23/04/2011 - 09:33

Sắt son lời thề giữ biển

Những cán bộ, chiến sĩ ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa chúng tôi đã gặp giống như những cây bàng quả vuông - loài cây luôn sừng sững, hiên ngang trước phong ba, bão táp. Với họ, “đảo là nhà, biển là quê hương” và vì biển, đảo họ sẵn sàng hiến thân mình để khẳng định tình yêu Tổ quốc...

Sức trẻ trên đảo Sinh Tồn

 

Trong nhiều cán bộ, chiến sĩ tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện ở đảo Sinh Tồn, tôi “ấn tượng” với Binh nhất Vũ Xuân Trung (Pháo thủ AGS17 xã đảo Sinh Tồn), ra đảo được 8 tháng. Làn da mặn mòi, mái tóc khét nắng cộng với nụ cười hiền lành của Trung tạo cho tôi cảm giác thật gần gũi. Nụ cười ấy làm tôi nhớ đến nụ cười đầy tự hào của nhiều cán bộ, chiến sĩ mang sứ mệnh giữ đảo vẻ vang mà tôi đã gặp ở các đảo. Nối tiếp truyền thống gia đình (ông nội và cha đều tham gia cách mạng), Trung đã tình nguyện đem sức trẻ phục vụ Tổ quốc. Trung cho biết: “Thái Bình quê em cũng là quê biển nên từ nhỏ em đã gắn bó với sóng nước. Bởi vậy, học xong lớp 12 là em đăng ký tình nguyện ra đảo ngay”. Sau mấy tháng ra đảo, gian nan không chỉ rèn luyện cho Trung trở thành một người lính mạnh khỏe, rắn rỏi mà còn có bản lĩnh vững vàng. Trung kể rằng Trung luôn ghi nhớ lời dặn dò của anh Đinh Trọng Thắm, đảo trưởng kiêm Chủ tịch xã đảo Sinh Tồn, khi Trung mới đặt chân lên đảo: “Lính đảo Trường Sa phải như cây phong ba, cây bão táp. Phải luôn luôn mọc lên, phủ xanh các đảo và vững vàng trong mưa giông, bão tố”. Được phục vụ trong hàng ngũ Hải quân Việt Nam, Xuân Trung tự hào nói: “Theo em, tuổi trẻ thì phải xung kích. Mà xung kích thì phải đến những tuyến đầu, những vùng khó khăn như thế này”.

Sau 8 tháng huấn luyện, Xuân Trung là một trong những chiến sĩ tiêu biểu nhất của đơn vị. Xuân Trung khiêm tốn cho biết: “Xa quê, xa gia đình nhưng cũng nhờ các anh đi trước giáo dục, giúp đỡ em mới trưởng thành như hôm nay. Em sẽ luôn phấn đấu để xứng đáng với sự kỳ vọng của mọi người”. Nhắc đến người chiến sĩ trẻ tâm huyết này, Đại úy Vũ Văn Hương, Chính trị viên, Phó đảo Sinh Tồn, cho biết thêm: “Ngay từ ngày đầu ra đảo, Xuân Trung đã xác định nhiệm vụ gắn bó lâu dài với đảo và luôn nỗ lực phấn đấu trong công tác. Chúng tôi đang tạo điều kiện cho Trung học lớp dự bị đại học thuộc Học viện Hải quân Nha Trang nhằm nâng cao trình độ cũng như tăng cường nguồn nhân lực cho đảo trong tương lai...”.

Gác tình nhà kiên gan bám biển

 

Tính đến nay, Đại úy Tống Ngọc Tùng, Chính trị viên đảo Cô Lin, đã có 16 năm công tác ở các đơn vị thuộc quần đảo Trường Sa. Giọng hiền lành, trầm, ấm, anh Ngọc Tùng cho biết anh sinh ra ở Bắc Giang, lập gia đình ở Cam Ranh nhưng thời gian anh sống trên biển nhiều hơn trên đất liền. Vợ và con gái anh đang sống tại thành phố Cam Ranh. Tuy mỗi năm anh chỉ về phép một lần nhưng tình cảm vợ chồng rất khắn khít. Anh Tùng tâm sự: “Lúc mới quen tôi và bà xã đã tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của nhau nên từ khi kết hôn đến giờ dù ít gặp mặt nhưng chúng tôi luôn động viên nhau yên tâm công tác”.

Xa gia đình nhưng anh Tùng và các cán bộ trên đảo Cô Lin đều chung một quyết tâm, như lời khẳng định chắc nịch của anh: “Khi ra đây, anh em chúng tôi đã chấp nhận hy sinh để giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”. Trong các nơi chúng tôi đi qua, đảo Cô Lin là địa bàn khắc nghiệt và phức tạp hơn cả. Bốn phía xung quanh đảo chỉ có trời và nước. Nơi đây còn là “điểm nóng” của quần đảo Trường Sa, thường có tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển của ta. Công việc mỗi ngày của Đại úy Tống Ngọc Tùng và đồng đội là tuần tra, canh gác, đảm bảo an toàn tuyệt đối khu vực đảm nhiệm và kiểm soát các hoạt động trên không, trên biển; cảnh báo, ngăn chặn tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam. Cách hôm chúng tôi đến thăm đảo ba ngày, cán bộ trên đảo Cô Lin vừa xua đuổi 5 tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam liên tục trong một ngày. Dù gian lao, nguy hiểm nhưng các cán bộ, chiến sĩ nơi đây luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ đảo, giữ biển. Anh Tùng nói: “Chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, ngăn chặn ngay từ đầu những tình huống xâm phạm vùng biển của Tổ quốc để mọi việc không vượt tầm kiểm soát. Mỗi ngày, anh em chúng tôi động viên nhau phát huy truyền thống 23 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của đảo, nhất là phấn đấu để xứng đáng với truyền thống cách mạng vẻ vang cha anh đi trước”.

Hôm chúng tôi ghé thăm đảo đúng vào dịp anh Tùng vừa nhận tin vui từ đất liền: Con gái học lớp 1 của anh vừa được trường chọn đi thi học sinh giỏi. Anh Tùng vui vẻ cho biết: “Hải đảo và đất liền bây giờ gần lắm. Chỉ cần nhấc điện thoại là chúng tôi đã biết tình hình của người thân. Cứ cách hai hôm, vợ chồng, con cái lại “gặp nhau” qua điện thoại, nên nhớ nhung cũng vơi đi”. Những tin vui, sự vững vàng từ hậu phương càng tiếp thêm sức mạnh, quyết tâm cho những người lính trên quần đảo Trường Sa.

Không riêng Đại úy Tống Ngọc Tùng và Binh nhất Vũ Xuân Trung mà đâu đâu tôi cũng thấy một quyết tâm giữ đảo ngời sáng trong mắt các cán bộ, chiến sĩ kiên cường - Những ánh mắt khẳng định lòng trung thành, lời thề sắt son với Tổ quốc: Thà hy sinh chứ không để mất một sải nước, một hòn đá nào của Trường Sa thân yêu!

Bài, ảnh: PHẠM VĂN TRUNG

Chia sẻ bài viết