07/10/2018 - 16:04

Sức bật của du lịch Cần Thơ 

Sau 15 năm, du lịch Cần Thơ chuyển mình phát triển mạnh mẽ, dần trở thành đầu tàu vùng ĐBSCL, ghi dấu trên bản đồ du lịch quốc gia là điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.

Sự phát triển du lịch của Cần Thơ khá toàn diện về số lượng, chất lượng. Lượng khách, doanh thu, đầu tư cho du lịch ngày càng tăng; sản phẩm du lịch và các dịch vụ ngày càng phong phú. Năm 2004, du lịch Cần Thơ đón khoảng 407.300 lượt khách, trong đó có khoảng 86.600 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu đạt khoảng 189.143 triệu đồng. Năm 2017, lượng khách đến Cần Thơ đạt 7,5 triệu lượt, trong đó khách lưu trú 2,2 triệu lượt khách, khách lưu trú quốc tế đạt khoảng 305.000 lượt, tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 2.900 tỉ đồng. Mức tăng trưởng về lượt khách trong gần 15 năm qua đã tăng hơn 18 lần. Theo số liệu thống kê, khách đến Cần Thơ tăng mạnh và đều đặn từ năm 2010 cho đến nay, với mức bình quân 12% mỗi năm. Đặc biệt có sự đột phá ở giai đoạn 2016-2017: tăng khoảng 41%. 9 tháng qua của năm 2018, du lịch Cần Thơ đón 6,7 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt gần 2 triệu lượt, tổng doanh thu trên 2.680 tỉ đồng.

Trải nghiệm văn hóa và nét sinh hoạt miệt vườn là điểm hấp dẫn với nhiều du khách khi đến Cần Thơ.  

Hiện nay, toàn thành phố có 271 cơ sở lưu trú du lịch, với tổng số 7.100 phòng. So với năm 2004, số lượng cơ sở lưu trú tăng gấp 3 lần. Đó là kết quả chuyển đổi định hướng quy hoạch du lịch kịp thời, phù hợp, phát huy thế mạnh. Thành ủy - HĐND - UBND thành phố ban hành những nghị quyết, kế hoạch, đề án có tính quyết định, tạo tiền đề cho sự đột phá. Từ đó, tạo sự quan tâm đúng tầm, có trọng tâm, trọng điểm để du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Về sản phẩm du lịch, Cần Thơ thu hút khách nhờ văn hóa bản địa và con người. Đó là bản sắc văn hóa sông nước, văn minh miệt vườn với nếp sống, sinh hoạt, phong tục tập quán đậm nét truyền thống, con người thân thiện, mến khách. Thành phố đã có những quy hoạch, định hướng rõ ràng cho sự phát triển, đầu tư về du lịch - điều mà trước đây bị bỏ quên - thể hiện trong đề án điều chỉnh "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" xác định thế mạnh của Cần Thơ là du lịch đô thị sông nước với điểm nhấn Chợ nổi Cái Răng và du lịch MICE - du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo. Cần Thơ thu hút khách bằng vẻ đẹp sông nước miệt vườn cùng với những tiện nghi, dịch vụ chất lượng cao của một đô thị hiện đại.

Từ đó, Cần Thơ dần hình thành không gian du lịch cụm trung tâm: Ninh Kiều - Cái Răng - Bình Thủy - Phong Điền. Trong đó, quận Ninh Kiều với thế mạnh hạ tầng thương mại dịch vụ phát triển dần hình thành không gian du lịch đô thị, sản phẩm về đêm: các khu chợ đêm (Trần Phú, Bến Ninh Kiều…), du thuyền trên sông. Bình Thủy phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa lịch sử. Phong Điền phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái. Cái Răng thu hút khách bằng văn hóa sông nước, làng nghề, homestay… Mỗi quận, huyện đã dần hình thành sản phẩm đặc thù, góp phần làm đa dạng hệ thống sản phẩm du lịch Cần Thơ.  

Miệt vườn sinh thái là nét nổi bật của du lịch Phong Điền, Cần Thơ.

Mặt khác, Cần Thơ đang dần hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng từ sự kiện, lễ hội: Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ (10-3 âm lịch), Lễ hội trái cây Tân Lộc (mùng 5-5 âm lịch), Lễ Kỳ yên Thượng điền Đình Bình Thủy (rằm tháng 4 âm lịch hằng năm), Ngày hội Du lịch Chợ nổi Cái Răng (9-7), Ngày hội du lịch sinh thái Phong Điền (27-9), Ngày hội du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều (tháng 8)…

Tất cả các yếu tố tạo sức bật cho du lịch của các quận, huyện, mà điển hình là huyện Phong Điền. 20 năm trước, tại Phong Điền chỉ có 3-4 điểm du lịch, nổi bật là Làng du lịch Mỹ Khánh. Hiện nay, Phong Điền vẫn phát huy thế mạnh tự nhiên gắn với phát triển du lịch, với 59 điểm du lịch. Ngày hội du lịch sinh thái Phong Điền cũng là một trong những sự kiện du lịch đầu tiên mà địa phương chủ động sáng tạo tổ chức, hiệu quả ngày càng nâng cao. Kể từ lần đầu ngày hội tổ chức vào năm 2012, đến nay lượng khách tăng 40 lần, doanh thu ước tính tăng 20 lần.

Năm 2016 đánh đấu một bước chuyển quan trọng của du lịch Cần Thơ khi lãnh đạo TP Cần Thơ ban hành nhiều quyết sách thúc đẩy ngành công nghiệp không khói phát triển. Trong đó, Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 1-8-2016 của Thành ủy Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch (Nghị quyết 03) và Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 19-9-2016 của UBND thành phố về đẩy mạnh phát triển du lịch (Kế hoạch 111) là tiền đề quan trọng, để các sở, ngành, quận huyện xây dựng chương trình hành động, tạo sự chuyển biến cho ngành du lịch. Mục tiêu của Nghị quyết 03 và Kế hoạch 111 đều phấn đấu đến năm 2020, đưa du lịch Cần Thơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định thương hiệu, phát triển bền vững; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Từ đó, các địa phương, các ngành chủ động xây dựng sản phẩm, phát huy tiềm năng, thế mạnh, các nhiệm vụ, định hướng trọng tâm trong phát triển du lịch. Theo định hướng đó, du lịch Cần Thơ đã và đang trở thành "Điểm đến du lịch lý tưởng - an toàn - thân thiện - chất lượng", nơi hội tụ của "Văn minh sông nước Mekong".

Những năm qua, TP Cần Thơ không ngừng đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Hàng loạt đường bay mới được mở ra, kết nối Cần Thơ với Hà Nội, Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Nẵng, Bangkok. Sự phát triển đồng bộ về đường bộ, đường thủy và hàng không, đã tạo điều kiện để Cần Thơ kết nối, liên kết trực tiếp với các tỉnh, thành phố là trung tâm du lịch vùng. Du lịch Cần Thơ đã liên kết với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng…; hay hình thành liên kết cụm Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang, Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau - Bạc Liêu…

Từ những nền tảng trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tiếp tục tham mưu UBND thành phố phê duyệt một số chương trình, kế hoạch, đề án quy hoạch: Chương trình số 01/Ctr-UBND, ngày 16-01-2018, về phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao nhận thức; Chương trình số 16/CTr-UBND, ngày 22-12-2017 về quảng bá, xúc tiến du lịch thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030; Chương trình phát triển hạ tầng phục vụ du lịch; Quyết định số 2403/QĐ-UBND, ngày 24-9-2018 về việc phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù thành phố Cần Thơ giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2030; ban hành kế hoạch số 117/KH-UBND, ngày 16-7-2018, về bảo tồn phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020.

Hiện nay, ngành du lịch thành phố đang tập trung nâng chất các sản phẩm du lịch, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục đề án "Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng" và bàn giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của quận Cái Răng; cùng huyện Phong Điền xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy chợ nổi Phong Điền; phối hợp quận Ô Môn xây dựng sản phẩm du lịch tại chùa Pôthisômrôn; cùng Thốt Nốt thực hiện bảng chỉ dẫn điểm du lịch vườn cò Bằng Lăng; hỗ trợ nâng chất hệ thống các điểm đến du lịch tiêu biểu thành phố và ĐBSCL; thí điểm và xây dựng nhiều mô hình, sản phẩm mới: nông nghiệp đô thị gắn với du lịch (Bình Thủy), biểu diễn đàn guitar và nghệ thuật viết thư pháp (nghệ thuật đường phố) khu vực Bến Ninh Kiều… Đồng thời, tham mưu UBND phê duyệt danh mục 8 dự án mời gọi đầu tư lĩnh vực du lịch: Dự án khu du lịch cồn Sơn; Dự án du lịch sinh thái cù lao Tân Lộc; Dự án Khu Đô thị du lịch sinh thái Phong Điền; Dự án cáp treo cồn Khương; Khu du lịch sông Hậu; Khu nhạc nước và dịch vụ đa chức năng thuộc Trung tâm Văn hóa Tây Đô; Khu vui chơi giải trí Cần Thơ; các hạng mục xã hội hóa thuộc đề án "Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng".

Bài, ảnh: Ái Lam

Chia sẻ bài viết