|
Tượng Quan Công được thờ trong đình làng người Việt. |
Ngay từ cuối thế kỷ XVII, ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều cộng đồng dân tộc cùng sinh sống.
Người Khmer đã có mặt ở vùng đất này rất sớm. Họ cư ngụ những rẻo đất cao trên các giồng dọc theo bờ sông Tiền, sông Hậu, nương nhờ vào thiên nhiên để trồng tỉa và sinh sống. Bà con Khmer quần tụ nhiều trong những phum sóc trên những giồng đất ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Tri Tôn - An Giang. Người Khmer hiền hòa, hiếu khách, đa số làm ruộng. Họ theo Phật giáo tiểu thừa, có những hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo qua ca múa, lễ hội... Ở Sóc Trăng, bà con Khmer trồng được một loại gạo ngon nổi tiếng- là gạo Bãi Xàu- một đặc sản của tỉnh Sóc Trăng xưa.
Người Hoa cũng có mặt rất sớm, sát cánh với người Việt trong quá trình khẩn hoang Đồng bằng sông Cửu Long. Khác với người Khmer thường sống tập trung, người Hoa phân tán khắp nơi. Nhiều chi nhánh người Hoa di cư đã tiếp tay người Việt trong việc khai khẩn, lập đất, đóng góp không ít công lao như nhóm người Hoa dưới sự cầm đầu của Dương Ngạn Địch, góp phần xây dựng vùng Mỹ Tho; đặc biệt là vai trò của gia tộc họ Mạc trong việc khai khẩn và xây dựng đất Hà Tiên.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, dấu ấn người Hoa trong nhiều mặt của đời sống lao động sản xuất cũng như văn hóa xã hội. Họ cũng có trồng trọt, làm rẫy, trong đó nổi tiếng nhất là người Triều Châu ở các vùng Bạc Liêu, Cà Mau xưa giỏi về nghề trồng hoa màu, làm rẫy trên đất giồng. Họ rất siêng năng, chịu cực chịu khó lúc còn nghèo để khéo léo gầy vốn làm ăn. Nhưng phổ biến nhất thì họ vẫn làm nghề truyền thống của dân tộc Trung Hoa là buôn bán: phần nhiều khởi đầu bằng buôn bán nhỏ như các nghề “ve chai lông vịt”, bán tạp hóa trong xóm... Các tiệm tạp hóa của bà con người Hoa có khắp đầu làng cuối xóm và bán đủ thứ, tom góp, dành dụm từ những khoản tiền nhỏ để phát triển kinh doanh cỡ lớn. Dấu ấn kinh doanh của người Hoa còn lưu lại ở Đồng bằng sông Cửu Long rất nhiều và thường gắn liền với các trọng điểm buôn bán lớn của người Việt như Bãi Xàu ở Sóc Trăng, Cái Răng ở Cần Thơ... Trong một khoảng thời gian rất dài của lịch sử khai phá, người Hoa đóng vai trò chủ chốt trong kinh doanh các mặt hàng quan trọng, nhất là lúa gạo, nên có nhận xét: “người Việt trồng lúa và người Hoa buôn gạo kiếm lời”.
Người Chăm so với các dân tộc khác thì không đông, họ tập trung ở An Giang, Châu Đốc, phần đông buôn bán nhỏ, làm tiểu thủ công nghiệp. Tổ chức xã hội của người Chăm đặt trên nền tảng Hồi Giáo với nhiều phong tục tập quán riêng.
Sự cộng cư của nhiều dân tộc trên một vùng đất đã giúp vùng Đồng bằng sông Cửu Long có được một bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng. Lúc đầu, có thể chỉ là sự liên kết đơn thuần của nhiều cộng đồng người để chống lại những thiên tai địch họa, hầu tìm sự bình yên trong cuộc sống và sản xuất. Đồng bằng sông Cửu Long tuy có tiềm năng lớn về thiên nhiên, nhưng thời điểm ban đầu thì rừng rậm hoang vu, thú dữ tràn đầy.
Đến đây đất nước lạ lùng
Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh.
Do đó, ngày từ buổi đầu mở đất, các dân tộc cộng cư ở Đồng bằng sông Cửu Long đã chung lưng đấu cật, đoàn kết để chống chọi với thiên nhiên, với thú dữ và nhiều tai họa khác. Và đoàn kết, bên cạnh việc để chống chọi với những khó khăn còn là để cho có bạn có bè, cho đỡ quạnh hiu giữa chốn rừng thiên nước độc. Vì lẽ đó, cư dân ở Đồng bằng sông Cửu Long quan niệm “Bán bà con xa mua láng giềng gần”. Yếu tố láng giềng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cư dân, trong việc giúp đỡ nhau những lúc hoạn nạn khó khăn, tối lửa tắt đèn có nhau, trong việc khẩn hoang lập ấp, mở rộng xóm làng, tạo dựng cho cuộc sống ngày càng phát triển lên. Có lẽ vì vậy dân Đồng bằng sông Cửu Long có tinh thần hiếu khách, trọng nghĩa khinh tài.
Quá trình cộng cư của các dân tộc ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tạo thành một sức mạnh tổng hợp và vô cùng to lớn trong việc khắc phục và chế ngự những thiên tai địch họa, xây dựng xóm làng, làm cho vùng đất này trước kia chỉ là rừng rậm hoang vu, đầm lầy nê địa sau 300 năm đã trở thành một vùng đất trù phú, đem lại một nguồn lợi to lớn từ thiên nhiên, đất hoang dần dần thu hẹp, xóm làng mọc lên, và đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao. Ngay từ thế kỷ XVIII vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện nhiều thị tứ, tụ điểm buôn bán sầm uất, có thể kể đến thương cảng Bãi Xàu, thương cảng Hà Tiên, Mỹ Tho đại phố...
Quá trình cộng cư đã tạo ra sự giao lưu về mặt văn hóa giữa các dân tộc. Dù mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa riêng, nhưng cuộc sống chung chạ nhau nhiều ngày đã dẫn đến sự đan xen và pha trộn lẫn nhau giữa các nền văn hóa, tạo nên một nét đặc trưng trong bản sắc văn hóa của vùng sông nước Cửu Long. Một dẫn chứng: về mặt tôn giáo tín ngưỡng, cả ba dân tộc Việt, Hoa, Khmer đều có thờ Phật. Nhưng người Việt, người Hoa cũng đều có thờ NeakTà của người Khmer, hay người Khmer và người Việt đều có đức tin đối với Quan Công, Bà Thiên Hậu của người Hoa. Về mặt ẩm thực, người Hoa và người Việt đều ăn mắm bồ hóc và canh xiêm-lo của người Khmer; người Khmer và người Việt cũng thích các món vịt tiềm, heo quay bánh hỏi của người Hoa; người Hoa, người Khmer thích ăn canh chua cá kho tộ của người Việt... Bên cạnh đó, ngoài ngôn ngữ riêng của mỗi dân tộc, tiếng Việt dần dần trở thành ngôn ngữ sử dụng phổ thông của các dân tộc trong vùng nhưng cũng pha trộn nhiều từ ngữ, thành ngữ của nhau. Trong tiếng Việt đã có sự hiện diện của tiếng các dân tộc Hoa, Khmer, Chăm và ngược lại, chẳng hạn như các từ lì-xì, xính xái, xí mụi, thèo lèo, tài công, tằng khạo xuất phát từ tiếng Hoa; cà ràng, xà quầng, mình ên... xuất phát từ tiếng Khmer...
Chim kêu Ngồ Ố, Láng Dài
A hia xùa bố a mùi ùm chai.
(Chim kêu Ngồ Ố, Láng Dài
Anh cưới vợ rồi em chẳng được hay!)
Ngoài ra, Chiếc “phảng”, chiếc “nóp”, cái “cà ràng” vốn của người Khmer đã được người Việt cải tiến thành những dụng cụ quen thuộc và thích dụng hơn cho người làm nông. Chiếc áo “bà ba” vốn có của người Việt đã trở nên phổ biến đối với nhiều dân tộc ít người. Ngôi nhà sàn là kiểu cư trú truyền thống của người Khmer, nhưng người Việt ở Năm Căn, Đồng Tháp, Sóc Trăng, người Chăm ở Châu Đốc cũng sử dụng (...) Ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu... cả người Việt, người Hoa, người Khmer đều ăn Tết Nguyên đán và Tết Chol Chnam Thmay. Truyện Thạch Sanh - Lý Thông của người Việt và truyện Chao Sanh - Chao Thông của người Khmer; chuyện Tấm Cám của người Việt và chuyện Niêng Môrơnắc Mêđa của người Khmer đều có cùng một nội dung. Những nhân vật Đơn Hùng Tín, La Thông, Tiết Nhơn Quý, Phàn Lê Huê trong các tuồng Tàu, truyện Tàu cũng là những nhân vật quen thuộc trong các tuồng cải lương, nói thơ Nam Bộ”.1
Chính sự hòa hợp và đoàn kết giữa các dân tộc Việt, Hoa, Khmer, Chăm cùng cộng cư trên vùng đất này đã tạo nên một nguồn lực to lớn trong việc khai khẩn và phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nói đến văn hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long là phải nói đến văn hóa của các dân tộc cùng cộng cư trên một vùng đất. Trong đó, giao lưu và hòa nhập văn hóa là một yếu tố đặc trưng của văn hóa vùng miền. Không gian văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long là một không gian văn hóa mở, sẵn sàng chấp nhận bất kỳ một nền văn hóa nào du nhập vào. Nhưng đây là sự chấp nhận có chọn lọc, củng cố, bổ sung và làm giàu thêm cho bản sắc văn hóa của mình. “Không thể kể hết sự giao lưu văn hóa người Việt với văn hóa các dân tộc khác trong vùng trên tất cả các lĩnh vực: cung cách làm ăn, việc ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, vui chơi, giải trí, giữ gìn sức khỏe v.v... Trong sự giao lưu đó, trên cơ sở kế thừa, tiếp thu có chọn lọc, nền văn hóa của người Việt trong vùng đã được nâng lên, được làm phong phú thêm với nhiều nét đặc sắc”.2
Bài, ảnh: TRẦN QUANG DIỆU
1 Thạch Phương - Hồ Lê - Huỳnh Lứa - Nguyễn Quang Vinh, sđd. Tr. 44.
2 Thạch Phương - Hồ Lê - Huỳnh Lứa - Nguyễn Quang Vinh, sđd. Tr. 44.