Trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL tại TP Cần Thơ năm 2024 (Tuần lễ Du lịch - Thương mại) và Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng lần thứ VIII (Ngày hội) đang diễn ra, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm giá trị truyền thống tiếp tục được tổ chức trong ngày 1-12, thu hút đông đảo du khách gần xa.
Tiết mục hòa tấu do Ban ÐCTT TP Cần Thơ, Nhà hát Tây Ðô biểu diễn và Vũ đoàn Sen minh họa mở màn cho chương trình giao lưu. Ảnh: LỆ THU
► Sáng 1-12, trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội đã diễn ra chương trình giới thiệu Lễ Tống phong tại Miếu Bà Xóm Chài (phường Hưng Phú, quận Cái Răng).
Ban tế tự Miếu Bà Xóm Chài đã thực hiện nghi thức thắp hương Bà Chúa Xứ, Bà Vạn Ban Ngũ Hành, bàn thờ Hội đồng, Tả ban, Hữu ban… sau đó tái hiện cuộc diễu hành trên sông nước.
Tái hiện cuộc diễu hành trên sông nước. Ảnh: DUY KHÔI
Lễ Tống phong, hay còn gọi là Tống ôn, Tống gió, tại Miếu Bà Xóm Chài diễn ra từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch hằng năm, với mục đích cầu bình an.
Nghi thức quan trọng của lễ Tống phong là tống bè thủy lục, biểu thị cho việc tống khứ bệnh dịch, điều không may trôi theo dòng nước và cầu mong mọi điều tốt lành trong năm mới.
► Tối 1-12, tại công viên Sông Hậu diễn ra chương trình giao lưu Ðờn ca tài tử (ÐCTT) Nam bộ giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ÐBSCL.
Chương trình do Sở Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch TP Cần Thơ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức. Ðây là hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch - Thương mại.
Tham gia chương trình có các đoàn nghệ nhân ÐCTT đến từ các đơn vị: Nhà hát Tây Ðô, Ban ÐCTT TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, tỉnh An Giang, tỉnh Ðồng Tháp, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Bến Tre.
Ban nhạc ĐCTT trong chương trình giao lưu. Ảnh: Lệ Thu
Các đơn vị trình diễn các bài bản của ÐCTT, trích đoạn cải lương thể hiện nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Tiêu biểu như Ban ÐCTT tỉnh Bạc Liêu thể hiện bản “Dạ cổ hoài lang” của cố soạn giả Cao Văn Lầu; Ban ÐCTT tỉnh Ðồng Tháp trình diễn thể điệu Liên Nam “Ðẹp lắm những đời sen”; Ban ÐCTT tỉnh An Giang thể hiện tiết mục ca ra bộ theo thể điệu Cổ bản “Vui Như Tết; Ban ÐCTT tỉnh Bến Tre với bài vọng cổ nhịp 32 “Miền Tây tình đất, tình người”; Nhà hát Tây Ðô với trích đoạn cải lương: “Võ Ðông Sơ - Bạch Thu Hà” của cố Soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền; Ban ÐCTT TP Cần Thơ với liên khúc dân ca “Ðẹp lắm Cầm Thi giang”; riêng Ban ÐCTT TP Hồ Chí Minh mang đến 5 tiết mục với nhiều đề tài phong phú…
Qua các bài bản, thể điệu, tiết mục đờn, ca ý nghĩa, khán giả hiểu hơn về loại hình nghệ thuật truyền thống ÐCTT Nam Bộ và trải nghiệm những địa danh du lịch của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ÐBSCL.
► Sáng 1-12, tại rạch Khai Luông, đã diễn ra Giải vô địch Ðua ghe Ngo TP Cần Thơ năm 2024. Giải do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức, chào mừng Tuần lễ Du lịch - Thương mại.
Các đội tranh tài. Ảnh: Ngọc Thoại
Tham gia giải năm nay có trên 200 VÐV đại diện 8 chùa Khmer tại TP Cần Thơ, 5 Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền Thanh các quận huyện Cờ Ðỏ, Phong Ðiền, Ninh Kiều, Bình Thủy, Thốt Nốt. Các VÐV tham gia cự ly 500m nam. Sau nhiều giờ tranh tài sôi nổi, giải Nhất thuộc về đơn vị huyện Phong Ðiền, giải Nhì thuộc về đơn vị chùa Pitu Khôsa Răngsây và đơn vị quận Thốt Nốt đạt giải Ba.
► Tối 1-12, vòng chung kết Hội thi Nét đẹp Áo bà ba xưa và nay năm 2024 diễn ra tại Ðiểm dừng chân chợ nổi Cái Răng (số 17/2 đường Võ Tánh, phường Lê Bình, quận Cái Răng). Ðây là một trong những hoạt động điểm nhấn của Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng lần thứ VIII.
Năm nay, hội thi chia làm 3 bảng: A1 (thí sinh nữ từ đủ 16 đến 30 tuổi), A2 (thí sinh nữ từ 31 tuổi trở lên) và B (thí sinh nam từ đủ 16 tuổi trở lên). Vòng sơ khảo có 94 thí sinh, vòng chung kết có 39 thí sinh dự thi.
Ban tổ chức trao các giải: Ðại sứ Áo bà ba xưa và nay lần 2 năm 2024; giải Nhất, Nhì và Ba cho mỗi bảng A1, A2 và B. Ðồng thời trao các giải phụ: Trình diễn trang phục áo bà ba đẹp, Ảnh đẹp, Phong cách, Ấn tượng... đến các thí sinh ở từng bảng A1, A2 và B.
NHóm PV