26/02/2015 - 21:07

Sức bật du lịch ĐBSCL

Những năm gần đây, ĐBSCL trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước. Tạp chí du lịch Anh Rough Guides vừa bình chọn vùng đất này là một trong "Top 10 điểm đến giá trị nhất" năm 2015. Một phần của sự chuyển mình này bắt nguồn từ hoạt động liên kết du lịch giữa các địa phương, phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và các doanh nghiệp du lịch địa phương.

* Điểm đến tiêu biểu vùng ĐBSCL

ĐBSCL được xem là điểm đến yêu thích cho những ai thích khám phá văn hóa, con người và trải nghiệm không gian sống đậm nét miệt vườn, sông nước; đồng thời khu vực cũng có sự đa dạng trong sản phẩm du lịch với du lịch biển ở các tỉnh duyên hải (đặc biệt là Kiên Giang), du lịch tâm linh (đặc biệt ở An Giang), du lịch sông nước miệt vườn (với trọng tâm Tiền Giang, Cần Thơ).

"Điểm du lịch tiêu biểu vùng ĐBSCL" có từ năm 2009, do Hiệp hội Du lịch ĐBSCL khảo sát, đánh giá và bình chọn theo một số tiêu chí về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, dịch vụ phụ trợ, an toàn, tác động môi trường… Tính đến nay, vùng ĐBSCL có 24 điểm đến tiêu biểu. Riêng năm 2014, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL khảo sát và công nhận 7 điểm mới: Quảng trường Hùng Vương, Khu nhà Công tử, Khu du lịch Nhà Mát (Bạc Liêu), Vườn quốc gia Tràm Chim, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (Đồng Tháp), Thiền viện Trúc lâm Phương Nam, Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ); tái công nhận 9 điểm, gồm: Khu nghỉ dưỡng Hòn Trẹm, Khu du lịch Mũi Nai, Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn – Phú Quốc (Kiên Giang), Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau (Cà Mau), Khu du lịch sinh thái Hồ Nam (Bạc Liêu), Khu du lịch Vinh Sang (Vĩnh Long), Làng du lịch Mỹ Khánh (Cần Thơ), Khu du lịch Tức Dụp, Khu du lịch Núi Cấm (An Giang).

Du khách quốc tế trên Chợ nổi Cái Răng.

Hai năm gần đây, phố biển Bạc Liêu nổi lên như điểm đến mới với nhiều công trình quy mô. Quảng trường Hùng Vương (đường Nguyễn Tất Thành – Hùng Vương, phường 1, TP Bạc Liêu) có tổng diện tích trên 85.000m2 gồm nhiều hạng mục công trình như: sàn phun nước nghệ thuật, biểu tượng 3 dân tộc anh em Kinh - Hoa - Khmer, biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu - Ninh Bình, Tượng đài sự kiện Mậu Thân... Đặc biệt, biểu tượng cây đờn kìm cách điệu dựng trên 5 cánh sen trong hồ nước được bố trí hệ thống phun nước nghệ thuật kết hợp với hệ thống âm thanh, ánh sáng… Nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu được thiết kế theo hình dáng 3 chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam. Được ví von là "Suối Tiên miền Tây", Khu du lịch Nhà Mát (phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) có diện tích trên 21 héc-ta, gồm khuôn viên xanh ven bãi biển, sân khấu đa năng, khu resort sinh thái cao cấp, khu ẩm thực, khu nhạc nước thiết kế theo công nghệ Singapore. Điểm nhấn chính là khu công viên nước, biển nhân tạo với hệ thống tạo sóng biển hiện đại, các cầu trượt có độ cao gần 30m. Khu nhà Công tử Bạc Liêu (số 13 Điện Biên Phủ, phường 3) trở thành điểm tham quan độc đáo với kiến trúc ngôi nhà có từ năm 1919 do kỹ sư người Pháp thiết kế, nội thất sang trọng với vô số đồ gỗ, sứ, đồng quý hiếm, nhiều vật dụng được thiết kế, chạm khắc rất tinh xảo.

Về đất Sen hồng, du khách không thể bỏ qua điểm đến Vườn quốc gia Tràm Chim (khóm 4, Thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp). Du khách sẽ ngỡ ngàng trước hệ sinh thái vô cùng đa dạng của vùng đất ngập nước có diện tích trên 7.500 héc-ta. Hơn 130 loài thực vật như: bông súng, sen, cỏ ống, năn, lúa ma... và hàng trăm loài động vật, trong đó có gần 200 loài chim nước, hàng chục loài cá. Đặc biệt, nơi đây còn rất nhiều loài chim quý hiếm trên thế giới như sếu đầu đỏ, te vàng, bồ nông, gà đãy Java… Một điểm du lịch tiêu biểu vùng ĐBSCL khác của Đồng Tháp là Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (số 13 Phạm Hữu Lầu, phường 4, TP Cao Lãnh). Quần thể công trình lịch sử văn hóa lưu niệm nổi tiếng này có khuôn viên rộng 3,6 héc-ta, gồm một số công trình văn hóa kết hợp giữa kiến trúc truyền thống và tính hiện đại, mô hình Nhà sàn Bác Hồ.

Đi vào hoạt động vào khoảng giữa năm 2014, Thiền viện Trúc lâm Phương Nam (tuyến Lộ Vòng Cung, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) đang trở thành điểm tham quan tâm linh, hành hương của nhiều du khách gần xa khi ghé Cần Thơ. Thiền viện có diện tích 38.000m2, lớn nhất ở khu vực ĐBSCL với kiến trúc độc đáo, hài hòa: Chánh điện, nhà thờ Tổ được xây dựng theo kiến trúc văn hóa Lý – Trần. Khuôn viên được bài trí cân đối như: Quan Âm điện, Di Lặc điện (Thủy tạ), chùa Một Cột, giảng đường, khách đường, trai đường, thư viện, tăng đường, vườn hoa. Tồn tại như một phần văn hóa lịch sử của xứ Tây Đô, Chợ nổi Cái Răng đang là "điểm nóng" thu hút du lịch của miền Tây. Chợ nổi hình thành từ những năm đầu của thế kỷ 20, tựa như đô thị thu nhỏ trên sông với đầy đủ các hoạt động, từ buôn bán, ăn uống, ngủ nghỉ… Chính nét độc đáo của chợ nổi đã quyến rũ du khách gần xa đến Cần Thơ.

* Liên kết phát triển tạo sức bật

Năm 2014 ngành du lịch ĐBSCL đón trên 22,4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 1,83 triệu lượt, doanh thu du lịch vùng khoảng 6.360 tỉ đồng. Trong đó, An Giang là tỉnh thu hút du khách đến tham quan nhiều nhất với 6 triệu lượt khách, Kiên Giang là tỉnh có doanh thu du lịch cao nhất với 1.533 tỉ đồng. Tín hiệu đáng mừng này bắt nguồn từ sự liên kết phát triển du lịch vùng phát huy hiệu quả.

Vùng ĐBSCL có hai cụm liên kết về du lịch: cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau) và Bạc Liêu; cụm liên kết phát triển du lịch 4 tỉnh Duyên hải phía Đông ĐBSCL (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh). Hơn 5 năm thực hiện chương trình Liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL và Bạc Liêu có thay đổi tích cực. Hầu hết các tỉnh, thành tham gia đều lập quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030, chủ động xây dựng tuyến, điểm mới góp phần đa dạng sản phẩm du lịch của vùng. Chẳng hạn Cần Thơ tập trung các tour du lịch đường sông như "Chợ nổi Cái Răng - Hủ tiếu Sáu Hoài - Thiền viện Trúc lâm Phương Nam - Làng du lịch Mỹ Khánh", còn An Giang khai thác tour mùa nước nổi Vàm Nao - huyện Phú Tân. Đặc biệt, sản phẩm du lịch "Một điểm đến bốn địa phương +" được xem là điểm nhấn của ngành du lịch ĐBSCL. Theo tour, du khách sẽ được tham quan một số điểm du lịch đặc trưng của các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu.

Cụm liên kết phát triển du lịch 4 tỉnh Duyên hải phía Đông ĐBSCL chỉ mới thực hiện hơn một năm, nhưng bước đầu cũng tạo điểm nhấn. Năm 2014, cụm Duyên hải phía Đông ĐBSCL có hơn 3,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế có hơn 1,2 triệu lượt khách, doanh thu du lịch hơn 1.229 tỉ đồng, tăng gần 200 tỉ đồng so với năm 2013. Riêng Tiền Giang là địa phương thu hút nhiều khách quốc tế với trên 630.000 lượt. Để đẩy mạnh phát triển du lịch vùng, các công ty lữ hành ở 4 tỉnh thực hiện ký kết hợp tác, như công ty Du lịch Mekong Tiền Giang, Du lịch Cái Bè (Tiền Giang), Công ty Du lịch Tân Hoàn Cầu, Công ty cổ phần du lịch Trà Vinh (Trà Vinh)… Đồng thời các địa phương cũng chủ động xây dựng các tour liên tỉnh như: "Bến Tre – Tiền Giang – Vĩnh Long", "Bến Tre – Trà Vinh", "Bến Tre – Cái Bè"… Sắp tới, cụm sẽ xây dựng sản phẩm chung "Một điểm đến bốn địa phương". Ngoài ra, vùng ĐBSCL còn có chương trình liên kết giữa 3 tỉnh, thành Cần Thơ – An Giang – Kiên Giang do dự án EU hỗ trợ, bước đầu đang dần tạo cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho các địa phương phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững.

Với những chương trình liên kết phát triển du lịch vùng, nhất là khi đề án "Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL" được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, định hướng rõ những nét đặc thù du lịch vùng ĐBSCL, du lịch của "vùng đất chín rồng" sẽ tạo được điểm nhấn riêng và ngày càng thu hút du khách.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết