31/08/2012 - 15:07

Sôi nổi phong trào thi đua lao động sáng tạo

Đồng chí Bùi Hữu Nhơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chánh Văn phòng Thành ủy trao Bằng và Huy hiệu "Lao động sáng tạo" năm 2012 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho
các cá nhân.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất", thời gian qua, cán bộ, công nhân viên chức, lao động (CBCNVCLĐ) TP Cần Thơ đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, nổi bật là phong trào thi đua lao động sáng tạo. 5 năm qua, toàn thành phố đã có trên 750 lượt đơn vị đăng ký thực hiện 5.689 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật với tổng giá trị trên 476 tỉ đồng, làm lợi cho Nhà nước, doanh nghiệp trên 35 tỉ đồng...

Khơi dậy niềm đam mê sáng tạo

Nhằm đẩy mạnh phong trào đổi mới phương pháp dạy và học trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, ngay sau Hội thi "Sáng tạo kỹ thuật" TP Cần Thơ lần thứ IV (năm 2006-2007), Công đoàn Ngành Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ đã xin chủ trương của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Sở GD&ĐT thành phố phát động đoàn viên chủ động làm đồ dùng dạy học để bổ sung cho những bài giảng mà thiết bị chuẩn chưa có. Ông Lương Hiển Vinh, Chủ tịch Công đoàn Ngành GD&ĐT thành phố, cho biết : "Ngay sau khi có phong trào "Tự làm và sử dụng đồ dùng dạy học", các đoàn viên là những giáo viên tâm huyết với nghề rất vui mừng, phấn khởi. Các thầy cô bắt tay chăm chút, sáng tạo các đồ dùng dạy học để tham gia các hội thi cấp sở, cấp thành phố. Nhiều sáng kiến của thầy cô được nhà trường ứng dụng hiệu quả và được ngành GD&ĐT thành phố tặng Bằng khen". Tại Hội thi "Sáng tạo kỹ thuật" cấp thành phố lần thứ IV (năm 2006-2007) Ngành GD&ĐT có 32 sản phẩm dự thi (đạt 12/28 giải của thành phố) thì hội thi lần thứ V (2009-2010) con số đã tăng 45 sản phẩm, trong đó đạt 11/20 giải của thành phố. Tại hội thi lần VI (2010-2011), Ngành GD&ĐT có 27 đồ dùng dạy học tham dự hội thi thì có 11 sản phẩm được trao giải (11/21 giải). Ông Vinh cho biết: "Kết quả trên là nhờ sự quan tâm của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố, Đảng ủy, lãnh đạo Sở GD&ĐT; sự động viên của Ban chấp hành (BCH) Công đoàn cơ sở và sự tâm huyết, yêu nghề của các đoàn viên...".

Được sự giới thiệu của ông Vinh, chúng tôi đến Trường THPT Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, gặp thầy Nguyễn Tấn Niên, giáo viên vật lý của trường. Thầy Niên được xem là tấm gương lao động sáng tạo tiêu biểu của ngành vì nhiều sản phẩm đóng góp trong 16 năm đứng lớp. Tiêu biểu nhất là bộ 3 sản phẩm: Từ trường quay, máy phát điện xoay 3 chiều pha và động cơ không đồng bộ 3 pha đã đạt nhiều giải cấp sở và Hội thi "Sáng tạo kỹ thuật" cấp thành phố. Nói về sản phẩm "Máy phát điện xoay chiều 3 pha", thầy Niên chia sẻ: "Do yêu cầu chuyên môn và những vướng mắc trong việc truyền thụ kiến thức môn vật lý tôi đã hình thành ý tưởng tạo ra sản phẩm để phục vụ công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, nhiều năm dạy bài "Dòng điện xoay chiều 3 pha" nhưng thấy học sinh vẫn còn mơ hồ nên tôi quyết định làm một sản phẩm, cũng là vận dụng phương pháp trực quan sinh động để giúp các em mau hiểu bài hơn". Theo thầy Niên, để có được sản phẩm "Máy phát điện xoay chiều 3 pha", thầy phải đi nhiều tỉnh để tìm các bộ phận cần thiết về lắp ráp, ngày dạy đêm làm cũng mất gần 3 tháng, tốn trên 4 triệu đồng. Thầy Niên nói: "Tôi phải mất hết gần 1 năm để hoàn thành 3 sản phẩm, chi phí đầu tư cũng hơn 10 triệu đồng. Các đồng nghiệp trong tổ Công đoàn và cô hiệu trưởng (cũng là giáo viên dạy vật lý) đã ủng hộ, giúp đỡ tôi rất nhiều...". Hiện nay, thầy Niên đang nghiên cứu sản phẩm mới là máy quang phổ lăng kính để quan sát hiện tượng tán sắc ánh sáng, sự hấp thụ lọc lựa ánh sáng. Dự kiến trong năm học này sẽ đưa vào giảng dạy trực quan cho học sinh.

Nghiên cứu, sáng tạo vì sức khỏe của nhân dân

Công đoàn Ngành Y tế TP Cần Thơ cũng là một trong những ngành có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật góp phần thiết thực trong việc "Nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ trong việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân".

5 năm qua, Công đoàn Ngành Y tế thành phố có 578 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật do đoàn viên các Công đoàn cơ sở thực hiện. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ có 146 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ứng dụng vào việc quản lý và công tác chuyên môn. Nổi bật là các đề tài: khảo sát kiến thức người bệnh về các bệnh mãn tính; sáng kiến cải tiến quy trình khám bệnh, cấp phát thuốc; nghiên cứu và ứng dụng về điều trị đau mãn tính, đẻ không đau; điều trị thoái hóa cột sống bằng phương pháp không dùng thuốc;.... Bác sĩ Lê Văn Đạt, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, cho biết: "Đối với cá nhân, tập thể có sáng kiến chúng tôi đều khen thưởng. Dù phần thưởng có giá trị không lớn nhưng đây thật sự là nguồn động viên, khích lệ đoàn viên ngày càng có nhiều đóng góp hơn nữa. Bên cạnh đó, BCH Công đoàn bệnh viện cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền nhằm đảm bảo nghiên cứu khoa học phải gắn liền với hoạt động của đơn vị. Nhờ vậy, các nghiên cứu khoa học đã có chiều sâu và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho đơn vị”. Các đơn vị khác của ngành y tế cũng có nhiều cá nhân say mê nghiên cứu khoa học và áp dụng những kỹ thuật mới trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Điển hình như các đề tài: "Gây tê tủy sống với bupi vacaine tăng trọng trong mổ vùng hậu môn trực tràng" của Thạc sĩ Vũ Văn Kim Long, Bí thư Đoàn khoa y Trường Đại học Y Dược Cần Thơ; đề tài "Bước đầu đánh giá kỹ thuật khoét chũm tiệt căn và chỉnh hình ống tai kiểu "trâu lá đa"" của Bác sĩ Chuyên khoa I Hồ Lê Hoài Nhân, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ... Các đề tài trên đã góp phần quan trọng trong việc rút ngắn thời gian phẫu thuật, tiết kiệm chi phí điều trị cho bệnh nhân.

Đồng hành với nông dân

Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, phong trào "Lao động sáng tạo" đã được triển khai hướng vào nghiên cứu các đề tài bám sát thực tế công việc hàng ngày của đơn vị, giúp nông dân nâng cao năng suất.

Qua 5 năm, đã xuất hiện nhiều gương điển hình như đồng chí Lê Ngọc Diện, Phó Chi cục trưởng, Chủ tịch Công đoàn Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ. Với tinh thần luôn nêu cao tấm gương trong phong trào "Lao động sáng tạo". Hàng năm, đồng chí đều thực hiện một đề tài hoặc dự án. Tiêu biểu như các đề tài: Đánh giá và đề ra biện pháp quản lý, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản ở Cần Thơ; hướng dẫn thực hiện quy phạm thực hành sản xuất tốt trong nuôi cá tra ở Việt Nam (VietGAP) cho các hộ nuôi cá tra xuất khẩu;... Đồng chí Lê Ngọc Diện chia sẻ: "Khi đề xuất các đề tài, dự án, tôi luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện về thời gian và nhân lực của cơ quan, đơn vị. Tôi cũng được sự giúp đỡ của các sở, ngành và các viện, trường... Ngoài ra, các chính sách khen thưởng của đơn vị, cơ quan chủ quản cũng là nguồn động viên quý báu để bản thân tôi phấn đấu, khắc phục khó khăn để hoàn thành các đề tài, dự án một cách tốt nhất". Thạc sĩ Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cũng là một trong những cá nhân có những đề tài thiết thực, đem lại hiệu quả kinh tế khá lớn cho TP Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL như: đề tài "Biện pháp "né rầy" và "ôm nước" phòng chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa". Tại Cần Thơ, nhờ áp dụng biện pháp này mà 92.000 ha lúa đông xuân đã tiết kiệm chi phí phun thuốc trừ rầy nâu 2-5 lần /1 vụ (150 ngàn đồng/lần phun). Như vậy, mỗi héc ta lúa đã tiết kiệm chi phí từ 300-750 ngàn đồng, tiết kiệm cho xã hội từ 15-37,5 tỉ đồng. Đề tài "Ảnh hưởng của màng phủ đến tiểu môi trường, bù lạch rầy mềm, sự sinh trưởng và phẩm chất dưa leo - dưa hấu ở vùng ĐBSCL" của Tiến sĩ Trần Thu Ba, giảng viên Khoa Nông nghiệp-sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ cũng làm lợi cho nông dân trên 25 tỉ đồng/năm...

Khắc phục hạn chế, đẩy mạnh thi đua lao động sáng tạo

Theo đánh giá của Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố, kết quả được của phong trào "Lao động sáng tạo" trong cán bộ CNVCLĐ 5 năm qua là vô cùng to lớn, góp phần đáng kể vào quá trình xây dựng và phát triển thành phố. Tuy nhiên, phong trào vẫn phát triển chưa đều, chưa rộng khắp mà chỉ tập trung ở một số cơ quan, đơn vị có sự quan tâm của lãnh đạo; các gương lao động sáng tạo còn tập trung nhiều ở cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, lao động trực tiếp chưa phát huy được vai trò trong phong trào này; công tác khen thưởng cá nhân, tập thể và nhân rộng các mô hình còn yếu;... Ông Nguyễn Văn Sanh, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố, cho biết: "Nguyên nhân của những hạn chế trên là do cấp ủy, lãnh đạo một số nơi chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của phong trào "Lao động sáng tạo" trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn ở từng cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ thi đua - khen thưởng ở nhiều đơn vị chủ yếu là kiêm nhiệm nên chuyên môn chưa cao, từ đó chưa thể phát hiện, phát huy những đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm đưa phong trào thi đua này phát triển liên tục, rộng khắp...".

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm phong trào "Lao động sáng tạo" trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) giai đoạn 2007-2012 do LĐLĐ TP Cần Thơ tổ chức mới đây, đồng chí Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND thành phố, đề nghị: Thời gian tới, Công đoàn các cấp cần gắn lao động sáng tạo với nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các lĩnh vực sản xuất; cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần nhận thức phong trào thi đua "Lao động sáng tạo" là một phần không thể thiếu trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chính trị để từ đó có chế độ khen thưởng kịp thời, động viên cán bộ CNVCLĐ. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành cần làm tốt công tác sơ kết, tổng kết phong trào theo từng thời điểm nhằm phát hiện, nhân rộng các điển hình, mô hình tiêu biểu...

Bài, ảnh: PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết