14/10/2019 - 08:47

Siết chặt BHXH bắt buộc trên địa bàn TP Cần Thơ
Bài 2: Vì quyền lợi chính đáng người lao động 

Có thể thấy, bảo hiểm xã hội (BHXH) là một chính sách an sinh thiết thực cho đất nước, là chỗ dựa vững chắc cho người dân trước nhiều rủi ro trong cuộc sống, nhất là giai đoạn tuổi già. Tuy nhiên, ngành BHXH TP Cần Thơ vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn cần được tháo gỡ trong thời gian tới.

Nhiều nguyên nhân dẫn tới “chây ỳ”, kéo dài nợ BHXH

Ông Nguyễn Minh Thắng (53 tuổi) ngụ huyện Phong Điền, vừa xảy ra tai nạn lao động, gặp khó về chi phí chữa trị thương tật. Mặc dù ông có thời gian lao động ở công ty Y, quận Cái Răng hơn 10 năm nhưng ông không được tham gia BHXH và các chế độ liên quan, ngay cả BHYT cũng không có. Đến khi xảy ra sự cố, ông không được hưởng các quyền lợi đáng lẽ phải có nếu được tham gia BHXH. Ông Thắng nói: “Nhiều năm qua, khi khỏe mạnh, tôi không để ý việc công ty có tham gia BHXH hay không, chỉ quan tâm nhận đủ tiền công làm hàng ngày. Bây giờ khi mất sức lao động, không làm việc được, mới thấy thiệt thòi khi không có tham gia BHXH”. Đó là một trong nhiều trường hợp người lao động phải đối mặt với muôn vàn rủi ro trong cuộc sống khi không được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Tham gia BHXH bắt buộc là trách nhiệm của cả doanh nghiệp và người lao động. Trong ảnh: Xưởng sản xuất của Công ty TNHH Kwong Lung, nơi có khoảng 800 lao động đang làm việc tại đây.

Trên thực tế, pháp luật có quy định cụ thể doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên thì phải tham gia BHXH cho người lao động. Từ quy định này, các đơn vị tìm cách lách luật, chỉ ký hợp đồng với người lao động làm việc trong thời gian 28, 29 ngày, sau đó thỏa thuận để khỏi phải đóng BHXH. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn khai ít số lượng lao động để trốn đóng BHXH. Bộ luật Hình sự 2015 có hẳn tội danh về trốn đóng BHXH nhưng trước giờ trên địa bàn TP Cần Thơ chưa có doanh nghiệp nào bị xét xử về tội danh này. Các đơn vị chỉ bị xử lý hành chính là chủ yếu nên doanh nghiệp trở nên chây ỳ, kéo dài nợ năm này sang năm khác. Chỉ khi cơ quan chức năng chuẩn bị thanh tra, khởi kiện thì mới đóng một phần, rồi lại nợ tiếp tục.

Một nguyên nhân khác nữa “tiếp tay” cho việc trốn đóng BHXH là ý thức của chính người lao động. Họ không quan tâm chủ sử dụng lao động có tham gia BHXH cho mình không; không hiểu hết lợi ích thiết thực của chính sách BHXH cần thiết trong lúc ốm đau, tai nạn hay lương hưu khi đã hết tuổi lao động. Một số người lao động lại không muốn đóng BHXH mà muốn nhận toàn bộ tiền công được hưởng hàng tháng vì nghĩ mình làm không lâu dài, đóng tiền về sau chưa chắc lãnh được, làm bao nhiêu lãnh bao nhiêu cho chắc.

Ngành chức năng đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động, thanh kiểm tra việc chấp hành đóng BHXH tại các doanh nghiệp, tuy nhiên chưa làm hết trách nhiệm. Lãnh đạo BHXH một địa phương bộc bạch, khó khăn chung là do thành phố chưa siết chặt công tác thu BHXH, chưa giao chỉ tiêu về thu BHXH cho từng địa phương, nên địa phương nào thu bao nhiêu được bấy nhiêu. Nếu tăng chỉ tiêu thì BHXH địa phương chỉ đăng ký mức thu vừa sức, vì đăng ký chỉ tiêu cao mà thu không đạt, lại ảnh hưởng kết quả thi đua cả năm của đơn vị. Gần đây, Chính phủ mới giao chỉ tiêu BHXH cụ thể, thì các địa phương mới bắt đầu tăng tốc. Bên cạnh đó, công tác phối hợp chưa chặt chẽ giữa cơ quan BHXH và các ngành liên quan. Trong khi đó, ngành BHXH khó lòng quản lý hiệu quả công tác tham gia BHXH, cũng như thanh kiểm tra, xử lý vi phạm của các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH.

Trốn đóng, nợ đọng BHXH là hành vi vi phạm pháp luật được quy định cụ thể trong bộ luật, luật, nghị định nhưng công tác xử phạt còn nhiều vướng mắc, khó thực hiện. Cụ thể, như việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH trước đây giao cơ quan BHXH phụ trách khởi kiện nhưng hiện nay lại giao tổ chức công đoàn khởi kiện.

Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Trưởng Phòng Chính sách - pháp luật Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ, cho biết: Vai trò Công đoàn được quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, được quy định trong Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Tố tụng dân sự. Tổng liên đoàn cũng ban hành hướng dẫn 995/HD-TLĐ về công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể. Tuy nhiên, quá trình thực hiện thiếu sự đồng nhất giữa các luật. Ví dụ có quy định, Công đoàn muốn đại diện khởi kiện doanh nghiệp thì tất cả người lao động phải ký tên ủy quyền cho Công đoàn. Điều này làm khó cho Công đoàn nếu doanh nghiệp có số lượng lao động lớn. Thêm nữa, cán bộ công đoàn cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm, hưởng lương từ doanh nghiệp. Bản thân họ cũng không mạnh dạn khởi kiện doanh nghiệp. Đây không chỉ là khó khăn riêng tại thành phố Cần Thơ mà còn là khó khăn chung ở các địa phương trong cả nước.

Những chuyển biến đáng ghi nhận

Theo đánh giá của ngành chức năng, các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài đóng trên địa bàn thành phố rất ít xảy ra tình trạng nợ, hay trốn đóng BHXH mà vấn đề tiêu cực này chỉ chủ yếu xảy ra đối với doanh nghiệp trong nước. Điều này được lý giải vì doanh nghiệp nước ngoài khi đăng ký kinh doanh tại Việt Nam thì họ đã có tiềm lực vững chắc về vốn đầu tư; đồng thời, tuân thủ nghiêm pháp luật nước sở tại. Còn doanh nghiệp trong nước, mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi nhưng tình hình sản xuất kinh doanh cũng có lúc gặp khó khăn, nhất là về vốn. Tình hình tài chính doanh nghiệp không ổn định là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH. Theo ông Tạ Minh Phúc Khương, Phó Trưởng Phòng Lao động - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, thành phố có gần 9.000 doanh nghiệp nhưng có đến 96% doanh nghiệp vừa và nhỏ, có dưới 100 lao động, với nhiều lao động phổ thông.

Một trong những đơn vị luôn đặt quyền lợi của người lao động lên hàng đầu, Công ty TNHH Kwong Lung, ở quận Ô Môn,  đã thu hút được số lượng lớn công nhân địa phương đến làm việc ổn định. Ông Zhan Chun Jin - Đại diện Tổng Giám đốc cho biết: Hiện công ty ký kết hợp đồng với khoảng 800 công nhân và đảm bảo cho họ đầy đủ các quyền lợi về BHXH. Công ty có nhiều giao dịch đơn hàng với nước ngoài, đối tác của chúng tôi rất tôn trọng quyền lợi của người lao động. Nếu công ty vi phạm đến quyền lợi của công nhân thì họ sẽ hủy hợp đồng và mất cơ hội hợp tác về sau. Chính vì vậy, ngay khi nhận công nhân vào làm 6 ngày thì công ty ký hợp đồng. Những công nhân chưa có tay nghề sẽ được đào tạo, sau đó ký hợp đồng. Khi người lao động muốn chuyển công ty hoặc nghỉ việc, họ báo trước 30- 45 ngày thì phòng nhân sự sẽ hướng dẫn công nhân các thủ tục để được hưởng chế độ của BHXH đầy đủ theo quy định.

Người lao động khi được tham gia BHXH, sẽ được hưởng nhiều chế độ, không phải chi trả số tiền lớn khi điều trị bệnh hoặc an tâm về thu nhập khi đã hết tuổi lao động. Bà Nguyễn Thị Ba, 62 tuổi, ngụ quận Bình Thủy, chia sẻ: “Trước đây, tôi làm công nhân may cho một công ty ở quận Bình Thủy. Tại đây tôi được ký hợp đồng, công ty có đóng đầy đủ BHXH cho tôi. Đến nay, khi không còn làm việc nữa, hàng tháng tôi vẫn nhận lương chi trả từ BHXH, từ đó cuộc sống ổn định, đỡ vất vả tuổi xế chiều”.

Theo ông Trần Văn Minh, Giám đốc BHXH TP Cần Thơ, thời gian qua, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH được đảm bảo, giải quyết hàng triệu lượt người được thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Đó là nhờ vào việc thực hiện Luật BHXH, BHYT và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính sách BHXH, BHYT. Tiếp theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố có Chương trình hành động số 31 để thực hiện Nghị quyết 21 và UBND thành phố có kế hoạch số 36 để cụ thể hóa tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố đến các sở, ban ngành, cấp ủy Đảng chính quyền các cấp, đến cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Trong chỉ đạo để có tính tập trung, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện BHYT, BHXH. 5 năm qua, việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện của thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu giao hàng năm. Cụ thể, năm 2015 tổng số người tham gia BHXH bắt buộc gần 105.000  người, đạt 100,22% chỉ tiêu được giao. Hàng năm, số người tham gia BHXH bắt buộc càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tính đến tháng 9-2019, số người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn thành phố Cần Thơ có hơn 125.000 người, tăng hơn 20 nghìn người so với năm 2015.

YẾN- SƯƠNG

Bài cuối: Hướng đến BHXH toàn dân

Chia sẻ bài viết