26/03/2008 - 09:31

Kỷniệm 77 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2008)

Sức trẻ xây dựng quê hương

“Tháng Thanh niên” đã bước vào thời điểm nước rút. Các cơ sở Đoàn đang tập trung thực hiện nhiều công trình, phần việc, thi đua lập thành tích mừng sinh nhật lần thứ 77 Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Trong bầu không khí thi đua nhộn nhịp, tôi đã gặp nhiều kỹ sư, công nhân, những đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đang ngày đêm miệt mài với công trình, góp sức xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp...

Không khí lao động ở Công ty Nhiệt điện Cần Thơ trong những ngày cao điểm của “Tháng Thanh niên” khẩn trương, hối hả. Tại phân xưởng Sửa chữa cơ nhiệt, các kỹ sư, công nhân đều tất bật với việc bảo trì, nghiên cứu lắp đặt thiết bị để những cỗ máy hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt cho sản xuất. Dẫn chúng tôi đi xem một số máy móc vừa được cải tiến của công ty, anh Lưu Hoàng Viên, Bí thư Đoàn Cơ sở Công ty, kể: “ Cùng với các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, trong Tháng Thanh niên, chúng tôi còn phát động ĐVTN đăng ký tham gia phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất hoạt động của công ty và xem đây là món quà đầy ý nghĩa kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn...”.

Bác sĩ của Ban Quân y, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ đang khám bệnh cho bà con ở xã Trường Long.  

Từ nhiều năm qua, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã trở thành một trong những phong trào trọng tâm được Đoàn cơ sở Công ty phát động thường xuyên, thu hút nhiều ĐVTN tham gia. Chỉ tính trong năm 2007, ĐVTN của công ty đã thực hiện hàng chục đề tài sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và được áp dụng vào thực tiễn. Nhiều đề tài có giá trị cao, giúp nâng cao hiệu quả lao động, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Dừng lại trước hệ thống bơm dầu vừa được cải tiến, anh Viên giới thiệu: “Đây là sáng kiến của anh Nguyễn Trung Kiên, Bí thư Chi đoàn, công nhân của Phân xưởng Sửa chữa cơ nhiệt. Để giảm thời gian và tăng năng suất lao động, anh Kiên đã nghiên cứu gia công hệ thống bơm dầu bằng động cơ thay thế cho việc bơm dầu bằng tay. Sáng kiến này đã tiết kiệm được thời gian, thao tác đơn giản, an toàn và đảm bảo chế độ đốt lửa trong buồng đốt được ổn định”.

Nghe giới thiệu về mình, anh Nguyễn Trung Kiên cười khiêm tốn: “Trong quá trình làm việc, tôi phát hiện ra việc bơm dầu bằng tay tốn nhiều thời gian, nhưng năng suất lao động không cao nên có ý tưởng lắp đặt hệ thống bơm dầu bằng động cơ thay cho bơm tay. Tuy nhiên, để ý tưởng trở thành một đề tài sáng kiến và đi đến thành công, tôi được các anh em trong tổ trợ giúp rất nhiều...”. Khi bắt tay thực hiện ý tưởng lắp đặt hệ thống bơm dầu, anh Kiên gặp nhiều khó khăn trong việc thiết kế bản vẽ, kỹ thuật... Để giúp anh gỡ rối, các công nhân trong tổ cùng nghiên cứu nguyên lý hoạt động của máy, đóng góp ý kiến chỉnh sửa bản vẽ thật chi tiết. Sau gần một tháng mày mò, anh Kiên bắt đầu lắp đặt hệ thống bơm dầu. Tuy nhiên áp suất không ổn định, anh Kiên phải nghiên cứu lại từ đầu... Với bản tính kiên trì, ham học hỏi, cuối cùng hệ thống bơm dầu bằng động cơ do anh đảm trách đã hoàn tất với nhiều ưu điểm.

Trò chuyện với anh Kiên, chúng tôi hiểu hơn vì sao các ĐVTN nơi đây luôn nhắc đến anh với một tình cảm quí mến và trân trọng. Từ năm 2005 đến nay, anh đã thực hiện 3 đề tài sáng kiến và được ứng dụng vào thực tiễn. Với vai trò là Bí thư Chi đoàn, anh luôn đôn đốc, nhắc nhở đoàn viên đăng ký các công trình, đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Qua đó hàng năm, Chi đoàn đều có từ 3 đến 4 đề tài, sáng kiến, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cho công ty.

Anh Lưu Hoàng Viên, Bí thư Đoàn cơ sở, cho biết, để nhân rộng phong trào, giúp nhiều ĐVTN công nhân tham gia sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thời gian gần đây, Đoàn Cơ sở Công ty tổ chức thành lập Ban Bồi huấn. Khi các ĐVTN có ý tưởng sáng kiến sẽ được Ban xem xét tính khả thi của đề tài, trình độ, năng lực của anh em để từ đó có những hỗ trợ kịp thời, giúp anh em hoàn thành đề tài sớm và đạt hiệu quả cao nhất. Chính điều này đã giúp anh em ngày càng trở nên hăng hái, gắn bó với các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Năm 2007, toàn công ty có 24 đề tài sáng kiến kỹ thuật, trong đó có khoảng 10 đề tài của ĐVTN được ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ thiết thực cho lợi ích của công ty và nhân dân.

* * *

Cùng với các công nhân, ở ngoại thành, nhiều bạn trẻ cũng đang nỗ lực, dốc sức với những công trình tình nguyện, góp phần phục vụ cho đời sống người dân vùng ngoại thành.

Trời còn mờ sương, trên khắp các nẻo đường của ấp Thới Phong A, Thị trấn Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, đã rộn ràng, huyên náo. Con kinh Đông Pháp như trở mình thức giấc trước những bước chân rầm rập của hơn 400 thanh niên tình nguyện (TNTN) huyện Cờ Đỏ và các chiến sĩ công an thuộc Ban Thanh niên Công an TP Cần Thơ. Tại công trình, các thanh niên tình nguyện, người dùng cuốc, người dùng xẻng đào đất, người khiêng từng cán đất nặng trĩu đến đắp lề hai bên lộ. Lau vội những giọt mồ hôi, anh Nguyễn Tuấn Phát, đoàn viên ấp Định Hòa B, xã Định Môn, bộc bạch: “ Thới Phong A là một trong những ấp nghèo, đời sống nhiều dân còn nhiều khó khăn, đường sá đi lại rất vất vả. Vì vậy, khi Huyện đoàn tổ chức nâng cấp cầu, lộ tại tuyến Thới Phong A, đa số ĐVTN đều hưởng ứng tích cực” .

Càng về trưa, trời càng nắng gay gắt, nhóm TNTN xã Đông Hiệp và Đoàn Cơ sở Giáo dục huyện Cờ Đỏ vẫn trầm mình dưới kinh, nhấn từng thùng đất chuyển lên bờ. Quần áo còn ướt sũng, anh Nguyễn Huỳnh Đạt, Tổng phụ trách Đội trường THCS Đông Hiệp, vừa lên bờ đã vội lao vào ban đất đắp lộ phụ tiếp các ĐVTN khác. Nhìn những thao tác anh Đạt thuần thục, không ít ĐVTN gọi anh là nông dân thứ thiệt. Anh cười: “Đi phong trào tình nguyện mà, việc gì làm được thì làm, việc gì chưa biết thì học hỏi thanh niên địa phương. Hơn nữa, mình là Tổng phụ trách Đội, cần phải gương mẫu để dạy học sinh nữa chứ”.

ĐVTN huyện Cờ Đỏ tham gia nâng cấp lộ tại ấp Thới Phong A, thị trấn Thới Lai. Ảnh: H. THU 

Xen lẫn với những TNTN, các chiến sĩ Công an TP Cần Thơ đang hăng hái đào đất, khiêng đất, phát quang bụi rậm. Theo từng nhát leng, những giọt mồ hôi thấm đẫm, hòa quyện vào lòng đất. Ban sáng, khi thấy nhiều anh công an “hành quân” về ấp, bọn trẻ trong xóm sợ lắm, cứ thụp thò núp sau cánh cửa. Dần về sau, thấy các anh cười nói vui vẻ, bọn trẻ mạnh dạn hái từng chùm mận đỏ mọng đến mời, có đứa còn chạy về nhà xách cả thùng nước đá ra đãi khách. Thấy không khí cởi mở, bé Như Ngọc, ấp Thới Phong A, mạnh dạn kể: “Ở đây đường đất khó đi lắm, nhất là ở phía trước có mấy cây cầu ván sắp bị hư, lần nào đi học ngang, con cũng sợ té dưới kinh”. Nghe bé Ngọc nói, một chiến sĩ đề nghị: “Hay chúng ta cùng sửa lại chiếc cầu này để người dân qua lại an toàn hơn”. Ý kiến được cả nhóm “đồng ý cái rụp”. Chiếc cầu ván vốn đã chênh vênh nay liên tục trở mình kêu răng rắc khi đoàn người đi qua. Các chiến sĩ công an chia nhau công việc, người đi xin cây, người lặn dưới sông hì hục đóng cọc... Gần 11 giờ trưa, chiếc cầu ván mới được “hàn” lại trong tiếng reo mừng của nhiều người. Dù đói run trong bụng, nhưng các chiến sĩ công an ai cũng nghe lòng rộn rã niềm vui.

Từ Cờ Đỏ, chạy xe dọc theo lộ Vòng Cung, chúng tôi trở về xã Trường Long, huyện Phong Điền. Cái nắng của những ngày tháng ba như thiêu đốt thịt da nhưng vẫn không ngăn nổi bước chân tình nguyện của những ĐVTN Báo Cần Thơ và đoàn bác sĩ của Ban Quân y, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ đến khám bệnh cho nhân dân. Dọc theo dãy hành lang Trường Tiểu học Tây Đô - điểm khám bệnh, bà con ngồi kín mít. Nhìn những cụ già ho sặc sụa, cầm tấm phiếu run run, chờ bác sĩ gọi đến tên mình, lòng tôi càng xốn xang, khi nhớ lại lời tâm sự của Thiếu tá - Bác sĩ Phạm Văn Cuộc, Chủ nhiệm Quân y: “Có đến những vùng ngoại thành, những vùng còn nhiều khó khăn mới hiểu hết nỗi khổ của các bệnh nhân nghèo. Vì vậy, khi chúng tôi tổ chức những chuyến khám và phát thuốc miễn phí, các bác sĩ trong đơn vị đều tích cực tham gia. Ai cũng muốn góp phần mình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân...”.

Trời về trưa, không khí càng nóng bức, cộng với hàng trăm bệnh nhân vây quanh làm cho không khí phòng khám dã chiến nơi hành lang càng thêm ngột ngạt. Ngồi lọt thỏm giữa các bệnh nhân vây quanh, bác sĩ Đỗ Trung Đông vẫn ân cần khám bệnh, ra toa thuốc, giải thích những thắc mắc cho bệnh nhân. Lách mình ra khỏi phòng khám, bà Đỗ Thị Cho, 70 tuổi, than thở: “Mấy hổm rày tui nhức lưng, nhức chân lắm, nhưng ra Trạm Y tế xã thì xa quá, vả lại tui cũng đâu có tiền. Nghe nói, hôm nay có thầy thuốc về, từ sáng sớm tui đã lội bộ ra đây chờ khám bệnh”. Nói rồi, bà Cho khoe với tôi bọc thuốc, món mém cười: “Bao nhiêu đây cũng bằng tiền hai, ba ngày công làm mướn của con tui đó nghe. Thiệt tình tôi cảm ơn các bác sĩ hết sức!”. Không chỉ có bà Cho, mà còn có chị Nguyễn Xuân Đào, bé Mai và nhiều lắm những người dân nghèo xã Trường Long... ai cũng đều tỏ ra vui mừng khi có được trên tay những viên thuốc và nghĩa tình đáng quý.

Nhìn gương mặt hớn hở của các bệnh nhân khi cầm toa thuốc, bác sĩ Phạm Văn Cuộc, cười thật tươi, như xua đi bao mệt nhọc. Bạn Trần Nguyễn Thụy Sỹ Huiên, Bí thư Đoàn cơ sở Báo Cần Thơ, bộc bạch: “Để có kinh phí khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các bệnh nhân nghèo, hơn 1 tháng qua, Đội Công tác xã hội của Báo Cần Thơ đã lập kế hoạch hoạt động, từng đoàn viên thanh niên tích cực vận động doanh nghiệp, các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí...”.

Bệnh nhân cuối cùng ra về, trời cũng đã khá trưa. Rời phòng khám dã chiến, lau vội những giọt mồ hôi đọng trên trán, các y, bác sĩ, trở về với đơn vị, thành phố nhộn nhịp, nhưng dường như tôi vẫn nghe bên tai mình lời bộc bạch của các bác sĩ trẻ: “Những khó khăn vất vả của bà con vùng ngoại thành mãi như một lời nhắc nhở chúng tôi phải luôn phấn đấu, trau dồi y đức để phục vụ tốt, xứng đáng là người thầy thuốc của nhân dân”.

Ghi chép: HOÀI THU

Chia sẻ bài viết