Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố đã thực hiện có hiệu quả các giao dịch điện tử, chữ ký số, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC); đồng thời, tuân thủ quy định, quy trình tiếp nhận, xử lý, phát hành, quản lý và lưu trữ văn bản điện tử trên các phần mềm quản lý chuyên dụng... Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước dựa trên môi trường số, giúp việc chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo được nhanh chóng, thuận lợi, tăng cường sự công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp.
Tạo thuận lợi cho người dân

Các chuyên viên thuộc Sở tham gia Hội thi đánh giá năng lực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của công chức, viên chức Ngành LĐ-TB&XH TP Cần Thơ năm 2022.
Theo Sở LĐ-TB&XH thành phố, từ đầu năm đến nay, Sở đã giải quyết 60.689 hồ sơ hành chính đúng và trước hạn, không có hồ sơ quá hạn. Có 7.422 hồ sơ đang giải quyết chưa đến hạn. Có 396/540 hồ sơ được Sở tiếp nhận và trả kết quả qua cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Qua đó, giúp việc giải quyết TTHC được thông suốt, minh bạch, quy trình đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí,... tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân. Bà Nguyễn Hồng Thy ngụ quận Bình Thủy, chia sẻ: “Gần đây, việc thực hiện TTHC chủ yếu trên môi trường mạng, rất thuận lợi. Điển hình như thủ tục hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do đại dịch COVID-19 được triển khai dịch vụ công mức độ 4. Đại diện doanh nghiệp chỉ cần thực hiện hồ sơ trên môi trường mạng, vừa tiết kiệm thời gian, vừa công khai minh bạch”. Ông Nguyễn Thành Đạt ngụ phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, kể: “Tôi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ để nhận trợ cấp thất nghiệp và tìm việc làm mới. Chỉ cần bấm số, chờ đến lượt, cán bộ tiếp nhận hồ sơ, thực hiện hồ sơ, sau đó là nhận kết quả. Tôi chỉ mất khoảng 15 phút là đã hoàn thành thủ tục”.
Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố, cho biết: “Sở đã kịp thời triển khai sâu rộng các kế hoạch về cải cách hành chính của thành phố đến các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở. Từ đó, đảm bảo tính kịp thời, khả thi, phù hợp với nội dung và quy định của văn bản quy phạm pháp luật. Việc tổ chức, chỉ đạo triển khai cải cách hành chính luôn được thực hiện thường xuyên, liên tục và toàn diện. Sở đã tổ chức tập huấn cho hơn 220 đảng viên, công chức, người lao động của ngành về các văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước ban hành trong thời gian qua, gắn với việc hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được cấp trên phân công. Việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức cũng được đơn vị quan tâm thực hiện thông qua phần mềm lấy ý kiến do thành phố ban hành”.
Ứng dụng công nghệ thông tin
Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số là một trong những khâu có tính đột phá, tạo sự thay đổi quan trọng trong nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý về vai trò và tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong hoạt động lãnh đạo, điều hành. Để đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng và trình độ ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành tại Sở và các đơn vị trực thuộc, Sở LĐ-TB&XH thành phố đã tổ chức hội thi đánh giá năng lực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của công chức, viên chức trong ngành. Ông Nguyễn Thanh Hòa, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy TP Cần Thơ, Trưởng Ban tổ chức hội thi, cho biết: “Hội thi có tác dụng tích cực trong việc tổ chức, động viên công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở tham gia tìm hiểu, học tập, nâng cao kiến thức và kỹ năng ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Kết quả, cán bộ, công chức, viên chức dự thi đều đạt yêu cầu”.
Bà Trần Thị Thùy Linh, chuyên viên Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ, đạt giải Nhất trong phần thi đối với chuyên viên, chia sẻ: “Hội thi đã giúp tôi rút ra nhiều kinh nghiệm về việc ứng dụng CNTT trong hoạt động thực tế tại đơn vị, như: ứng dụng phần mềm một cửa điện tử, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến... Phần câu hỏi về vấn đề quan trọng trong giải pháp cải cách hành chính, cá nhân tôi cho rằng việc ứng dụng CNTT, ngoài nỗ lực chung của ngành thì công tác tuyên truyền là một trong những vấn đề quan trọng. Khi người dân hiểu và chủ động thực hiện thì công tác số hóa sẽ thuận lợi hơn”.
Theo bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thời gian tới, Sở tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch cải cách hành chính năm 2022; thường xuyên nhắc nhở việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính tại Sở và các đơn vị trực thuộc; kiểm tra cải cách hành chính tại các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc. Bên cạnh đó, đẩy mạnh số hóa kết quả giải quyết TTHC; phối hợp thực hiện chia sẻ dữ liệu về dân cư theo quy định. Đồng thời, tiếp tục thông tin tuyên truyền việc ứng dụng thực hiện dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4, nhằm cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công; kiện toàn các đơn vị sự nghiệp sau khi được UBND thành phố phê duyệt.
Bài, ảnh: Hoàng Yến