15/06/2018 - 07:01

Sẽ có hội nghị thượng đỉnh Nhật - Triều? 

Trích nguồn tin từ một số quan chức cấp cao Nhật Bản, tờ Sankei Shimbun cho biết Tokyo đang xúc tiến kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Bình Nhưỡng sau thông tin lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un sẵn sàng đàm phán với Thủ tướng Shinzo Abe.

Thủ tướng Abe (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: New Daily
Thủ tướng Abe (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: New Daily

Tờ Sankei cho biết, ông Kim Jong-un đã nhắc đến cuộc gặp tiềm năng với lãnh đạo Nhật Bản trong cuộc hội đàm lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 12-6 tại Singapore. Ý định của ông Kim đã được chuyển đến Chính phủ Nhật Bản thông qua các kênh chính quyền Mỹ. Trước đây, Thủ tướng Abe cũng từng tuyên bố có thể gặp ông Kim để giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc trong những năm 1970 và 1980.

Theo tờ Yomiuri Shimbun, Tokyo đang cân nhắc hai khả năng, hoặc Thủ tướng Abe sẽ đến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 8 hoặc hai nhà lãnh đạo có thể gặp nhau bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông tổ chức tại Nga vào tháng 9. Một số nguồn tin tiết lộ, các quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản có kế hoạch thảo luận với giới chức Triều Tiên tại hội nghị an ninh quốc tế ở Mông Cổ trong tuần này.

Vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc từ lâu là “cái gai” trong quan hệ vốn căng thẳng giữa hai nước. Theo Yomiuri, Tokyo vẫn giữ các kênh liên lạc bí mật với Bình Nhưỡng để tìm cách giải quyết vấn đề này. Trước thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ -Triều, Thủ tướng Abe và nội các cũng nhiều lần đề nghị Tổng thống Trump nêu vấn đề công dân Nhật trong các cuộc họp với ông Kim Jong-un.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 12-6, Tổng thống Trump cho biết đã đề cập chi tiết trên với lãnh đạo Triều Tiên. Ông Trump cũng nói rõ Bình Nhưỡng phải đàm phán với Tokyo nếu muốn được giúp đỡ về kinh tế. Theo đó, Nhật Bản không sẵn sàng hỗ trợ cho đến khi Bình Nhưỡng giải quyết vấn đề công dân nước này bị bắt cóc.

Đa số dân Mỹ ủng hộ cách tiếp cận Triều Tiên của ông Trump

 

Hàn-Triều đàm phán quân sự

Hãng tin Yonhap cho biết Hàn Quốc và Triều Tiên hôm 14-6 đã khởi động các cuộc đàm phán quân sự cấp cao tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Đây là cuộc đàm phán quân sự đầu tiên kể từ khi hai bên gặp nhau vào tháng 12-2007. Kết thúc cuộc đàm phán, hai miền Triều Tiên nhất trí khôi phục hoàn toàn các đường dây liên lạc quân sự dọc các khu vực phía Đông và phía Tây hai nước. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ, Nhật Bản và nước chủ nhà Hàn Quốc đã có cuộc họp tại Seoul để thảo luận chi tiết kết quả cuộc họp thượng đỉnh Trump–Kim.

Trong khi đó, kết quả khảo sát được Reuters/Ipsos công bố hôm 14-6 cho thấy  51% người được hỏi tán thành cách Tổng thống Trump giải quyết vấn đề Triều Tiên, dù chỉ ¼ nghĩ rằng thượng đỉnh tại Singapore sẽ dẫn tới kết quả giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Có 26% ý kiến nói rằng Mỹ và Triều Tiên sẽ thực thi các cam kết của mình, trong khi 34% khác không rõ hai nước tuân thủ hay không. Ngoài ra, 39% tin tưởng hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim giảm mối đe dọa chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ với quốc gia Đông Bắc Á và hơn 37% không tin cuộc gặp này thay đổi bất cứ điều gì.

Cuộc thăm dò ý kiến phần nào cho thấy vị tổng thống đảng Cộng hòa nhận được ủng hộ rộng rãi cho một trong những nỗ lực chính sách đối ngoại lớn nhất của ông, bất chấp chỉ trích từ các chuyên gia cho rằng ông chủ Nhà Trắng không đạt được gì nhiều từ Triều Tiên trong cam kết giải trừ kho vũ khí hạt nhân.

Mặt khác, cuộc gặp lịch sử với ông Kim Jong-un cũng đang giúp Tổng thống Trump thu hút thêm nhiều tiếng nói ủng hộ cho đề cử giải Nobel hòa bình. Tuy nhiên, thời hạn cho đề cử năm nay đã kết thúc. Vì vậy, đề cử giải Nobel hòa bình cho ông Trump, nếu có chỉ được tính vào năm sau.  Giải Nobel Hòa bình 2009 đã được trao cho cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vì những nỗ lực phi thường của ông để tăng cường ngoại giao quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết