu quả và bền vững. Đối với các sở, ngành có liên quan phải xác định rõ nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT sớm hoàn thành dự thảo cơ chế, chính sách. 

3 phương án hỗ trợ khai thác đường bay mới do Sở Giao thông vận tải Cần Thơ đề xuất:

1. Bù lỗ năm đầu tiên cho hãng hàng không khi mở chuyến bay mới.
2. Hỗ trợ một phần số lượng ghế trên chuyến bay xuất phát từ Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, theo hình thức hỗ trợ chi phí từ 20-30% số lượng ghế trên chuyến bay.
3. Hỗ trợ một phần số lượng ghế trên từng chuyến bay xuất phát từ Cần Thơ với điều kiện số lượng ghế khai thác trong từng chuyến thấp hơn 70% số ghế theo công suất thiết kế của máy bay, mức hỗ trợ tối đa không quá 30% số lượng ghế trên từng chuyến bay.
Theo đánh giá của các hãng bay và lữ hành, phương án 2 là lựa chọn phù hợp tại thị trường còn mới ở Cần Thơ, nhưng cần tăng mức hỗ trợ để các hãng hàng không có thể hòa vốn.

Bài, ảnh: Ái Lam

Chia sẻ bài viết