08/08/2009 - 21:23

Kỷ niệm ngày giỗ nhà văn Sơn Nam

Sơn Nam - "Nhà văn bắt sấu"

Sơn Nam
Nguồn “Dạo chơi;
Tuổi già” tác giả Sơn Nam; NXB Trẻ 2003 

Có lẽ ở Việt Nam chỉ có Sơn Nam là người viết nhiều truyện nhất về đề tài bắt cá sấu. Trong “Hương rừng Cà Mau” (1), ba truyện ngắn “Bắt sấu rừng U Minh Hạ” (BSRUMH), “Con sấu cuối cùng” (CSCC), “Sông Gành Hào” (SGH) là những truyện cho ta biết rõ nhất về cuộc sống và con người Nam Bộ ở hồi đầu thế kỷ trước, khi mà thực dân Pháp đã đặt xong ách thống trị, đã quản lý vùng sông Gành Hào. Thiên nhiên còn hoang sơ, vắng vẻ lắm. Ở các sông rạch, sấu lội từng bầy và thường gây hại cho con người. Còn người thì sống nghèo khổ, lạc hậu nên dễ tin vào ma quỷ thánh thần và sẵn sàng “vô rừng đốn củi lậu thuế” cho dù biết là sẽ bị phạt, bị giam cầm nếu Tây kiểm lâm bắt gặp... (SGH).

Ngày nay, chúng ta thường chỉ thấy sấu trên phim ảnh, trong vườn thú và gần đây, ở chỗ câu sấu trong các khu du lịch sinh thái. Những kẻ hậu sinh thường khó thấy được con sấu trong môi trường tự nhiên dữ dằn, đáng ghê sợ ra sao, sinh sống như thế nào trên sông rạch; thường khó mường tượng ra cảnh cha ông ta đã sống ra sao, câu sấu, bắt sấu gian khổ khó khăn như thế nào khi chưa có súng ống để có thể khai phá non sông Nam Bộ cho chúng ta được sống an lành như hiện nay.

Khi mà kênh truyền hình Discovery chưa có một thước phim nào về cá sấu rừng U Minh thì Sơn Nam đã cho chúng ta thấy bức tranh gần như toàn cảnh về sinh hoạt của cá sấu vùng U Minh Hạ. Ai cũng biết cá sấu là giống hung hăng, dữ dằn nhất sống ở vùng sông nước. Nhưng quả không mấy người biết là chúng thích nơi “yên tịnh chật hẹp”. Vì vậy, ở “Vùng U Minh Hạ sấu thường đi ngược sông Ông Đốc, rạch Cái Tàu vào giữa rừng tràm...”. “Đến mùa nắng hạn rừng khô”, chúng kéo vào “lập căn cứ” ở ao, lung trong rừng tràm đến độ “nhiều như trái mù u chín rụng” gây ngỡ ngàng cho ngay cả dân sở tại (BSRUMH). Khi ở sông lớn, sấu có thể cản mũi đoàn ghe rước dâu, rồi khi đoàn ghe hoảng loạn thì sấu quay lại đập đuôi ngay ghe chở cô dâu, chú rể và bắt chết cô dâu ngay trong ngày cưới. Chúng lại sống có bầy. Sấu cái sinh trứng, canh chừng trứng nở để chăm con rất kỹ càng, sấu đực thì nhớ ngày trứng nở để quay trở lại tìm ăn thịt bầy con mới nở cho dù sấu cái canh chừng nghiêm ngặt. Sấu đực, nếu bị đánh thua thì có thể bị sấu cái và cả bầy sấu đực khác quây lấy, phanh thây xé xác và ăn thịt (CSCC). Ở sông Gành Hào sấu nhiều và dữ tợn hơn, có lần “nó đập đuôi nhận chiếc xuồng trên đó có hai mẹ con. Mẹ mất xác, đứa con gái bị táp cụt chân”, có lần sấu táp một cô gái “ngồi rửa chén dưới bến, ..rinh luôn cái cầu thang”, nhờ vậy, cô gái mới thoát chết (SGH).

 

Nổi bật trong các truyện trên vẫn là các cảnh bắt sấu kỳ tài của những người dân lam lũ, đang phải “đánh vật” với cuộc sống. Chuyện được thuật lại thường là trong cuộc sống thực nhưng trong truyện của Sơn Nam, nó lại có một vẻ gì đó, gắn với đời sống tâm linh thiêng liêng, kỳ bí, dường như đó là chỗ giáp ranh giữa ma quỷ thánh thần và cuộc sống thực mười mươi. Nó gợi ra không khí u u minh minh, hư hư thực thực; ở đó, những người thực, việc thực có một vẻ huyền bí như họ đang giao hòa với thần linh, ma quái.

Ở truyện BSRUMH, nghe tin sấu tập trung rất đông ở ngọn rạch Cái Tàu, Năm Hên, “người thợ già chuyên bắt sấu ở Kiên Giang đạo” bơi xuồng đến. Xuồng ba lá nhỏ, “trong xuồng, có vỏn vẹn một lọn nhang trần và một hũ rượu”, “ông bơi xuồng tới lui theo rạch mà hát”. “Giọng nghe ảo não, rùng rợn” khiến dân làng đoán là bậc kỳ tài, “mời ông lên nhà, làm thịt gà, mua rượu thết đãi” rồi được ông giúp bắt sấu, rồi tận mắt thấy một dây bốn mươi lăm con sấu bị ông bắt sống được Tư Hoạch dong về trên sông. Mãi hoan hỉ mừng vui đến khi nhớ tới ông thì giống như tiên như Phật trong cổ tích, dân làng không thấy ông đâu, chỉ nghe bên sông tiếng hát ngày một rõ, như khóc than, nài nỉ, đầy vẻ phẫn nộ, bi ai: “Hồn ở đâu đây? Hồn ơi! hồn hỡi! Xa cây xa cối, Đầu bãi cuối gành, Hùm tha sấu bắt, Bởi vì thắt ngặt, Manh áo chén cơm, U Minh đỏ ngòm, Rừng tràm xanh biếc! Ta thương ta tiếc, Lập đàn giải oan…”. Rồi ông cũng xuất hiện ở mé rừng, với dáng vẻ đầy ghê rợn “áo rách vai, tóc rối nùi, mắt đỏ ngầu, bó nhang cháy đỏ quơ qua quơ lại trên tay” như để giải oan cho các cô hồn từng bị sấu bắt. Trong truyện CSCC, nhân vật Năm Hên đã già nhưng quyết tìm diệt con sấu cuối cùng trong nghiệp bắt sấu của mình, cũng có những hành động “bí hiểm” tương tự như thế (phải chăng Sơn Nam đã ghi lại cùng một người chuyên bắt sấu có thật nào đó ở Kiên Giang xưa?).

Trong truyện BSRUMH, Sơn Nam thuật chuyện bắt sấu bằng cách để Tư Hoạch, người đi bắt sấu cùng Năm Hên, kể lại ngắn gọn cho dân làng nghe. “Đại khái, Tư Hoạch trình bày: Tới ao sấu, ông Năm Hên đi vòng quanh dòm địa thế rồi ngồi xuống uống một chung rượu. Kế đó ổng với tôi lấy xuổng đào một đường nhỏ, ngày một cạn từ bờ ao lên rừng chừng mười thước (2). Xong xuôi, ổng biểu tôi bứt cho ổng một nắm dây cóc kèn. Phần ổng thì lo đốn một cây mốp tươi, chặt ra khúc chừng ba tấc. Lửa châm vô sậy đế, cóc kèn xung quanh, bắt cháy xuống đám sậy đế trong ao. Chập sau, bị khói bay, cay mắt, ngộp thở, phần vì nước sôi nóng, sấu bò lên rừng theo con đường đào sẵn hồi nãy. Tức thời ông Năm Hên chạy lại. Sấu hả miệng hung hăng đòi táp ổng. Ổng đút vô miệng sấu một khúc mốp. Sấu táp lại, dính chặt hai hàm răng: như mình ngậm một cục mạch nha quá lớn, muốn hả miệng cho rộng để nhả ra cũng không được. Sấu bị khúc mốp khóa miệng, còn cái đuôi đập qua đập lại. Ông Năm xách cây mác, nhắm ngay sau lưng sấu mà xắn nhè nhẹ để cắt gân đuôi. Đuôi sấu bị liệt. Thế là mình yên trí, lấy dây cóc kèn, trói thúc ké hai chân sau của nó lại; chừa hai chân trước để nó bơi tiếp mình” trong việc dong một dây 45 con theo đường sông nước về làng. Dân làng nghe xong, không thể không la lên: “Thực là bực thánh của xứ này rồi! Mưu kế như thế thật quá cao cường”. Đưa cảnh bắt sấu cô đọng này lên phim, chắc phải là một trường đoạn và chưa chắc đã làm nổi bật được cái cách bắt sấu kỳ tài của Năm Hên, người thuộc nằm lòng đất đai, sông nước, đã từng bắt sấu nhiều lần và rất am tường về cung cách sinh hoạt cũng như cách phản ứng của cá sấu khi lâm nguy.

Ở truyện CSCC, cách kể của Sơn Nam dài hơn. Ông khéo léo, tỉ tê kể kỹ càng cái cách của nhân vật “tôi” hư cấu nào đấy từng trải nghiệm khi đi theo ông Năm Hên, xem ông bắt con sấu từng bắt con gái của cai tổng Hy trong ngày cưới. Nào “tôi” theo ổng mà không được phép “chàng ràng hỏi tới hỏi lui”, không được “thắc mắc là tại sao cháu hỏi mà không được trả lời”; nào “tôi” chạy xuống bãi bùn con sông Ngã Ba Đình trong đêm đen, rồi “chân đau điếng như đạp nhằm gai” thì ra đó là gai lưng bầy cá sấu mới nở, tuy “dưới bụng mỗi con đều dính những bệt màu vàng - màu của tròng đỏ trứng cá sấu” nhưng đã biết nhe răng phóng mình lên mắt cá chân “tôi” mà táp; nào trong đêm, không thấy cá sấu xuất lộ, nhưng có những “tiếng động lạ lùng, giống như giọng cười the thé của “cô hồn” ma quái”; nào là chuyện ông Năm Hên giải thích đó là con sấu cái, nó lo giữ bầy con, nó đẻ đôi ba chục trứng rồi khoét lỗ, sắp trứng từng lớp, mỗi lớp đều có lót lá khô, cỏ mục và kiếm lục bình, nhánh cây, rác rến phủ lên cao đến sáu bẩy tấc rồi ngày ngày canh chừng lũ con, sợ cha chúng về ăn thịt con; nào chuyện cá sấu “điếm đàng”, “con sấu cái ở chính giữa, xung quanh là bầy sấu đực tới ve vãn”, nào chuyện bầy sấu đực xấu máu, con nọ chui xuống bụng con kia để “thiến lẫn nhau”; nào chuyện ông Năm Hên bí hiểm chôn xác người mà bọn sấu ăn không hết bỏ lại. Mãi về sau cảnh bắt sấu thật sự mới diễn ra trong đêm dưới ánh đuốc chập chờn. Khi con sấu đực tìm về ăn thịt bầy con, nhân vật “tôi” chỉ thấy được Năm Hên lợi dụng đúng lúc đó nhảy lên lưng con sấu mà cỡi rồi vật nhau với sấu, rồi nằm ngửa dưới bãi, rồi cả sấu và người chỉ là một đống đen thui... Rồi, Năm Hên không chết, cá sấu đen ngòm từng bắt ăn con gái cai tổng Hy đã bị ông đâm thủng hai mắt đang nằm im gần chết. Năm Hên không thèm kéo xác nó lên, ông bò lên bờ, để cho con sấu cái với bầy sấu đực điếm đàng bữa trước kéo xác con sấu, vùi nó dưới nước và chia phần với nhau. Quang cảnh thật ghê rợn nhưng cũng thật hùng tráng, nó ca ngợi cha ông ta, những con người gan dạ, kiên cường, mưu trí, dũng mãnh, khôn khéo đã chinh phục thành công thiên nhiên hoang dã để xây dựng một cuộc sống an lành, hạnh phúc.

Ở truyện SGH, người bắt sấu là cha con ông Tư Đức. Truyện mở đầu với nhân vật Tây Rốp kiểm lâm và cha con Tư Đức đốn củi lậu, đang bị quản thúc; cung cách sống nhút nhát không dám đi tuần kiểm vì sợ cá sấu của Rốp; thói quen thích nghiên cứu sách Phật và thành tâm kính trọng mối thâm giao giữa vua Hy Lạp và Đức Phật Ga-na-sơ-na người Ấn Độ xưa của Rốp; cả thói khinh thường dân An Nam của y như bao tên thực dân khác. Truyện mở mối lúc canh ba, khi Rốp đọc sách, Tư Đức ra sông bắt gặp cá sấu, nó xuất hiện như ma quái vì là con “sấu lửa”, “sấu thần” mà dân đóng đáy vẫn thường nói lại. Theo tục lệ ông bà, Tư Đức rang nếp, rắc hột nổ (nếp rang) ra sân, khấn vái cô hồn các đảng. Truyện diễn tiến với việc hương quản báo tin sấu xuất lộ; mọi người rôm rả bàn cách giết sấu. Qua đó được biết con sấu này là thứ dữ, dài ít nhất 5 thước (khoảng 2m), con nít ngồi chàng hảng cỡi trên đuôi của nó mà chân không chạm đất, nó có thể nhai luôn cả súng của Rốp nữa; nó từng lật ghe bắt chết cả hai mẹ con, từng bắt hụt cô gái rửa chén, rinh luôn cái cầu thang... Rồi các cách giết sấu được đưa ra: nào cấm lưu thông trên sông, nào dùng súng của Rốp mà bắn... nhưng tất cả đều có chỗ chưa ổn và mọi người chấp nhận theo cách của Tư Đức. Dân An Nam đã bắt sấu từ trước khi Tây qua: sấu nhỏ thì móc vịt vô lưỡi câu rồi đứng dưới nước, sấu cắn vịt thì người lặn bơi vô bờ ghịt đầu dây câu vào gốc cây mà kéo con sấu lên. Con sấu lửa này lớn lắm, không làm vậy được, Tư Đức đã khiến cả Tây và hương quản huy động 700 cây tre, 4 người giúp sức. Tư Đức kết cái bè to, dựng hai cái thang cao chừng 3 thước (khoảng 1,2m), buộc 6 lưỡi câu sắt xung quanh. Trên bè, dựng cái chuồng nhốt hai con heo và một con chó. Nóc chuồng có rơm và lá dừa che kỹ. Hai hôm sau chú rắc hột nổ khắp khúc sông khấn vái, làm lễ cúng cô hồn, thịt một con heo móc vào lưỡi câu làm mồi ... Ba ngày sau... Con heo nổi sình lên. Rốp thất vọng. Tư Đức phải thịt con heo khác làm mồi. “Con chó trong chuồng sủa thỏn mỏn (3) vì đói mệt”. Tới ngày thứ tư, Rốp nghe tiếng mõ nổi inh ỏi. Mọi người không thấy gì trên sông mà chỉ nghe tiếng ồ ồ như có bầy trâu đang lội. Hương quản la báo sấu đã mắc câu. Bè Tư Đức bị nó kéo chìm, chỉ thấy cha con ông chót vót trên cái thang lú khỏi mặt nước. Hai cái thang ấy “bị kéo cả trăm thước” (chừng bốn năm chục mét) bỗng đứng sựng lại rồi vụt chạy nhanh hơn tàu đò. Nó bị sấu kéo nhồi đến mức hai cái thang lắc qua lắc lại như cột buồm ghe bị bão. Chập sau, con sấu mắc câu bỗng nổi lên thoi thóp, dài như chiếc ghe độc mộc. Tiếng la, thúc hối giúp sức Tư Đức chói lói vang khắp sông. Rốp muốn bắn. Mọi người can, sợ trúng người hay trúng dây câu, sấu vuột mất. Tư Đức ướt như chuột lội, loi ngoi, lóp ngóp nhưng vẫn tỉnh táo phóng xuống lưng con sấu một ngọn lao. Sấu hụp xuống, ghì chiếc bè khuất dưới nước. Rồi nó nổi lên, uốn éo đập đuôi đùng đùng, ngọn lao trên lưng văng đâu mất. Tư Đức phóng hai ngọn lao liên tiếp vô lưng nó. Sấu lại chìm nhưng từ xa một con sấu khác hiện ra. Nó là sấu đực tới tiếp sức sấu cái. Tư Đức trong tiếng trống mõ vang lừng giúp sức đã nhanh nhẹn phóng hai cây lao vô lưng con sấu đực. Cho dù nó là con sấu mạnh, mạo hiểm, dám đánh bạo áp sát bè Tư Đức cứu bạn, nhưng cuối cùng phải quậy nước rồi lặn mất. Bè từ từ nổi lên, sợi đỏi dài rung rinh. Nơi đầu dây đằng kia, con sấu mắc câu đã quá mệt mỏi nằm lé đé. Mấy mũi lao còn lại được phóng xuống, sấu không đủ sức để hất mấy cái mũi sắt đó nữa. Sấu lắc lư cái đầu rồi khuất dạng như chiếc tàu chìm. Chiếc bè không bị ghì xuống như trước. Sấu đã chết. Tây mừng rơn, đem rượu thết chú Tư. Làng đãi đằng chú Tư. Rốp khen người An Nam “hết sức giỏi”. Rốp đề nghị giết con sấu đực sổng còn lại. Chú Tư không nghe, vì giết nó là “có tội với trời đất, tội sát sanh”. Rốp phải bái phục dân An Nam “giỏi quá, hiền từ quá”. Rốp định cho chú Tư làm chức bếp, hưởng lương tháng 15 đồng nhưng chú không muốn. Chú muốn lập một miễu lá, thờ đầu con sấu để tỏ rõ mình “sợ nó... mà cũng không sợ nó. Phải để cho nó tu tâm dưỡng tánh trong kiếp sau”. Tư Đức không ưa sát sanh, ông “muốn làm nghề khác: nghề đốn củi, hết củi thì đào kinh làm ruộng”. Ông mừng vì đã giải oan cho bao nhiêu cô hồn sống vất vưởng trên lưng sấu. Nay sấu chết, cô hồn được thảnh thơi siêu thoát. Tây Rốp dè đâu một người đốn củi lậu mà có tài, có đức biết thương người, thương cuộc đời đến mức ấy. Rốp xá Tư Đức coi ông như thầy tu Na-ga-sơ-na, pháp sư Ấn Độ đại tài đại đức đã khiến vua Hy Lạp cai trị phải vòng tay xá để kết giao, cho dù Tư Đức khiêm nhường không dám nhận.

Vậy là, ba truyện có ba cách kể khác nhau rất sống động, cuốn hút người đọc từ đầu tới cuối. Truyện thì kể chuyện chỉ trong một buổi ngày, bắt sống 45 con cá sấu qua lời thuật của một nhân vật; truyện thì kể chậm rãi, dần dà qua lời thuật của nhân vật “tôi”, người theo chân bắt sấu từ chặng đầu tiên với những nghi ngờ này nọ đầy mê hoặc tới đêm bắt sấu nhập nhòa trong ánh đuốc; truyện thì tái tạo cả một khung cảnh của một vùng rừng tràm sông nước rộng lớn kéo dài nhiều ngày; trong đó chỉ riêng việc bắt sấu đã kéo dài tới bốn ngày với sự có mặt đông đảo dân làng, hương quản, hương ấp, Tây kiểm lâm vùng Gành Hào... Sơn Nam cũng mộc mạc đề cao con người Nam Bộ trong sự so sánh với những cá nhân chưa tốt, chưa đúng và nhất là trong sự so sánh với “người Tây” nhút nhát, kiêu căng đang xâm chiếm, cai trị chúng ta. Có người cho rằng Sơn Nam đã có vẻ như “nói tốt” cho lũ Tây và có vẻ như “có xu hướng Pháp Việt đề huề”. Nhưng không, cái tốt của Tây Rốp là tốt giả, tri thức của Tây Rốp là những ngộ nhận sai trái. Cuộc sống có thế nào hãy cứ để nó như thế trong văn chương. Một tên Tây Rốp nào đó có thể có nét tính cách tốt, hiền nào đó, sợ gì mà không ghi nhận nó? Người đọc tinh lắm, đâu phải cứ một chiều xấu, một chiều tốt thẳng băng không chút gợn. Dòng sông mến thương còn lúc trong lúc đục, khi ròng khi rong, sao lại chỉ là thế này mà không thể là thế khác.

Nhớ Sơn Nam là nhớ tới “Ông già đi bộ”, “Ông già Nam Bộ”, nhà văn, nhà khảo cứu, “Nhà Nam Bộ học” với nhiều tác phẩm biên khảo, tiểu thuyết có giá trị và đặc biệt là có nhiều truyện ngắn rất đặc sắc, miêu tả chân thật cuộc sống và con người Nam Bộ trong thế kỷ 20 như “Cô Út về rừng”, “Mùa len trâu”, “Hương rừng”, “Ăn to xài lớn”, “Bác vật xà bông”, “Bốn cái ngu”, “Cây huê xà”, “Chiếc ghe ngo”, “Đảng xăm mình”, “Hòn Cổ Tron”, “Ngôi mộ chôn đứng”, “Ruộng Lò Bom”, “Tình bậu muốn thôi”, “Xuất quỷ nhập thần” v.v... Nhưng không hiểu sao tôi vẫn nhớ nhất ba truyện bắt sấu do Sơn Nam viết lúc này. Hay là thêm cho Sơn Nam một danh xưng chăng, đó là: “nhà văn bắt sấu” kỳ tài?

MAI THANH THẮNG

Chia sẻ bài viết