03/06/2009 - 08:28

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII:

Sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai là cần thiết nhưng còn nhiều băn khoăn mở rộng đối tượng điều chỉnh

* Thảo luận dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa

Sáng 2-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai.

Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội (QH) đều cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai là cần thiết, khẳng định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam; góp phần khuyến khích kiều bào tham gia cống hiến, xây dựng đất nước và tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào yên tâm khi trở về quê hương làm ăn, sinh sống.

So với điều 126 Luật nhà ở hiện hành, dự án Luật sửa đổi quy định mở rộng hơn về đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. 3 nhóm đối tượng được mở rộng so với quy định hiện hành gồm “người có quốc tịch Việt Nam”, “người gốc Việt Nam có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt” và “người gốc Việt Nam có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước’’. Việc sửa đổi điều 121 của Luật Đất đai mở rộng quyền và nghĩa vụ cho họ, cho phép chủ sở hữu nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền cho thuê nhà trong thời gian họ tạm thời không sử dụng, được ủy quyền quản lý nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở nhưng không được hưởng quyền bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Theo một số đại biểu, quy định mở rộng hơn về đối tượng như vậy sẽ nảy sinh một số hiện tượng như đầu cơ nhà đất, đẩy giá bất động sản trong nước lên cao, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, xã hội, an ninh chính trị... Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề nghị QH cần nghiên cứu thêm và chưa thông qua dự án Luật này tại kỳ họp này. Đại biểu Thường đưa ra hai khả năng: Nếu kỳ này QH không thông qua dự án Luật này, đề
nghị QH cho phép người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam như công dân trong nước, không nên phân biệt đối tượng được sở hữu nhà. Nếu QH thông qua theo tờ trình của Chính phủ, cần có quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này. Hơn nữa, việc quy định tất cả các đối tượng đều được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú từ 3 tháng trở lên, trên thực tế, cơ quan chủ quản có giám sát chặt chẽ việc này hay không? Liệu họ có ở hay không? Việc mua nhà mà chỉ sử dụng cho bản thân và gia đình ở được quy định như vậy là không hợp lý, cần làm rõ vấn đề này.

Trái với những ý kiến trên, một số ý kiến lại cho rằng cần nới lỏng hơn quyền và nghĩa vụ đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam. “Cái cần ở đây là việc thực hiện chính sách nhất quán, tạo điều kiện cho kiều bào làm ăn sinh sống, đóng góp cho đất nước. Khi họ quyết định về đầu tư trong nước, nhất là đối với những người có kỹ năng đặc biệt, chính họ phải cân nhắc, đắn đo, quyết định từ bỏ công việc với mức thu nhập cao để về đầu tư trong nước. Do vậy, cần tạo điều kiện thuận lợi cho họ về làm ăn, sinh sống tại Việt Nam, chứ không nên cứng nhắc việc này”- đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Phước) nhấn mạnh. Liên quan đến quyền và nghĩa vụ sở hữu nhà ở gắn liền với sử dụng đất ở, đại biểu Ngô Đức Mạnh cho rằng việc cho phép Việt kiều được mua nhà ở tại Việt Nam rõ ràng họ có quyền dân sự như người trong nước như chuyển nhượng quyền sử dụng đất, được bán nhà... chỗ này QH cần cân nhắc thêm, họ có quyền định đoạt của mình chứ không phải vì mục đích đầu cơ. Đại biểu Kso Phước (Gia Lai) cho rằng việc sửa Luật này để làm rõ Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị là coi người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, không thể đặt vấn đề coi người Việt Nam ở nước ngoài có quyền như ở trong nước được, bởi người Việt Nam ở nước ngoài ít bị ràng buộc pháp luật Việt Nam, trong bộ phận kiều bào có người có quốc tịch nước ngoài và họ cũng bị chi phối luật nước ngoài về trách nhiệm và nghĩa vụ công dân nên không thể coi họ có quyền và nghĩa vụ như người ở trong nước. Tinh thần là phát huy truyền thống của Việt Nam và kêu gọi họ hướng tâm về Tổ quốc, chứ không phải kêu gọi hơn 3 triệu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài về sống tại Việt Nam. Trong dự án Luật quy định quá rộng, cần phân biệt đối tượng điều chỉnh. Nếu có người có 2 quốc tịch sẽ xử lý thế nào? Để khuyến khích, các đối tượng hướng về Tổ quốc cần ưu tiên hơn so với người có 2 quốc tịch. Cần cân nhắc kỹ và có sự phân biệt có quốc tịch Việt Nam và có 2 quốc tịch chỉ được 1 nhà chứ không nên để họ được hưởng tất cả.

Đại biểu Triệu Sĩ Lầu (Cao Bằng) cho rằng, người Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhiều lý do khác nhau nên việc hạn chế quyền và nghĩa vụ đối với họ là chưa phù hợp với Hiến pháp. Chính phủ nên có hướng dẫn cụ thể hơn. Về thời hạn nhập cảnh quy định 6 tháng, nhưng theo tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế lại gia hạn 3 tháng đến 6 tháng, sửa đổi như vậy chưa phù hợp với thực tế hiện nay, đề nghị QH sửa đổi cụ thể hơn để tránh mâu thuẫn khi thực hiện. Đại biểu Nguyễn Hồng Nhi (Nghệ An) cho rằng việc mở rộng các nhóm đối tượng là quá rộng. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đủ 18 tuổi trở lên có quốc tịch VN thì được sở hữu 1 căn hộ hoặc 1 nhà. Người có công với đất nước cần làm rõ hơn, có quy định cụ thể hơn về đối tượng được sở hữu nhà...

* Từ cuối phiên họp sáng 2-6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, QH cho ý kiến vào một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Hầu hết các đại biểu QH đều cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa sau gần 8 năm thực hiện là việc làm cần thiết, được đông đảo nhân dân và những người làm công tác bảo vệ di sản văn hóa quan tâm, mong đợi và đồng tình.

Đa số đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm “yếu tố gốc cấu thành di tích”, bởi nếu theo định nghĩa trong dự thảo Luật, “yếu tố gốc cấu thành di tích” là yếu tố có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ được hình thành từ đầu hoặc được bổ sung trong quá trình bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh thì còn gì gọi là gốc. Nhiều đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm “yếu tố gốc cấu thành di tích” bởi định nghĩa trong dự thảo Luật là rộng quá. Theo đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Thái Nguyên), chỉ những yếu tố có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ được hình thành từ đầu của di sản văn hóa mới được coi là yếu tố gốc cấu thành di tích. Còn những yếu tố được bổ sung trong quá trình bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích không nên được coi là yếu tố gốc, đã là bổ sung thì sao còn gọi là gốc. “Nếu quan niệm như vậy định nghĩa của luật sửa đổi thì tất cả những yếu tố được bổ sung có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ bất kể thời gian đều được coi là yếu tố gốc cấu thành di tích. Như vậy, quan niệm “yếu tố gốc cấu thành di tích” bao gồm cả yếu tố bổ sung trong quá trình tu sửa có thể sẽ làm tình trạng trên tiếp tục tái diễn và gia tăng hơn”, đại biểu Hùng nói.

Đa số đại biểu cho rằng các quy định về chức năng của bảo tàng còn thiếu, không chỉ có chức năng bảo quản và trưng bày, bảo tàng hiện nay còn có chức năng giáo dục không chính thức và giáo dục suốt đời mà đối tượng là tất cả mọi người. Đó là một chức năng đặc biệt và ưu việt của bảo tàng.

Đề cập đến điều 48 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của bảo tàng, đại biểu Nguyễn Thị Vân (Hà Tĩnh) cho rằng, trong dự thảo chỉ mới nói đến đối tượng là di sản văn hóa vật thể còn di sản văn hóa phi vật thể hoàn toàn chưa được đề cập đến. Với thực tiễn này, Ban soạn thảo cần phải lưu ý bổ sung thêm chức năng của bảo tàng là một không gian sáng tạo và thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Đại biểu Nguyễn Lân Dũng đề nghị bổ sung một khoản trong điều 48 là “tổ chức các hoạt động biểu diễn, trình diễn di sản văn hóa”...

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề nghị quy định rõ việc nghiêm cấm các hành vi xâm hại di tích đã được xếp hạng và chưa được xếp hạng. Đề nghị bổ sung một điều về quy hoạch khảo cổ học để chủ động trong quy hoạch xây dựng, tránh xung đột trong quá trinh xây dựng các công trình kinh tế- xã hội, phát triển đất nước với việc bảo tồn di sản văn hóa. Đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ trong dự thảo Luật trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ tịch UBND các cấp và các ngành liên quan đối với việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Cần sớm khảo sát, kiểm kê, công nhận các di tích văn hóa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật di sản văn hóa trong các tầng lớp nhân dân, nâng cao trách nhiệm mỗi cá nhân trong tham gia bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của di sản văn hóa.

Cuối phiên họp chiều, QH đã nghe Chính phủ báo cáo về kết quả công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

LƯU THỊ THOAN- BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết