31/01/2011 - 16:10

Sức lan tỏa hàng Việt

Ký:  THÀNH NGUYỄN

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong hơn một năm qua đã thu được những tín hiệu tốt từ sức lan tỏa mạnh mẽ. Bởi khi các phiên chợ hàng Việt đến đâu cũng được đón nhận nhiệt thành của người tiêu dùng nông thôn. Ngay tại các vùng “độc canh” hàng ngoại nhập, hàng Việt có sức cạnh tranh mãnh liệt tạo cuộc bứt phá ngoạn mục, khẳng định vị trí của mình trên thương trường...

* Khai thác “mỏ vàng”

Hàng Việt tạo được sức hút đối với người tiêu dùng, khẳng định được sự thích ứng thị trường. Ảnh: T.N 

Cầm trên tay chiếc nồi nhôm Kim Hằng tròn trịa, phẳng phiu, bà Bảy Lón ngạc nhiên, hỏi: “Hàng Việt Nam thiệt hả, cô?”. Cô bán hàng nhanh nhảu, trả lời: “Hàng Việt thiệt đó, bác! Bán hàng ở phiên chợ này, tất cả đều là hàng Việt”. Không ít khách hàng đến với phiên chợ hàng Việt tại Sa Rài (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) đều bán tín bán nghi với các mặt hàng bày bán nơi đây. Nhiều nhân viên bán hàng phải mướt mồ hôi để trả lời những câu hỏi hóc búa của khách hàng và đối phó với những tình huống đến cười ra nước mắt... Và rồi, “thượng đế” cũng gật gù khi mua được món hàng ưng ý, giá cả phù hợp.

Phiên chợ khai mạc vào khoảng 9 giờ sáng nhưng từ 7-8 giờ đã có người ăn vội bữa cơm sáng cho chắc bụng để đến phiên chợ. Nhiều doanh nghiệp vừa đưa xe đến nơi thì vừa dọn vừa bán hàng. Không ít người đi chợ trách móc: “Mấy cô chú làm ăn chậm trễ quá. Nắng gần đứng bóng mới mở cửa bán hàng. Chưa mua xong thì đã tan chợ rồi...”. Nhân viên bán hàng có người còn mệt mỏi vì phải di chuyển đường dài nhưng vẫn nở nụ cười thật tươi: “Cô bác đừng lo. Con dậy trễ vì bữa nay bán hàng tới khuya lận. Còn khách là con còn bán. Tối nay, cô nhớ tới mua nữa nghen. Có ca sĩ cải lương trên Sài Gòn xuống hát nữa đó. Vừa mua đồ, vừa nghe hát cải lương, đã lắm...”. Nghe vậy, cô bác miền quê biên giới này khoái chí tử, lấy điện thoại di động ra gọi cho hàng xóm rủ rê... “Khi chúng tôi mới đưa xe đến, chưa kịp bày hàng ra đã có người đến hỏi mua. Ban đầu, công ty dự kiến chỉ tham gia phiên chợ này chủ yếu để quảng bá sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng, nhưng sức mua tại những ngày diễn ra phiên chợ tăng mạnh. Có những hóa đơn bán ra đến vài triệu đồng. Có khi giữa trưa nắng, cô chú đi làm đồng về cũng tranh thủ ghé phiên chợ để mua sắm...”, chị Lê Thị Kim Tuyền, Quản lý bán hàng Công ty cổ phần nhôm nhựa Kim Hằng, phấn khởi nói.

Suốt các phiên chợ diễn ra từ Lạng Sơn đến Cà Mau, hàng Việt đến đâu cũng tạo được dấu ấn đối với người tiêu dùng. Lạng Sơn vốn là “sào huyệt” của hàng Trung Quốc, nhưng hàng may mặc của doanh nghiệp Việt Nam vẫn trụ vững. Ngay ngày đầu tiên đã “cháy” hàng và phải nhờ “viện binh” từ Hà Nội đến để kịp bán tiếp tục. Trong khi đó, tại mũi Cà Mau, sức mua hàng nằm ngoài dự kiến. Nhiều doanh nghiệp ngại đường xa nên chỉ đưa hàng với số lượng ít để tiếp thị. Nhưng gặp phải sức mua như “bão”, nhiều doanh nghiệp tiếc hùi hụi. Trong vòng 3 ngày, 2 đêm diễn ra phiên chợ, doanh thu đạt hơn 1,5 tỉ đồng; có nơi tròm trèm 2 tỉ đồng. Khách hàng đến phiên chợ đông như đi hội.

Quay lại thị trường nội địa, các nhà sản xuất ngỡ ngàng trước sức tiêu thụ mạnh của thị trường này, đặc biệt là khu vực nông thôn. Họ không ngần ngại gọi đó là “mỏ vàng” nhưng đã bị bỏ qua suốt một thời gian dài. Thị trường 85 triệu dân được đánh giá là một thị trường lớn, nhưng trước đây doanh nghiệp chỉ chú trọng chăm sóc khách hàng thành thị, bỏ qua thị trường đầy tiềm năng ở các vùng nông thôn. Theo nhận định của các chuyên gia, thu nhập người dân nông thôn không cao nhưng số lượng đông với khoảng 70% dân số, được ví như phần nửa dưới của tam giác, “tiền ít nhưng số lượng nhiều”. Thế nên nhiều doanh nghiệp đã hồ hởi, bảo: “Tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, ngẫm lời ông bà nói “...ao nhà vẫn hơn” mới thấy quả là không sai đối với hàng Việt...”.

Người tiêu dùng Cần Thơ hào hứng với live show sản phẩm mới lần đầu tiên được tổ chức tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh: T.N 

Vẫn là các “chiêu thức” mua bán phổ biến ở các chợ vùng quê vốn nghĩa tình giữa người mua và người bán nhưng các doanh nghiệp đã vận dụng lại một cách hiệu quả. Hàng Việt bày bán ở chợ phiên được tiếp thị theo kiểu “bán trái bí, thêm cọng hành nấu canh cho thơm” đã “chạm” được tâm lý người tiêu dùng nông thôn, kích thích được nhu cầu mua sắm. Hàng được giảm giá 10-20%, nhiều sản phẩm tặng kèm... được thực hiện tại các phiên chợ, thu hút khách hàng. Trong hai kỳ hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao diễn ra vào thời điểm cuối năm tại TP Cần Thơ và Cà Mau, các doanh nghiệp tung chiêu dùng thử sản phẩm mới làm nức lòng người tiêu dùng. Thay vì, phải mất một thời gian dài để đưa sản phẩm mới ra thị trường và tiếp nhận phản hồi từ thị trường, thì “chiêu” dùng thử sản phẩm mới tại hội chợ mang lại hiệu quả cao và tiếp nhận được tin phản hồi nhanh chóng. Hàng đêm, khu vực diễn ra các trò chơi, dùng thử sản phẩm mới tại hội chợ thu hút khách hàng rất đông. Mua bán kiểu “bao ăn”, “cho thêm” vốn dĩ đã là văn hóa kinh doanh của người Việt cũng là một cách tiếp cận thị trường hiệu quả của hàng Việt trên con đường chinh phục người tiêu dùng trong nước.

* Phiên chợ nghĩa tình

Chặng đường chinh phục người tiêu dùng nội địa chưa phải là dài, nhưng đã khẳng định được sự năng động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Thị trường nội địa, nhất là thị trường nông thôn, đã mở ra “cơ hội vàng” cho hàng Việt. Các phiên chợ đã tạo được cú hích tiêu dùng, làm thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng ở khu vực nông thôn. Từ đó, doanh nghiệp có sự phản ứng tích cực như một lời cảm ơn đối với khách hàng. Đó là sự đồng hành, chia sẻ cùng người dân nông thôn.

Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) tiếp cận thị trường bằng cách “cho không” người tiêu dùng chứ không chỉ “cho thêm”. Tham gia xuyên suốt chương trình hàng Việt về nông thôn, Dược Hậu Giang không trưng bày gian hàng nhưng ai cũng biết đến sự hiện diện của doanh nghiệp này tại phiên chợ. DHG tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ở địa phương. “Mạng lưới phân phối của DHG đã phủ khắp thì việc đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng bằng cách “cho không” rõ là một phương thức kinh doanh khôn ngoan. Họ vừa tiếp cận được với thị trường vừa được tiếng thơm. Kết quả quan trọng là người tiêu dùng biết nhiều hơn đến sản phẩm và tin tưởng vào sản phẩm của doanh nghiệp...”, một chuyên gia tiếp thị chia sẻ. Với DHG, đây như một lời tri ân đến với khách hàng bằng chính việc làm mang đậm tính “y đức” truyền thống của ngành.

Riêng Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) chọn cách chia sẻ cùng nông dân bằng chương trình “Cùng nông dân ra đồng”. Sẽ có đến 5.000 kỹ sư trẻ được tuyển dụng để thực hiện chương trình này vào năm 2020. Một điều lạ là các kỹ sư này hướng dẫn nông dân cách sử dụng tiết kiệm phân bón, thuốc trừ sâu. Thậm chí, có nhiều mô hình không sử dụng thuốc trừ sâu, hạn chế dùng phân bón. Lý giải cách làm này, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT-Tổng Giám đốc AGPPS, cho biết: “Cách làm có vẻ ngược đời, không làm tăng sản lượng bán hàng nhưng mang lại hiệu quả cao cho xã hội mà doanh nghiệp muốn chia sẻ cùng cộng đồng. Sản xuất thân thiện với môi trường là xu hướng hiện nay. Doanh nghiệp muốn đồng hành cùng nông dân thực hiện phát triển bền vững nền nông nghiệp Việt Nam...”. Từ lực lượng ban đầu là 12 kỹ sư đến nay đã có trên 300 kỹ sư của AGPPS đang ngày đêm bám ruộng cùng ra đồng với nông dân ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Chỉ tính riêng tại khu vực ĐBSCL, AGPPS đã xây dựng 1.000 điểm trình diễn và 11 mô hình trên diện tích 1.800ha, với 15.000 nông dân trực tiếp tham gia...”.

Người tiêu dùng nội địa ngày càng tin dùng hàng Việt khi các hội chợ, phiên chợ hàng Việt thu hút đông đảo khách mua sắm. Ảnh: T.N 

Thực hiện trách nhiệm cộng đồng được đánh giá là một bước tiến mới của doanh nghiệp trong kinh doanh, vừa là sự khôn ngoan vừa thể hiện đẳng cấp trong kinh doanh. Đó cũng là lý do thuyết phục người tiêu dùng quay lại với hàng nội địa không chỉ bằng chất lượng, mẫu mã. Nói như ông Vũ Trọng Kim, Phó chủ tịch-Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng giữa hàng nội và hàng ngoại mà còn chú ý đến các khía cạnh đạo đức trong kinh doanh về an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, ứng xử với lao động và trách nhiệm đối với cộng đồng... Khuynh hướng sử dụng hàng nội địa của người tiêu dùng Việt Nam khẳng định khả năng thích ứng của doanh nghiệp đối với đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, thị trường. Trách nhiệm đó được hiểu như sự “cho đi để nhận lại” vốn là lẽ sống muôn đời của người Việt. Cái “nhận lại” không phải là cầu lợi cho riêng mình mà chính là trái ngọt của những hạt giống tốt đã gieo trước đó. Vì thế, phiên chợ hàng Việt không chỉ là nơi mua bán, gặp gỡ giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng mà còn là nơi trao nhau những nghĩa tình... Chia sẻ kinh nghiệm dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cùng người nông dân; khám và chữa bệnh miễn phí cho người nghèo; phát quà, trao học bổng cho học sinh giỏi như một sự tiếp sức đến trường... đã trở thành những hoạt động thường xuyên bên cạnh hoạt động tiếp thị, bán hàng tại các phiên chợ.

Sở Công Thương các tỉnh, thành trong cả nước đã tổ chức, tiếp nhận khoảng 120 đợt bán hàng về nông thôn thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thu hút khoảng 5 triệu lượt khách tham quan, mua sắm. Đó là chưa kể hàng chục hội chợ, triển lãm, doanh nghiệp bán hàng khuyến mãi...

Tính đến cuối năm 2010, riêng Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã tổ chức được 54 phiên chợ hàng Việt về nông thôn và bán hàng cho công nhân từ Lạng Sơn đến Cà Mau; thu hút hơn 750.000 lượt khách tham quan, mua sắm; đào tạo kỹ năng bán lẻ cho khoảng 3.000 tiểu thương.

Nguồn: Bộ Công Thương

Trong cái lành lạnh của tiết trời chuyển mùa, phiên chợ hàng Việt càng thêm ấm áp bởi không khí mua sắm tấp nập. Người dân nông thôn huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) đến chợ phiên để sắm sửa chuẩn bị cho năm mới thêm tươm tất. Đây là phiên chợ cuối cùng của năm 2010, ghi dấu thêm cho sự thành công của hàng Việt trên bước đường chinh phục người tiêu dùng. Người nghèo được khám bệnh và phát thuốc miễn phí. Học sinh nghèo vui mừng với món quà cuối để tiếp bước trên con đường đến trường. Phía cổng, một đứa trẻ réo lên khi kéo tay mẹ vào phiên chợ: “Mẹ ơi, mua hàng Việt đi. Mấy chú bán hàng Việt có tặng quà cho bạn con đi học đó. Nhà bạn đó nghèo lắm...”. Lời nói ngây ngô của trẻ con đủ làm ấm lòng những người tâm huyết đang rất nỗ lực đưa hàng Việt chiếm lại vị thế thị trường. Để rồi, khi phiên chợ tan, người tiêu dùng nông thôn vẫn còn nhớ mãi những tấm lòng hàng Việt, những chiêu thức kinh doanh “rất Việt” bởi sự nghĩa tình và sẻ chia...

Phiên chợ của những tấm lòng, phiên chợ của sẻ chia như thế sẽ tiếp tục mở ra tại các vùng nông thôn để hàng Việt có sức lan tỏa ngay chính “ao nhà” của những vùng quê...

Chia sẻ bài viết