29/03/2010 - 21:41

Phim “Lối sống sai lầm”

Sự thất bại của rập khuôn !

Hà Kiều Anh vai Vân (trái) và Vân Trang vai My trong bộ phim “Lối sống sai lầm”.
Ảnh: tuoitre.com

Được làm lại từ bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Terms of Endearment” - rất được khán giả Việt Nam yêu thích - nhưng “Lối sống sai lầm” đã không lôi cuốn được khán giả bởi rập khuôn phim gốc. Đây là bộ phim truyền hình Việt Nam dài 60 tập, của đạo diễn người Hàn Quốc Oh Seung Yuep, do Hãng M&T Pictures sản xuất theo đơn đặt hàng của HTV, đang chiếu lúc 13 giờ từ thứ năm đến thứ bảy hằng tuần trên HTV7.

Bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Terms of Endearment” (tựa tiếng Việt là “Lối sống sai lầm”) của đạo diễn Kim Jong Chang do Hãng KBS - Hàn Quốc sản xuất năm 2004, từng tạo được một “hiện tượng” trong làng giải trí Việt Nam. Dù phim chỉ xoay quanh “vòng lẫn quẫn”: tình yêu, những hờn giận, hiểu lầm và sự đổ vỡ hôn nhân và sự trả giá cho những lối sống sai lầm... nhưng vẫn lấy không ít nước mắt của khán giả. Phim đã đưa tên tuổi của: Chae Si Ra, Han Ga In, Ji Sung, Lee Jong Won lên hàng “sao”.

Có lẽ vì vậy nhà sản xuất đã làm lại phim “Việt hóa” thành “Lối sống sai lầm” với đạo diễn, quay phim Hàn Quốc.

Nội dung phim tóm tắt như sau: Vân là cô con gái lớn của một gia đình khá giả, rất quan tâm cuộc sống gia đình. Vân sống hạnh phúc bên chồng là Đạo - một luật sư - và cậu con trai ngoan ngoãn. Hạnh phúc bỗng chốc tan vỡ khi Vân phát hiện Đạo đã ngoại tình với một nữ đồng nghiệp. Cô chia sẻ mọi phiền muộn với người bạn trai đã yêu cô từ những năm tháng còn đi học và hai người ngả vào vòng tay nhau. Đạo biết chuyện, hai vợ chồng ly hôn. Nhưng sau nhiều biến cố hai người đã quay lại. My - cô em gái út của Vân là một cô gái có tính tình bồng bột, trẻ con. My đã bỏ mối tình đầu thời còn đi học để sống chung với Tuấn - một người đàn ông không nghề nghiệp, vô trách nhiệm. Tuấn bỏ trốn, để lại My và bào thai trong bụng. Rồi My lại yêu Nguyên. Mẹ Nguyên tìm cách chia rẻ hai người vì cô đã từng có thai. Trải qua nhiều sóng gió, My và Nguyên đã sống hạnh phúc bên nhau.

Trước hết phải nói rằng cốt truyện mang tính nhân bản và giáo dục cao. Cuộc sống hiện đại, cùng với sự du nhập văn hóa và lối sống phương Tây, bên cạnh những tiến bộ, sự xa rời văn hóa truyền thống đã hình thành tính cách “tự do” trong luyến ái và chủ nghĩa cá nhân khiến nhiều người sa vào lối sống sai lầm và phải trả giá đắt.

Công bằng mà nói, sau nhiều bộ phim Việt hóa bị “gãy gánh” vì sự đầu tư nghệ thuật thiếu nghiêm túc, chắp vá thì “Lối sống sai lầm” có phần khởi sắc hơn. Phim được làm khá kỹ lưỡng, tình tiết phim hợp lý bám sát kịch bản gốc... đặc biệt, phim khai thác khá thành công những góc khuất trong tâm lý nhân vật. Tuy vậy, phim không thu hút được khán giả bởi có tâm lý “đã... coi rồi”! Gần chục tập phim đã chiếu, không tìm được một điểm nào mới so với bản phim gốc. Dù đã Việt hóa nhưng “Lối sống sai lầm” vẫn sặc mùi... “kim chi” - sao chép nguyên bản, văn phong xa lạ với ngôn ngữ Việt Nam. Ngay cả khung cảnh phim từ bàn ăn đến công sở, đồ đạc, cách trang điểm, trang phục diễn viên cũng đều rập khuôn phim “Terms of Endearment”. Một số nhân vật thoại như trả bài thuộc lòng, thiếu cảm xúc...

Sự thất bại của “Lối sống sai lầm” chỉ là vì sao chép rập khuôn. Các nhà sản xuất, đạo diễn nên nhớ rằng: thế nào chăng nữa thì phim Việt hóa chủ yếu là để người Việt xem!

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết