31/10/2010 - 22:12

VỤ ĐÔNG XUÂN 2010-2011:

Tái diễn "sốt ảo" phân đạm

Còn khoảng 15 ngày nữa mới bước vào vụ đông xuân tại các tỉnh thành phía Nam nhưng thị trường các loại phân bón phụ thuộc nhập khẩu, nhất là đạm u rê đã tái diễn tình trạng “sốt ảo” bất chấp các nỗ lực bình ổn thị trường. Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ông Nguyễn Hạc Thúy khẳng định: Hiệp hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các bộ ngành đảm bảo nguồn cung phân bón cho vụ đông xuân 2010-2011.

“Sốt ảo” do nhiễu thông tin

Dự báo về cung cầu phân đạm vụ đông xuân 2010-2011, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn đưa ra con số là 800.000 tấn trong khi Hiệp hội Phân bón Việt Nam lại khẳng định chỉ ở mức 700.000 tấn. Sự “lệch pha” tới 100.000 tấn này là một trong những yếu tố gây nhiễu đối với công tác điều hành sản xuất và nhập khẩu phân đạm nhằm đảm bảo cung cầu cho vụ đông xuân. Bởi theo quy định của Chính phủ, tồn kho bắt buộc đạm urê của Tổng Công ty Phân đạm và Hóa chất dầu khí (đạm Phú Mỹ-DMP)-doanh nghiệp nắm khoảng 50% thị phần đạm urê tại Việt Nam chỉ là 70.000 tấn. Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam, ông Nguyễn Hạc Thúy khẳng định: Độ chính xác của thông tin cung cầu thị trường hàng hóa đối với nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và người nông dân là rất quan trọng, góp phần ổn định cung cầu thị trường cũng như tâm lý tiêu dùng, hạn chế thấp nhất việc “găm hàng” tạo “cơn sốt ảo”.

Nhiều giải pháp bình ổn thị trường phân bón đang được quan tâm thực hiện. Ảnh: VĂN CỘNG 

Theo ông Thúy, từ ngày 18-10, khi giá phân đạm thế giới đột ngột tăng khoảng 20% so với tháng 9, cộng với tin đồn thất thiệt “đạm Phú Mỹ tăng xuất khẩu kiếm lời”, một số doanh nghiệp thương mại đã “tranh tối tranh sáng” gom hàng đầu cơ. Trong khi đó, nông dân tại nhiều tỉnh thành phía Nam đẩy mạnh mua dự trữ chuẩn bị cho vụ đông xuân cận kề đã khiến giá phân đạm tại thị trường phía Nam bị đẩy lên mức 7.800 đồng-8.000 đồng/kg so với mức giá 6.200 đồng/kg vào thời điểm tháng 9.

Không “khan hàng sốt giá”

Ông Thúy cho biết, với một loạt diễn biến bất lợi như: Giá lương thực thế giới tăng gần 50%, nhu cầu đạm của thế giới và Mỹ dự báo tăng mạnh để gia tăng sản lượng ngô và nhất là quyết định tăng thuế xuất khẩu phân bón của Trung Quốc từ 10% lên 100% ngay từ 1-12 tới đây, thị trường phân bón thế giới đang trở nên căng thẳng bởi Trung Quốc là nước sản xuất và xuất khẩu đạm u rê lớn nhất thế giới.

Vì vậy, với đặc thù thị trường phân bón trong nước vẫn lệ thuộc nhiều vào thị trường thế giới (do Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 50% nhu cầu phân đạm, 70% nhu cầu DAP, 100% Kali và SA), giá phân bón thế giới tăng sẽ tác động mạnh khiến giá phân đạm trong nước cũng không thể “ghìm giữ”.

Theo “đại gia phân bón” Nguyễn Thị Tiêu, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Anh, cho tới thời điểm này, giá phân đạm tại thị trường phía Bắc đã tăng chạm mức 7.400 đồng/kg nhưng vẫn thấp hơn giá đạm thế giới khoảng 4 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về ngoại tệ cũng như biến động khó lường của tỷ giá giữa USD và tiền đồng, các doanh nghiệp nhập khẩu phân đạm chỉ nhập khẩu “dè chừng” và không đủ sức nhập khẩu dự trữ trước niên vụ.

Về phía Hiệp hội, ông Thúy khẳng định: Mặc dù cung cầu phân bón thế giới căng thẳng, nhưng với cân đối cung cầu thị trường trong nước sẽ không có tình trạng “khan hàng, sốt giá” trong vụ đông xuân như năm 2008. Với việc đưa dự án thu hồi khí CO2 vào sớm hơn kế hoạch 3 tháng nâng sản lượng phân u rê lên 800 nghìn tấn/năm; cộng với các lợi thế về công nghệ hiện đại, giá khí ưu đãi, hệ thống phân phối “một giá” đến tận tay nông dân, đạm Phú Mỹ tuy không thể điều tiết giá đạm trên thị trường nhưng lại góp phần quyết định trong việc ghìm mức tăng giá phân đạm trong nước chậm hơn nhịp tăng giá phân đạm thế giới. “Nếu không có đạm Phú Mỹ cầm trịch, giá đạm trong nước đã biến động rất mạnh”. Ông Thúy thừa nhận.

Hiện giá đạm trên thị trường phía Nam đã biến động rất mạnh, nhưng giá phân đạm Phú Mỹ trong hệ thống phân phối vẫn giữ ở mức trần 6.800 đồng/kg, thấp hơn giá đạm nhập khẩu và đạm Hà Bắc.

Nỗ lực bình ổn thị trường

Số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón cho thấy, nhu cầu phân đạm cho vụ đông xuân 2010-2011 đến hết ngày 31-12 là 500.000/700.000 tấn. Về nguồn cung, đạm Phú Mỹ sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 160.000 tấn, đạm Hà Bắc cung ứng khoảng 30.000 tấn, tồn kho trong toàn quốc khoảng 155.000 tấn (trong đó tồn kho của Phú Mỹ là 90.000 tấn). Như vậy, theo tính toán cung cầu, vụ đông xuân này chỉ cần nhập khẩu dưới 200.000 tấn đạm là đủ.

Trước diễn biến cung cầu phân đạm thế giới căng thẳng, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tạm ngừng xuất khẩu phân bón (trừ NPK, hữu cơ, lân) đến hết ngày 31-12 để đảm bảo lượng phân bón cho sản xuất vụ đông xuân tới, đồng thời tránh tình trạng giá phân bón trong nước có thể tăng đột biến. Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo các ngân hàng ưu tiên cho các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón vay ngoại tệ để đảm bảo đủ chân hàng cho vụ đông xuân.

Về phía doanh nghiệp, cùng với nỗ lực đảm bảo vận hành 100% công suất nhà máy sản xuất đạm của DPM, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang chủ trương ưu tiên cung cấp nguồn khí cho đạm Phú Mỹ để bảo đảm sản xuất, bình ổn thị trường. DPM cũng đang tính toán nhu cầu nhập khẩu đạm của các đại lý và cửa hàng trong hệ thống phân phối để sẵn sàng làm đầu mối nhập khẩu đạm về bán lại cho các đại lý này, trên cơ sở chỉ tính phí ủy thác nhập khẩu, nhằm bình ổn thị trường.

Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, đại diện đạm Phú Mỹ, ngay khi có dấu hiệu “căng thẳng” phân đạm trên thị trường, DPM chỉ đạo các công ty thành viên quản lý chặt hệ thống phân phối theo tiêu chí: Chỉ bán phân bón đến tay người nông dân, hạn chế đến mức thấp nhất bán phân bón cho các đối tượng “găm hàng” ăn chênh lệch. DPM cũng chủ động khâu vận chuyển, đảm bảo đủ chân hàng cần thiết cho tất cả trên 2.000 cửa hàng, đại lý trong hệ thống phân phối ở 4 vùng miền, kịp thời đáp ứng nhu cầu đạm urê cho sản xuất.

“Đại gia” nhập khẩu phân bón Nguyễn Thị Tiêu cũng cho biết: Công ty đang nỗ lực thu xếp nguồn ngoại tệ để triển khai nhập khẩu phân đạm về Việt Nam, góp phần bình ổn thị trường. Tuy nhiên, để lành mạnh thị trường phân đạm trong nước, tránh những cơn “sốt ảo” gây thiệt hại trực tiếp cho người nông dân, bên cạnh giải pháp quan trọng là các Bộ ngành nâng cao chất lượng thông tin dự báo, Cục quản lý giá Bộ Tài chính cần sớm có những giải pháp “mạnh tay” xử lý tình trạng “ăn” chênh lệch giá quá lớn của các khâu phân phối trung gian-mắt xích “nhức nhối” nhất hiện nay đang trực tiếp đẩy giá phân bón lên cao khi đến tay người nông dân. Ông Thúy nhấn mạnh.

NGUYỄN KIM ANH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết