19/09/2019 - 04:15

Tái cơ cấu ngành hàng nông, thủy sản để hội nhập 

Công nghiệp chế biến nông, thủy sản là ngành hàng lợi thế, đóng góp tích cực cho nền kinh tế TP Cần Thơ thông qua kim ngạch xuất khẩu hằng năm. Tuy nhiên, ngành hàng này phát triển chững lại từ năm 2012 và đang có dấu hiệu phục hồi tăng trưởng kể từ năm 2018. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và các hiệp định thương mại song phương, đa phương bắt đầu có hiệu lực, xuất khẩu nông, thủy sản của thành phố phải đối mặt với khó khăn, thách thức đòi hỏi phải gấp rút tái cơ cấu để đáp ứng tình hình mới.

Chế biến cá tra phile xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX).

Chế biến cá tra phile xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX).

Gian nan đường hội nhập

Phó Giáo sư Tiến sĩ Quan Minh Nhựt, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ, đánh giá: "Thủy sản và gạo là 2 mặt hàng lợi thế, mang lại giá trị kinh tế cho thành phố trong một thời gian dài. Nhưng hiện tại so với mặt bằng chung của cả nước và thế giới thì 2 ngành hàng này có giá trị gia tăng không cao và thiếu tính ổn định. Hơn nữa, các thị trường xuất khẩu truyền thống như: Châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang có nhiều trở ngại và diễn biến khó lường". Bên cạnh nguyên nhân khách quan từ thị trường thế giới, một số nguyên nhân nội tại như trình độ công nghệ của doanh nghiệp (DN) chế biến còn hạn chế; thiếu liên kết, thiếu vùng nguyên liệu ổn định; chiến lược xuất khẩu không rõ ràng, sản phẩm đơn điệu... nên chỉ đi vào thị trường phân khúc trung bình, thấp, giá trị gia tăng không cao.

Thời gian qua, ngoài sự hỗ trợ tích cực từ ngành chức năng, DN cũng có nhiều nỗ lực trong quá trình hội nhập, thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập sâu rộng, các DN trên địa bàn cũng phát sinh hạn chế trong việc thực hiện thương mại quốc tế như: chi phí vận tải cao; chất lượng hàng hóa kém cạnh tranh; không chứng minh xuất xứ hàng hóa; các vấn đề bất cập liên quan đến thuế, quy định trong vận tải, thủ tục C/O, bảo hiểm, thủ tục thanh toán…

Ông Đinh Thanh Phú, Chánh thanh tra Sở Công thương TP Cần Thơ cho rằng, DN ít quan tâm tìm hiểu các cam kết, hiệp định thương mại, các công ước Việt Nam đã tham gia… để tận dụng các lợi thế, tận dụng các cơ hội về thị trường, chuỗi cung ứng. Mặt khác, DN thiếu kiến thức về các thủ tục quy định, các chuẩn mực trong giao thương quốc tế, không am hiểu pháp luật, thông lệ trong kinh doanh quốc tế. Từ đó, dẫn đến các vi phạm trong quá trình giao dịch hàng hóa; tăng rủi ro trong giao dịch, xảy ra tranh chấp…

Để thích ứng với tình hình mới, nhiều DN sản xuất chế biến hàng nông, thủy sản trên địa bàn thành phố đã chú trọng đầu tư đổi mới dây chuyền, thiết bị phục vụ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn hẹp nên chỉ có một số DN trang bị, sử dụng công nghệ hiện đại, phần lớn DN việc đổi mới trang thiết bị chưa đồng bộ. Điều này khiến hiệu quả đổi mới không cao, chưa đạt năng suất, chất lượng sản phẩm như kỳ vọng.  Bên cạnh đó, do hạ tầng giao thông phục vụ xuất khẩu nông, thủy sản chưa được đầu tư thỏa đáng, các dịch vụ logistics chưa phát triển đã làm cho các DN xuất khẩu Cần Thơ phát sinh nhiều chi phí trung gian, phí bảo quản… từ đó làm giảm tính cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.

Tái cơ cấu

Trước những khó khăn, thách thức đặt ra, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tái cơ cấu ngành hàng chế biến nông, thủy sản xuất khẩu của thành phố là vô cùng cấp thiết. Năm 2017, TP Cần Thơ đặt hàng Trường Đại học Cần Thơ thực hiện Đề án "Giải pháp gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu ngành công nghiệp TP Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Qua gần 2 năm thực hiện, Đề án đã hoàn tất việc đánh giá hiện trạng, từ đó xây dựng lộ trình và giải pháp nâng nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu ngành công nghiệp thành phố phù hợp với những cơ hội, thách thức mà quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Quan Minh Nhựt, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ, Chủ nhiệm Đề án, cho biết: "Đề án xác định để gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu của TP Cần Thơ cần phải tiếp cận quản lý chuỗi cung ứng để tăng số lượng các sản phẩm mới và sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời, đề xuất các giải pháp chung trong chỉ đạo điều hành và nhóm giải pháp riêng cho các ngành hàng chủ lực của thành phố, gồm: thay thế công nghệ lạc hậu bằng công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn; đầu tư nâng cấp, đổi mới công nghệ với các DN chế biến xuất khẩu quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu; tạo dựng thương hiệu, nâng cao năng lực quản lý, phát triển thị trường xuất khẩu để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu của thành phố".

Để tăng độ an toàn đối với sản phẩm nông, thủy sản trong quá trình "xuất ngoại", bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, đề xuất: Các cơ quan quản lý nhà nước cảnh báo sớm trên toàn hệ thống khi phát hiện các mặt hàng đang bị nước ngoài điều tra hoặc số lượng xuất khẩu tăng đột biến. Đồng thời, tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, nơi trồng các mặt hàng có nguy cơ gian lận thương mại cao trước khi cấp chứng thư cho DN xuất khẩu; xử lý nghiêm các cá nhân, DN vi phạm. Về phía DN cần tìm hiểu rõ về quy định mới của các Hiệp định mới, Hiệp định đã ký (lộ trình giảm thuế) để tận dụng tốt ưu đãi; tìm hiểu văn hóa, kinh doanh (thị trường, tiêu chuẩn…) tại các thị trường nhập khẩu để đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng cũng như mở rộng thị trường… 

Ông Đinh Thanh Phú, Chánh Thanh tra Sở Công thương TP Cần Thơ, chia sẻ: "Quá trình hội nhập quốc tế đã tạo ra những cơ hội cho DN xuất nhập, khẩu về thị trường, nguồn vốn, công nghệ... Song song đó, đòi hỏi khi tham gia vào sân chơi lớn các DN Cần Thơ phải khắc phục những hạn chế, tồn tại và đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, công nghệ, vốn, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật trong sản xuất, trong thương mại quốc tế. Các cơ quan quản lý nhà nước, các Hiệp hội, Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ cho DN. Tuy nhiên, yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững, kinh doanh hiệu quả vẫn là nội lực của mỗi DN trên cơ sở hàng hóa dịch vụ cạnh tranh, chấp hành tốt các quy định trong nước và quốc tế".

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết