16/01/2019 - 10:06

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi 

Hội Nông dân (HND) phường Long Hòa, quận Bình Thủy phối hợp với các ngành tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế hộ. Nhờ có vốn, nhiều hội viên đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi, thu nhập ổn định, đời sống từng bước được nâng lên.

Với 20 gốc vú sữa bơ thu hoạch sớm, ông Hạnh thu nhập được trên 30 triệu đồng/ năm.

Đến 5 công vườn vú sữa bơ, bưởi da xanh của ông Dương Hiếu Hạnh, khu vực Bình Yên B, nhiều người không khỏi trầm trồ trước những cây vú sữa bơ trái xum xuê và bưởi xanh tốt phủ rợp cả khu vườn. Ông Hạnh cho biết: "Trong 5 công vườn, tôi trồng trên 20 gốc vú sữa bơ, 100 gốc bưởi da xanh và trồng xen hạnh để có thêm thu nhập". Trong đó, vú sữa bơ thu hoạch trên 10 năm nay và bưởi da xanh mới cho trái gần 2 năm. Năm 2018, vườn vú sữa bơ của ông Hạnh thu hoạch gần 2 tấn trái, bán với giá 10.000- 25.000 đồng/kg; còn bưởi da xanh thu hoạch mỗi tháng được trên 50kg, bán với giá 30.000- 60.000 đồng/kg.  Nhờ đó, gia đình ông có thu nhập ổn định, đời sống từng bước được cải thiện.

Để có vốn cải tạo vườn, ông Hạnh được HND phường Long Hòa giới thiệu vay 50 triệu đồng từ ngân hàng. Trước khi trồng bưởi da xanh, vườn của ông Hạnh trồng chuối, cam và vú sữa già cỗi nên hiệu quả không cao. Đối với vú sữa bơ, ông Hạnh nhận thấy đây là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Hạnh phấn khởi nói: "Giống vú sữa bơ được gia đình tôi trồng cách nay trên 10 năm. Ưu điểm của vú sữa bơ là trái to, đẹp mắt, vị ngọt và thu hoạch sớm hơn các loại vú sữa khác khoảng 1 tháng nên bán được giá cao". Ông Hạnh chọn vú sữa bơ trồng xen giống bưởi da xanh vì giá cả ổn định. Để trồng bưởi da xanh hiệu quả, trước nhất người trồng phải chọn được giống bưởi chất lượng, cây giống phải sạch bệnh. Trong quá trình chăm sóc, phải sử dụng phân hữu cơ kết hợp với phân hóa học và cắt cành, tỉa nhánh để cây thông thoáng, hạn chế sâu, bệnh. Với cách làm trên, 100 gốc bưởi da xanh của ông Hạnh phát triển xanh tốt.

Cũng nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình ông Trương Hữu Nghị, khu vực Bình Yên A, xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả. Ông Nghị kể, trước đây gia đình ông từng nuôi heo nhưng nhiều năm bị thua lỗ vì giá cả bấp bênh. Khoảng 3 năm gần đây, ông Nghị chuyển sang nuôi heo rừng. Ban đầu, ông mua 4 con heo rừng giống về nuôi. Thời gian đầu, ông Nghị gặp không ít khó khăn về kỹ thuật nuôi cũng như tìm kiếm những loại thức ăn phù hợp để heo sinh trưởng và phát triển tốt. Ông Nghị tham quan các mô hình chăn nuôi heo rừng của nhiều hộ dân trên địa bàn quận để tích lũy kiến thức và học hỏi kinh nghiệm. Sau hơn 1 năm thuần dưỡng và chăm sóc, 4 con heo rừng đẻ được hơn chục heo con. Ông Nghị giữ toàn bộ heo nái để nuôi heo sinh sản. Ông Nghị chia sẻ: "Heo rừng dễ nuôi hơn heo thông thường vì chúng có sức đề kháng tốt, lại là loài ăn tạp".

Qua 3 năm, đến nay, ông Nghị đã phát triển đàn heo lên 120 con; trong đó, có 10 con sinh sản. Hiện tại, ông Nghị nuôi không xuất chuồng đồng loạt mà bán hằng ngày cho các nhà hàng trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Ông Nghị cho biết, trung bình mỗi ngày ông bán 1 con, thu nhập trên 2 triệu đồng. Ngoài ra, ông Nghị còn thu mua heo rừng của các hộ dân lân cận để có nguồn cung ổn định. Ông Nghị còn nuôi 3 con heo nái (heo trắng) để tiếp tục tái đàn và có thu nhập ổn định. "Tháng 9-2018, tôi xuất bán được 27 con heo thịt với giá 5,5 triệu đồng/ tạ, thu về gần 150 triệu đồng. Cũng nhờ được HND phường quan tâm, tạo điều kiện vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi của ngân hàng, gia đình tôi mới mở rộng chuồng trại phát triển mô hình nuôi heo nái và heo thịt với số lượng lớn"- ông Nghị chia sẻ.

Ông Phạm Văn Thịnh, Chủ tịch HND phường Long Hòa, cho biết: "Thời gian qua, HND phường tích cực phối hợp với các ngành tạo điều kiện cho nhiều hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng để phát triển kinh tế. Hiện tại, HND phường đã tạo điều kiện cho 650 hội viên vay vốn và 14 tổ tiết kiệm vay vốn, với số tiền trên 15,5 tỉ đồng. Các hội viên sau khi vay vốn đã phát triển các mô hình kinh doanh mua bán nhỏ, phát triển chăn nuôi và cải tạo vườn tạp... Nhìn chung, các hội viên sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, các mô hình đem lại hiệu quả và cho thu nhập ổn định".

Bài, ảnh: Thanh Thư

Chia sẻ bài viết