30/10/2021 - 06:26

Song hành cùng con 

Không chỉ tự cho rằng với vị trí độc tôn, mọi người phải làm theo ý mình, các con được nuông chiều “muốn gì được nấy” chưa từng quan tâm suy nghĩ, cảm xúc của người khác. Các bậc phụ huynh đã kịp thời định hướng nhận thức, hành động để các con thật sự lớn khôn…    

Con “không chịu” lớn

Nghe tiếng kêu “mẹ ơi” í ới, chị Thùy Trang (ở quận Ninh Kiều), con dâu út bà Thắm, lau vội tay, chạy vô phòng. Thì ra, Bảo Châu, sinh viên đại học, nhờ mẹ ủi giúp bộ đồng phục, do mẹ không để sẵn như mọi khi. Bà Thắm kêu con dâu gác việc nấu ăn, lo ủi đồ, để Châu kịp đi học.

Châu được nuông chiều từ nhỏ, muốn gì được nấy. Lúc nhỏ, Châu “chấm” món đồ chơi nào, dù đắt tiền, bà Thắm cũng kêu cha Châu mua về. Lớn lên một chút, nghe mọi người nói mình “đẻ bọc điều”, dù chưa hiểu hết ý nghĩa cách nói này nhưng Bảo Châu bắt đầu tự cho mình quyền được sai khiến và người khác phải phục tùng. Châu học hành bày bừa, thay quần áo vứt lung tung, mẹ theo thu dọn; thích ăn bánh tiệm này, uống trà sữa quán kia, dù trưa hay tối, mặc nắng hay mưa, cha mẹ Châu cũng đi mua về. Châu không phải làm bất cứ việc gì, cứ vô tư thụ hưởng thành quả của người khác.        

Trầy trật tốt nghiệp THPT, Vĩnh An (ở quận Cái Răng) đang học ngành y tại một trường đại học dân lập dù không hề thích. Vĩnh An chỉ việc miễn cưỡng nghe lời bà ngoại  “cháu phải học đại học” thì muốn gì được nấy! Từ bé, do cha mẹ đi làm ăn xa, Vĩnh An ở với bà ngoại để thuận tiện đi học, được “ăn no ngủ kỹ” và thoải mái “quẹt thẻ” tiêu tiền. Được nuông chiều từ nhỏ nên An không biết và không muốn làm gì, từ việc đơn giản nhất. Suốt ngày, An chỉ việc ăn, ngủ, nghe nhạc, xem phim, “trầm” quán, chơi nhiều hơn…học. An cao hứng muốn mua điện thoại, ipad, đổi xe xịn, chỉ cần “bày tỏ” với ngoại, cha mẹ phải đáp ứng ngay, thiếu nhiêu ngoại bù. Mọi sinh hoạt hằng ngày của An đã có người giúp việc, bà ngoại can thiệp giải quyết, từ ăn, ngủ, nghỉ. Người giúp việc bận, nghỉ đột xuất, bà ngoại tự pha sữa, mang cơm lên tận phòng An. Chưa kể, An bất chợt thèm món pizza, mì cay, bà ngoại cũng sang hàng xóm dò hỏi số điện thoại… để đặt giao hàng đến tận nhà. Khi mọi người góp ý đừng nuông chiều quá, An sinh tệ, ngoại An tỏ vẻ không hài lòng bởi bà lo cho cháu, có gì không đúng…

Muộn... còn hơn không

Ai cũng nói Châu trở nên “tự chuyên”, phần nhiều lỗi nơi chị Trang. Chị  Trang cảm nhận điều này từ lúc Châu còn nhỏ nhưng không biết làm sao vừa răn dạy con gái, vừa hài lòng mẹ chồng. Mỗi lần mẹ chồng bảo làm ngay việc Châu cần, chị Trang không dám cãi, bởi nếu chị nói để Châu tự làm thì mẹ chồng sẽ làm cho Châu. Chị Trang bàn chuyện dạy con với chồng, anh tỉnh bơ: “Mẹ thích vậy, không làm khác được. Lúc nhỏ, mẹ thương anh kiểu vậy, giờ anh cũng trưởng thành. Lo gì”.

Không tìm được “đồng minh”, chị Trang vẫn quyết định thực hiện kế hoạch uốn nắn con. Khi dọn dẹp nhà cửa, chị Trang vui vẻ nhờ Châu lấy giùm cái khăn lau, cây chổi lông gà, để quần áo vào máy giặt và sẵn tiện phơi giúp mẹ. Lúc vào bếp nấu nướng, chị Trang rủ Châu vo gạo, nhặt rau, nêm nếm món ăn và không quên khen ngợi vài câu. Dần dần, Châu tự lau dọn, sắp xếp phòng riêng, không còn chờ mẹ làm giùm. Chị Trang chia sẻ, thời gian đầu, mẹ chồng “nhằn” chị không nghe lời, chồng cho rằng chị cố chấp, Châu cũng nhăn nhó, sao mẹ hổng thuê người giúp việc… chị Trang chỉ cười trừ để cầu hòa. Mọi việc dần được cải thiện, Châu đằm thắm hơn, không còn đỏng đảnh, giận dỗi, luôn chủ động làm việc nhà phụ mẹ.       

Mỗi lần con trai Vĩnh An gọi điện xin tiền chi xài cá nhân, đổi đồ dùng đắt tiền, thấy vợ lăng xăng lo chuyển khoản cho mẹ vợ, anh Tấn Nguyên không đồng tình, sinh cự cãi. Vợ anh lập luận, vợ chồng chỉ có mình An, An là sinh viên đại học nên phải “đẳng cấp”, mẹ cũng điện thoại bảo đảm và bù tiền thêm cho cháu… Anh Nguyên bàn với vợ thu xếp việc kinh doanh, anh thường về quê để gần gũi, dạy dỗ Vĩnh An. Anh Nguyên dành thời gian trò chuyện, trao đổi với An về mọi mặt cuộc sống, tình cảm gia đình, lồng vào những câu chuyện về giá trị thật của con người không thể hiện qua vật chất mà bằng tài, đức thật sự… “Mưa dầm thấm lâu”, An dần thay đổi, có những biểu hiện đáng mừng như: dậy sớm, không còn dùng hàng hiệu, chi tiêu đúng chỗ, phụ giúp làm việc nhà và bất ngờ hơn là cùng bạn đi làm thêm…     

Trong thực tế, ai cũng yêu quý con cháu nhưng cách bày tỏ tình thương phải đúng việc, đúng chỗ. Thay vì chăm chút thái quá khiến “con không chịu lớn”, các bậc phụ huynh cần định hướng, giúp con em mình dần thay đổi nhận thức, hành vi và cách sống, biết quan tâm mọi việc, biết đồng cảm, chia sẻ với mọi người. Đây là cách giúp các con hình thành và rèn luyện kỹ năng sống hiệu quả, thiết thực, vun bồi cảm giác hạnh phúc khi biết cho và nhận yêu thương.

 Mai Thy

Chia sẻ bài viết