Từ ngày 30-6 đến 3-7-2015, tại Khu di tích Nguyễn Đình Chiểu (xã An Đức, huyện Ba Tri), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cùng UBND huyện Ba Tri phối hợp tổ chức Lễ hội Văn hóa truyền thống tỉnh Bến Tre và kỷ niệm 193 năm ngày sinh (1/7/1822 - 1/7/2015), 127 năm ngày mất (3/7/1888 - 3/7/2015) của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc.
Dịp này, Báo Cần Thơ xin giới thiệu bài viết về sức sống thơ văn Đồ Chiểu trong lòng người dân Nam bộ.
Về xuất xứ chân dung cụ Đồ Chiểu
Trong quá trình nghiên cứu về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, chúng tôi may mắn sưu tầm được quyển sách "Đồ Chiểu chiến sĩ" do nhà giáo Võ Văn Dung xuất bản năm 1971, nhân kỷ niệm 149 năm ngày sinh cụ Đồ. Quyển sách đã làm sáng tỏ về xuất xứ chân dung cụ Đồ Chiểu mà chúng ta đang thấy, cũng như được chọn tạc tượng đặt tại lăng cụ ở Ba Tri Bến Tre. Đó là sản phẩm của trí tưởng tượng, thông qua hồi ức và những tấm ảnh của người thân cụ Đồ.
|
Bìa cuốn “Đồ Chiểu chiến sĩ” của nhà giáo Võ Văn Dung với ảnh bìa là chân dung cụ Đồ Chiểu lần vẽ lần đầu, năm 1971: khăn xếp hình chữ “Nhân” và không vẽ râu. |
Theo nhà giáo Võ Văn Dung, công lớn trong việc vẽ nên bức chân dung cụ Đồ là bà Mai Huỳnh Hoa, cháu ngoại nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, tức cháu cố cụ Đồ Chiểu và là vợ của học giả nổi danh Phan Văn Hùm. Bà Huỳnh Hoa đã cung cấp một số tấm ảnh quý như di ảnh cụ Nguyễn Đình Chiêm con trai thứ bảy của cụ Đồ, di ảnh cụ Nguyễn Đình Ninh cháu nội, con trai người con thứ ba của cụ Đồ và ảnh cụ Hứa Đức Thắng, cháu ngoại, con trai trưởng nữ của cụ Đồ (bà Nguyễn Thị Hương). "Họa sĩ căn cứ vào các hình chụp nầy, và đọc các tài liệu trong sách xưa mô tả hình dung cụ Đồ, sau đó mới vẽ bức tượng" nhà giáo Võ Văn Dung thuật lại trong "Đồ Chiểu chiến sĩ". Cũng theo nhà giáo Dung, bà Mai Huỳnh Hoa cho biết nhiều người trong thân tộc của bà nói rằng: "Trông vào bức tượng, nhận được ít nhiều những nét mặt của cố nữ sĩ Sương Nguyệt Anh".
Đến năm 1982, nhân kỷ niệm 160 năm Ngày sinh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, sau khi xác định quê gốc của cụ ở miền Trung và thể theo nguyện vọng gia đình, các nhà nghiên cứu đã thống nhất trên cơ sở bức vẽ cũ 1971, thêm vào các chi tiết: chòm râu dài và khăn xếp với nếp xếp giữa khăn hình chữ "Nhất" đúng theo phong cách miền Trung (thay vì chữ "Nhân" theo phong cách miền Nam). Bức chân dung cụ Đồ "đánh giặc bằng thơ" ra đời từ đó. Dù là sản phẩm được lắp ghép bằng ký ức, tư duy nhận diện, nhưng bức chân dung cụ Đồ đã thể hiện lòng tôn kính, ngưỡng mộ một hồn thơ xuất chúng của hậu thế.
"Lục Vân Tiên" trong dân gian Nam bộ
Nhắc đến nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, người ta nghĩ ngay đến truyện thơ "Lục Vân Tiên". Đó cũng là tác phẩm làm nên hiện tượng lạ: ra đời một làn điệu dân ca Nam bộ - nói thơ Lục Vân Tiên. Từ truyện thơ này, dân gian đã thêm vào những giai điệu ngân nga, trữ tình để học đạo làm người từ những câu thơ cụ Đồ; để răn dạy con cháu đạo nghĩa ở đời phải biết "Ghét việc tầm phào" và biết "Thương là thương đức thánh nhân" (trích "Lục Vân Tiên"). Ngay khi tác phẩm được in lần đầu khoảng năm 1865, người dân khắp vùng Lục tỉnh Nam kỳ đã truyền tai nhau truyện thơ này.
|
Làn điệu nói thơ Vân Tiên được nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sưu tầm, giới thiệu trong cuốn “Dân ca Kiên Giang”. |
Một hiện tượng thú vị là chính truyện thơ Lục Vân Tiên đã khơi nguồn sáng tạo trong đội ngũ viết lời mới cho bài bản đờn ca tài tử đầu thế kỷ 20. Dựa trên những tích truyện: Tử Trực thẳng ngay, Bùi Kiệm gian trá, Lục Vân Tiên hiền lành, trung trực
họ đã viết nên những bản Oán, Nam ai. Người đi đầu là ông Trương Duy Toản, trong thời gian bị Pháp cho "an trí" ở vùng Phong Điền, Cần Thơ vì tham gia phong trào Đông Du, đã sáng tác nhiều bài bản hay như: "Vân Tiên mù", "Lão Quán ca", "Khen chàng Tử Trực", "Thương nàng Nguyệt Nga"... Đặc biệt, chính ông Trương Duy Toản đã gộp các bài ca lẻ đó của đờn ca tài tử thành các bài lớn mà người ca có thêm điệu bộ, cử chỉ - gọi là ca ra bộ, tiền thân của nghệ thuật cải lương. Bài ca ra bộ đầu tiên của nước ta được ghi nhận là "Bùi Kiệm thi rớt trở về" của ông Trương Duy Toản. Rõ ràng, tác phẩm "Lục Vân Tiên" đã đóng góp không nhỏ cho nghệ thuật diễn xướng dân gian Nam bộ.
Sức hút của tác phẩm "Lục Vân Tiên" trong đời sống dân gian Nam bộ còn ở chỗ đã khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều câu đố, ca dao, tục ngữ, dân nhạc
ra đời. Để đố về cụ Đồ Chiểu một nhà thơ "đâm mấy thằng gian bút chẳng tà", dân gian có câu:
"Quyết tâm rửa sạch quốc thù
Ô hô cặp mắt công phu lỡ làng"
Hay có câu thai đố (xuất nhân) như thế này:
"Ai vừa ra khỏi trường thi
Nghe tin mẹ vãng, vật mình khóc than
Ai mà bị bỏ vào hang
Về sau thi đỗ làm quan tại trào"
- Xuất: Lục Vân Tiên
Ngoài điệu nói thơ Lục Vân Tiên, theo thống kê của chúng tôi trong một số công trình nghiên cứu dân ca của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, một số quyển sách về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, có hàng trăm làn điệu dân ca khắp cả nước nhắc đến cụ Đồ và thơ văn của cụ.
Điệu hò Gò Công có câu hò:
"Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời
Lục Vân Tiên qua núi gặp thời những ai?
Chú cõng con rồi đến Phong Lai,
Kim Liên rồi đến chị Hai họ Kiều"
Điệu hát đối ở Cần Thơ cũng có câu (lược trích):
"
Trúc kia đã sánh cùng mai
Như Lục Vân Tiên gá nghĩa với
chị Hai họ Kiều
"
Ngay cả dân ca vùng Nam Trung Bộ, Bình Trị Thiên cũng rất "chuộng" chủ đề truyện thơ "Lục Vân Tiên" và có những câu ca đầy lòng ngưỡng vọng, nhân văn. Tiêu biểu là một bài hò mái nhì dân ca Bình Trị Thiên:
"Bớ em ơi! Em đừng suy nghĩ thiệt hơn
Hãy ở như Nguyệt Nga ngày trước,
lòng dạ keo sơn chẳng dời"
Điều thú vị ở truyện thơ "Lục Vân Tiên" là dường như 2.082 câu thơ lục bát chưa khiến độc giả đời sau "thấy đã" nên đầu thế kỷ 20, nhiều nhà văn, nhà báo tên tuổi đã sáng tác nối đuôi gọi là "Hậu Vân Tiên". Chúng tôi đã sưu tầm được 3 truyện thơ kiểu này gồm: "Hậu Vân Tiên diễn ca" của Trần Phong Sắc, viết tại Sài Gòn năm 1925; "Hậu Vân Tiên" của Nguyễn Bá Thời viết vào năm 1932 và "Hậu Vân Tiên" của Hoành Sơn, viết tại Sài Gòn năm 1933.
Sức hút trong "Lục Vân Tiên" nói riêng và thơ văn cụ Đồ Chiểu nói chung không chỉ ở vẻ đẹp ngôn từ, sự hấp dẫn của cốt truyện mà còn ở những bài học đối nhân xử thế, đạo nghĩa ở đời. Mỗi tác phẩm của ông đều gần gũi với tính cách người Nam bộ: bộc trực, thẳng tính, yêu ghét rõ ràng như trong lời giới thiệu cuốn "Nguyễn Đình Chiểu với văn hóa Việt Nam", cố giáo sư Trần Văn Giàu đã nhận định: "Tôi cho rằng sở dĩ người Việt Nam ở miền Nam thích truyện "Lục Vân Tiên" trước hết là vì họ thấy mình trong các nhân vật tích cực được ca tụng trong truyện, y như Nguyễn Đình Chiểu nói về họ. Có gì thích thú hơn là đọc truyện mà thấy chính mình trong truyện?".
Bài, ảnh: Đăng Huỳnh
Tài liệu tham khảo:
- Võ Văn Dung, Đồ Chiểu chiến sĩ, tác giả xuất bản, 1971.
- Thạch Phương (chủ biên), Nguyễn Đình Chiểu trong cuộc đời, Ty Văn hóa và Thông tin Bến Tre, 1982.
- Cao Tự Thanh, Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Đình Chiểu với văn hóa Việt Nam, Sở Văn hóa và Thông tin Long An, 1983.