08/02/2021 - 09:45

Sức hút của châu Á 

Giữa đại dịch COVID-19, ngành công nghiệp điện ảnh châu Á chứng tỏ nội lực với những bước chuyển mình đáng ghi nhận. Điện ảnh châu Á cũng gặp khó khăn nhưng biết cách làm mới và tiếp cận thị trường phù hợp.

“Dial A For Aunties” (ảnh, phải), tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Indonesia Jesse Q Sutando (ảnh, trái), vừa được Netflix mua bản quyền và chuyển thể thành phim. Đây là câu chuyện có nội dung lạ thuộc thể loại kinh dị. Nhân vật chính trở thành kẻ sát nhân bất đắc dĩ và phải tìm cách giấu tội ác giữa một đám cưới rình rang xuyên quốc gia Trung Quốc - Indonesia. “Dial A For Aunties” được chọn nhờ Netflix thực hiện chính sách địa phương hóa nội dung để mở rộng thị trường. Mặt khác, thành công liên tiếp của những tác phẩm có nội dung liên quan hoặc đến từ châu Á, như: “Crazy Rich Asians”, “Parasite”… đã khiến những câu chuyện thuần chất Á Đông được quan tâm nhiều hơn.

Mike Goodridge, Giám đốc nghệ thuật Liên hoan phim quốc tế Macao, nhận định rằng có sự chuyển dịch lớn về văn hóa và thị trường điện ảnh. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã trở thành thị trường điện ảnh số một thế giới. Quốc gia này có 1,3 tỉ dân nên thị trường được đánh giá tiềm năng hơn so với Hollywood. Văn hóa Mỹ hay Hollywood đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức hơn; bởi các dịch vụ trực tuyến như Netflix, Amazon đều đang hướng đến thuê bao ở từng quốc gia. “Nhà sản xuất sẽ không còn dễ dàng đưa phim Marvel đến khán giả mọi quốc gia; mà phải làm phim và chương trình địa phương vì khán giả muốn thấy câu chuyện gần gũi. Cho nên các công ty lớn của Mỹ đang đổ tiền vào sáng tạo nội dung khắp châu Á, thậm chí có hẳn một trung tâm ở Singapore”, Mike Goodridge nói thêm. Sự chuyển dịch này giúp điện ảnh châu Á bước sang trang mới. Việc phải chạy phụ đề đã không còn là hạn chế của các phim đến từ châu Á khi điều này dần được khán giả toàn cầu chấp nhận. Thành công của “Parasite” là một minh chứng, khi phim hoàn toàn nói tiếng Hàn, trở thành phim đầu tiên không phải nói Anh, chiến thắng tượng vàng Oscar.

Darcy Paquet, nhà sáng lập trang Koreanfilm.org, cũng là người thực hiện phụ đề cho “Parasite”, cho rằng thành công Bong Joon Ho, đạo diễn “Parasite”, đã thu hút công chúng quốc tế đến với điện ảnh Hàn Quốc. Darcy Paquet cho biết: “Hàn Quốc có tỷ lệ xem phim tính trên đầu người cao nhất thế giới. Người Hàn thực sự yêu thích điện ảnh và tất nhiên mong có những phim địa phương hơn, đặc biệt khai thác văn hóa châu Á”.

Thành công của “Crazy Rich Asians”, kế đến là “The Farewell” đã nhắc nhở Hollywood rằng những câu chuyện của người Mỹ gốc Á vẫn có sức hút. Vì vậy, những tác phẩm mang hơi hướng châu Á đã được chú trọng hơn, như: “Lost For Words”, “Raya and the last Dragon”. Anderson Le, Giám đốc nghệ thuật Liên hoan phim quốc tế Hawaii, đồng sáng lập hãng phim East, cho biết: “Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc… vẫn có những rạp chiếu mở cửa và thu hút khán giả. Doanh thu bán vé cũng rất tốt vì ít phải cạnh tranh với phim đến từ Hollywood trong bối cảnh dịch COVID-19. Ngành công nghiệp điện ảnh của những quốc gia này cũng tương tự như Bollywood của Ấn Độ, họ làm phim để tiếp cận chính khán giả ở thị trường nội địa”. Cho nên nội dung châu Á đang là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh khu vực này.

BẢO LAM (Tổng hợp từ BBC, Variety)

Chia sẻ bài viết