Các nhà nghiên cứu tại Đại học Rochester (Mỹ) cho biết sự linh hoạt về mặt tâm lý có thể giúp duy trì mối quan hệ tình cảm cũng như gia đình lành mạnh, bền lâu.
Ảnh: Stock United
Nhằm tìm hiểu xem tâm lý linh hoạt tác động như thế nào đến một cặp vợ chồng hoặc cả gia đình, Phó Giáo sư tâm lý học Ronald Rogge và cộng sự đã điều nghiên kết quả của 174 nghiên cứu riêng biệt về liệu pháp cam kết (giúp giảm stress), sự chú tâm và điều chỉnh cảm xúc trong các mối quan hệ.
Sự linh hoạt tâm lý được định nghĩa là khả năng thích ứng với những cảm xúc, cảm giác, suy nghĩ và trải nghiệm khó khăn. Khả năng này bao gồm nhiều kỹ năng như: cởi mở với những trải nghiệm mới, cả tốt lẫn xấu; nhận thức được thực tại mỗi ngày; trải nghiệm mọi suy nghĩ và cảm xúc mà không bị chìm đắm trong đó; duy trì quan điểm sống lành mạnh cả trong lúc khó khăn; coi trọng các giá trị gia đình và tiếp tục nỗ lực để đạt mục tiêu dù có trở ngại. Trái lại, những người có tâm lý không linh hoạt thường né tránh những cảm xúc trái ý muốn, không chú tâm tới thực tại, dễ mắc kẹt trong những tình huống khó khăn và chùn bước, hoặc nản lòng trước những trở ngại trong cuộc sống. Kiểu suy nghĩ cứng nhắc này thường được các nhà tâm lý xếp vào loại rối loạn chức năng.
Đối với gia đình, các chuyên gia nhận thấy mức độ linh hoạt tâm lý của cha mẹ cao giúp gia đình gắn kết hơn và trẻ em ít đau khổ hơn. Những gia đình này cũng được hưởng lợi nhờ ít căng thẳng và ít gặp sự cố do chiến lược nuôi dạy con cái lỏng lẻo hoặc tiêu cực. Trong khi đó, các cặp vợ chồng có tâm lý không linh hoạt thường ít hài lòng về mối quan hệ, ít nhận được sự hỗ trợ về mặt tinh thần, mức độ thỏa mãn tình dục thấp hơn, hay xung đột và lo lắng.
“Phân tích tổng hợp này nhấn mạnh rằng suy nghĩ và cảm xúc linh hoạt trong những tình huống khó khăn và thử thách không chỉ cải thiện cuộc sống cá nhân, mà còn có thể củng cố và làm phong phú thêm các mối quan hệ thân thiết, giúp gia đình hạnh phúc, tình cảm thăng hoa”, nhà tâm lý Rogge kết luận.
HOÀNG ĐIỂU (Theo Study Finds)