08/10/2022 - 12:00

Số hóa trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp 

Thực hiện Quyết định số 2222/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 2222/QĐ-TTg), các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở TP Cần Thơ đầu tư các nguồn lực nhằm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản trị, đào tạo, tuyển sinh... Từ đó bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Tín hiệu tích cực

Thí sinh được hướng dẫn xác nhận trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ theo hình thức trực tuyến.

Thí sinh được hướng dẫn xác nhận trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ theo hình thức trực tuyến.

Có con trai trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ năm 2022, ông Nguyễn Hoàng Quân (quận Ninh Kiều,  TP Cần Thơ) lập tức làm thủ tục xác nhận nhập học cho con. Ông cho biết việc làm các thủ tục không còn mất quá nhiều thời gian như trước, vì chỉ cần truy cập vào website tuyển sinh của trường là có thể hoàn tất nhanh chóng. “Trường có bố trí một số máy vi tính ở sảnh trước Phòng Quản lý đào tạo, có cán bộ, sinh viên tình nguyện hỗ trợ thí sinh khi gặp khó khăn trong lúc xác nhận thủ tục nhập học online”, ông Nguyễn Hoàng Quân nói.

Ðó là một trong các phần mềm tuyển sinh, quản lý, dạy và học trực tuyến do Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ thực hiện vài năm qua. Theo ông Phạm Thanh Phong, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, từ năm 2021 phòng phụ trách lập website tuyển sinh online; năm nay tiếp tục cập nhật phiên bản mới. Chỉ cần vào hệ thống, người làm công tác tuyển sinh biết được thí sinh trúng tuyển và tiến độ xác nhận nhập học; đảm bảo nhanh, chính xác, tiết kiệm thời gian... Mặt khác, trường đã thành lập Tổ Kỹ thuật - Truyền thông - Cải cách, với nhiệm vụ hỗ trợ các phòng, khoa, trung tâm thực hiện CĐS và số hóa dữ liệu chuyên môn. Ông Phạm Thanh Phong cho biết: “Trước đây, trường đã ứng dụng công nghệ thông tin vào một số hoạt động. Sau khi có Quyết định số 2222/QĐ-TTg, nhà trường càng đẩy mạnh các hoạt động CĐS, tạo khí thế làm việc sôi nổi khi ứng dụng công nghệ vào quản lý, đào tạo, tuyển sinh…”. Bước đầu thực hiện CĐS một số hoạt động tại trường, đã mang lại hiệu quả tích cực, phù hợp với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trên thực tế, các cơ sở giáo dục ở Cần Thơ đã ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, dạy và học, tuyển sinh… trong nhiều năm qua. Đơn cử ở Trường Cao đẳng Cần Thơ, Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ… việc ứng dụng CĐS được thực hiện rõ nét ở thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp năm 2021, khi mà học sinh, sinh viên tạm ngừng đến trường, nhưng không dừng việc học. Các đơn vị đã chuyển đổi sang hình thức tổ chức dạy - học và tuyển sinh trực tuyến. Ngày 30-12-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2222/QĐ-TTg, các đơn vị thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động này.

Ông Ðặng Ðại Cuộc, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, cho biết trường đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyển sinh qua nền tảng mạng xã hội, website tuyển sinh của trường; dạy và học trực tuyến, quản lý hồ sơ của sinh viên… “Từ đầu năm 2022 đến nay, kể từ sau khi có Quyết định số 2222/QĐ-TTg, hoạt động CĐS phát triển mạnh mẽ hơn; qua đó giúp công tác quản trị, giảng dạy thuận lợi hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo”, ông Đặng Đại Cuộc nói. Hiện với quy mô khoảng 800 học sinh, sinh viên; 42 cán bộ, giảng viên, người lao động, Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ xử lý các hoạt động văn bản hành chính trên môi trường mạng; số hóa hồ sơ của người dạy và người học...

Thúc đẩy chuyển đổi số

Trong Quyết định số 2222/QĐ-TTg, phấn đấu đến năm 2030 đạt các mục tiêu như 100% nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số; 100% nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo phát triển học liệu số; 100% trường cao đẳng, trường trung cấp có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia; 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp số hóa quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng giáo dục nghề nghiệp của người học và kết nối, tích hợp dữ liệu lên môi trường số;…

Năm 2022, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ xác định là năm CÐS mạnh mẽ toàn ngành. Bên cạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức đội ngũ công chức, viên chức, người lao động về CÐS, ngành chuẩn bị các điều kiện thực hiện CĐS ở nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, ngành triển khai đến các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn, cập nhật, khai thác phần mềm CSDL giáo dục nghề nghiệp, thực hiện chương trình đào tạo nghề gắn với công nghệ số…

TP Cần Thơ hiện có 21 trường cao đẳng, trung cấp và mỗi đơn vị thực hiện CĐS phù hợp thực tế. Theo ông Ðặng Ðại Cuộc, định hướng phát triển của trường đến năm 2025 là “Trường học số”. Tuy nhiên, việc CĐS ở trường hiện tập trung nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên về CĐS; lồng ghép CĐS theo xu hướng phát triển chung của ngành Du lịch; điều chỉnh, bổ sung vào chương trình đào tạo. Để thực hiện CĐS hiệu quả, cần có nhân lực và cơ sở hạ tầng tốt. Trong khi đó, năng lực đội ngũ vẫn còn hạn chế; cơ sở hạ tầng, kinh phí phục vụ CĐS chưa đáp ứng yêu cầu. Ông Đặng Đại Cuộc đề xuất: “Các bộ, ngành trung ương và địa phương cần tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên tiếp cận học tập, nâng cao trình độ để đủ năng lực CĐS. Tạo cơ chế chính sách liên quan đến kinh phí, đãi ngộ để thu hút cán bộ giỏi công nghệ thông tin công tác ở trường”.

Theo lãnh đạo Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, sự đồng thuận và nỗ lực tự đào tạo đáp ứng CÐS của cán bộ, giảng viên là một trong những yếu tố góp phần CÐS tại trường. Hiện nhà trường gần như không còn sử dụng văn bản giấy (trừ hồ sơ lưu trữ theo quy định); việc quản lý hồ sơ của học sinh, sinh viên đã được số hóa song song với lưu trữ truyền thống. Ông Lê Hoàng Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường đã có nghị quyết về tăng cường ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, số hóa trong công tác quản lý, dạy và học. Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ trường nhiệm kỳ 2020-2025 có 3 chủ đề đột phá, trong đó thực hiện có hiệu quả mô hình KOSEN, 5S và ứng dụng công nghệ 4.0. Các khoa chuyên môn triển khai các phần mềm dạy và học trực tuyến, tổ chức biên soạn, thành lập ngân hàng đề thi, giáo án điện tử, giáo trình, tài liệu tham khảo… Tới đây, trường tăng cường CÐS 100% ở tất cả hoạt động; tổ chức liên thông cải cách hành chính và bộ phận một cửa 100% ở các khoa, phòng.

*  *  *

CÐS là xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, hướng đến hội nhập quốc tế. Theo lãnh đạo các trường, để CÐS thành công đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nhận thức, sự đồng thuận, nỗ lực của tập thể, cá nhân trong ứng dụng nền tảng công nghệ số; phải đi đầu trong đổi mới, thực hiện CÐS. Bên cạnh đó, các trường rất cần sự đầu tư, hỗ trợ từ trung ương, địa phương để đảm bảo nhân lực, cơ sở hạ tầng phục vụ thực hiện CÐS.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết