12/10/2020 - 09:50

Sống vui với nghề truyền thống 

Cơn mưa tầm tã, dai dẳng đầu tháng 10 “giữ chân” để chúng tôi có dịp thưởng thức tay nghề các loại bánh lá của dì Trương Thị Đẳng (dì Hai Đẳng), ở khu vực Thạnh Phú, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng. Người phụ nữ 70 tuổi này vẫn nguyên vẹn niềm đam mê nghề truyền thống, trước kia chuyên dệt chiếu lác còn hiện tại là làm và bán các loại bánh dân gian…  

Niềm vui của dì Hai Đẳng là mỗi ngày được gói và bán bánh tét thơm ngon phục vụ thực khách yêu thích bánh dân gian. 

Niềm vui của dì Hai Đẳng là mỗi ngày được gói và bán bánh tét thơm ngon phục vụ thực khách yêu thích bánh dân gian. 

Suốt buổi, dì Hai tỉ mẩn cắt tỉa, lau mớ lá chuối xiêm đã rửa sạch từ tối qua, xếp trong sề, mang ra sân hong nắng để dễ gói bánh. Chảo nếp chín tới dẻo xốp, dì Hai đổ ra mâm để mau nguội, quay sang bắc chảo xào đậu ngọt pha nước cốt dừa; ướp số chuối xiêm làm nhưn bánh. Khi các loại nguyên liệu sẵn sàng, dì Hai và dì Ba (75 tuổi), bạn chí cốt từ thuở nhỏ ở cạnh nhà dì Hai, bắt đầu gói bánh. Từng đòn bánh đẹp mắt thành hình qua hai đôi tay khéo léo của hai dì. Kim Ngọc, cháu nội của dì Hai mới 7 tuổi cũng lăng xăng phụ cắt, lau, xếp lá, múc nếp, vò nhưn…, vừa líu lo kể chuyện. Xế chiều, chồng dì Hai đảm trách việc nhóm lửa nấu bánh, đến gần 4 giờ sáng thì vớt ra, để ráo nước. Sau đó, chú Trí chở dì Hai giao mối bánh bán lẻ tại các chợ nhỏ và Công ty TNHH Lạc Tỷ II (Châu Thành A - Hậu Giang) bán cho công nhân. Mỗi ngày, dì Hai giao khoảng 160-200 đòn bánh tét nhỏ (4.000 đồng/đòn), trừ chi phí, thu nhập từ 250.000 đồng. Có khách đặt bánh đám tiệc, dì Hai phải huy động hai con gái và vài người hàng xóm phụ tiếp để giao hàng đúng hẹn, thu nhập có thể tăng gấp đôi, gấp ba.

Theo dì Hai Ðẳng, bánh tét, bánh ít hay bánh lá dừa muốn ngon, tiêu chuẩn tiên quyết là nếp dẻo, dừa béo, dây quấn chặt, lửa cháy đều, đủ thời gian, tuyệt đối không hấp tấp, vội vàng. Dì Hai kể: “Tôi thường nhận các đơn hàng làm bánh ít, bánh tét cho khách quen, để làm quà biếu, thu nhập cũng khá. Ðiều khiến tôi vui nhất là được giới thiệu hương vị thơm ngọt đặc trưng bánh quê Thường Thạnh, giống y chang cảm giác lúc chở chiếu lác Cái Chanh đi bán khắp nơi hồi trước”.

Sinh trưởng ở xóm nghề chiếu truyền thống, 14 tuổi, nhờ ngoại và mẹ chỉ dạy, mấy chị em dì Hai đều thạo nghề dệt chiếu, gói bánh lá bán, kiếm tiền phụ giúp gia đình, trong đó, dì Hai Ðẳng nổi tiếng chăm chỉ, khéo tay. Rồi dì Hai lấy chồng, lần lượt sinh 4 người con hai trai, hai gái. Nghề chiếu giúp dì Hai mưu sinh, nuôi con ăn học, rồi lo dựng vợ, gả chồng. Mấy mươi năm qua, nghề dệt chiếu bền bỉ theo dì Hai Ðẳng và con gái lớn Ngọc Thủy, những chiếc chiếu Cái Chanh bền, đẹp được bày bán khắp chợ thành, chợ quê. Khoảng năm 2010, thời kỳ dệt chiếu bằng máy, nghề dệt chiếu thủ công thưa thớt, mai một dần. Dì Hai và con gái được Hội Phụ nữ giới thiệu vay vốn ưu đãi, góp thêm tiền nhà mua máy dệt chiếu một thời gian thì quyết định giải nghệ. Từ năm 2015, Ngọc Thủy vừa thu mua, bỏ mối chiếu lác vài năm, vừa thuê mặt bằng bán hoa tươi, còn dì Hai chọn nghề làm bánh dân gian bán. Dì Hai Ðẳng bộc bạch: “Dịp Tết cổ truyền các năm 2018-2020, tôi và con gái được Bảo tàng TP Cần Thơ mời tham gia trình diễn nghề truyền thống tại Chương trình “Sắc xuân miệt vườn”, vừa đỡ nhớ nghề và thấy hạnh phúc lắm”.            

Chú Võ Hoàng Trí, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ khu vực Thạnh Phú, chồng dì Hai Ðẳng, dù tuổi cao nhưng mấy mươi năm qua, luôn đồng hành, sát cánh cùng vợ, với tâm nguyện duy trì nghề truyền thống, phù hợp tuổi già, giúp vợ chồng chú thêm thu nhập. Hướng dẫn chúng tôi tham quan căn nhà Chữ thập đỏ gia đình chú được bàn giao cuối tháng 8, chú Trí phấn khởi nói: “Nhờ thu nhập từ nghề bánh dân gian mấy năm qua, vợ chồng tôi tích cóp góp thêm tiền để có căn nhà khang trang”. Chú Trí chăm bón 2,5 công chanh không hạt, cam, cho huê lợi quanh năm… Dì Hai bộc bạch: “Chưa biết con cháu có chịu tiếp nối nghề làm bánh dân gian không nhưng tôi quyết tâm sống vui với nghề truyền thống này…”.

Theo Hội LHPN phường Thường Thạnh, sắp tới, Hội giúp dì Hai tiếp tục vay vốn ưu đãi cũng như quảng bá, giới thiệu mô hình nghề làm bánh dân gian qua mạng xã hội và hệ thống Hội, đoàn thể. Ðồng thời, liên kết thành lập tổ, nhóm bánh dân gian và tham gia trưng bày tại các lễ hội, thu hút sự quan tâm của thực khách.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết