Với sự phát triển ngày càng mạnh của Disney, nhiều hãng phim đã phải chọn lối đi riêng, tránh cuộc cạnh tranh không cân sức. Trong đó, Universal là một trong những hãng phim vẫn trụ vững với sức hút từ dòng phim quái vật, nhưng cũng đang thay đổi chiến thuật để hoạt động hiệu quả hơn.

Ở những năm 1930-1950, Universal "làm mưa làm gió" tại Hollywood với "đế chế quái vật" gồm những nhân vật gần như bất hủ: Frankenstein, Dracula, The Wolf Man, The Creature, Mummy… Tuy nhiên, thành công từ thời vàng son đó không đủ để Universal tiếp tục mạo hiểm đi theo lối mòn. Thực tế, Universal đã từng có ý định xây dựng vũ trụ quái vật Dark Universe, tương tự như Marvel (nay thuộc sở hữu của Disney) với vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU). Nhưng Universal vẫn dè dặt vì không dự đoán được sự thay đổi của thị trường. Cụ thể, “Van Helsing” (2004) từng gây ấn tượng với doanh thu toàn cầu trên 300 triệu USD, nhưng không được lòng khán giả, từ đó việc xây dựng thương hiệu Van Helsing cũng bị bỏ ngỏ. Một trường hợp khác là phim về quái vật Mummy, Universal từng thành công và tạo nên tiếng vang với hai tác phẩm “The Mummy” (1999), “The Mummy Returns” (2001), nhưng đến “The Mummy: Tomb of the Dragon Empire” (2008) thì lại gây nên tranh cãi, mặc dù phần 3 mang về doanh thu trên 400 triệu USD. Với hai nhân vật được lòng khán giả: O’Connell (diễn viên Brendan Fraser) trong loạt phim về quái vật Mummy và Van Helsing (diễn viên Hugh Jackman) trong tác phẩm cùng tên, Universal cũng dự định về một dự án có sự xuất hiện của cả hai nhân vật đình đám, nhưng sau đó vì không dám mạo hiểm mà đình lại.
Nếu nhìn theo hướng thành công của Marvel khi tạo ra MCU, thì Dark Universe của Universal là ý tưởng không tồi. Những con quái vật tồn tại trong một vũ trụ nguyên bản, được kết nối trong những ngôi nhà kinh dị là cách dẫn truyện độc đáo. Dark Universe hoàn toàn có thể làm nên chuyện khi quy tụ thêm dàn sao danh tiếng và những đạo diễn tài ba. Tuy nhiên, Universal đã phạm sai lầm. Trong nhiều năm qua, Universal đã cố chạy theo công thức thành công của Marvel khi lấy quái vật cạnh tranh với siêu anh hùng, vì vậy Dark Universe vẫn không thể thành hình. Universal đánh mất bản chất của các nhân vật khi quên rằng các quái vật không thể giống các siêu anh hùng và nó có chỗ đứng riêng, nguyên bản, không thể rập khuôn.
Nhận ra sai lầm, Universal đang nỗ lực làm lại với những bước đi thận trọng và đổi mới. Cụ thể là dự án “The Invisible Man” (2020) của Leigh Whannell có vẻ là một hướng đi đúng đắn. “The Invisible Man” được cho sẽ theo ý tưởng bản gốc tiểu thuyết cùng tên của tác giả H.G.Well, kết hợp bản phim kinh điển của James Whale hồi năm 1933. Trên cơ sở đó, “The Invisible Man” của Leigh Whannell sẽ mang thêm chất kinh dị đúng nghĩa ở thế kỷ 21: Hoàn toàn loại bỏ những yếu tố siêu anh hùng, thay vào đó tập trung vào góc nhìn của việc bị bạo hành và tâm lý nhân vật.

Phim “The Invisible Man”.
Một dự án khác cũng đáng mong đợi là “Dark Army”, mới được công bố thông tin gần đây với sự tham gia của Paul Feig. Paul Feig là người đứng sau thành công của hàng loạt phim hài hước và độc đáo, phải kể đến “Bridesmaids” (2011), “Spy” (2015),“Ghostbusters” (2016). Chẳng những thế, Paul Feig còn là người tạo ra những câu chuyện kinh dị theo cách rất riêng, như: “A Simple Favor” (2018). Qua bàn tay của Paul Feig, hy vọng “Dark Army” sẽ có phong vị riêng.
Lựa chọn để nhân vật phát triển theo cách riêng của từng nhà làm phim, không cần kết nối với vũ trụ điện ảnh, dường như lại là một hướng đi đúng. Thực tế, việc rút kinh nghiệm của Universal không khác mấy so với cách Warner Bros. học được hướng đi cho các nhân vật DC, rồi quyết định để các nhà làm phim tự kể câu chuyện của riêng họ và Warner Bros. đã thành công. Những con quái vật của Universal vẫn tồn tại qua thời hoàng kim và được phép "tiến hóa", tương tác với sự biến đổi của câu chuyện điện ảnh. Động lực sắp tới của Universal phụ thuộc vào những nhà làm phim đầy tâm huyết, không bị lay chuyển bởi những câu chuyện đã thành công từ quá khứ.l
BẢO LAM (Theo Hollywood Reporter)