Năm nay, giá nhiều loại trái cây đã tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước do thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu được đẩy mạnh. Tuy nhiên, không ít loại trái cây vẫn rơi vào tình trạng cung vượt cầu do nông dân phát triển diện tích trồng theo kiểu tự phát, chạy theo phong trào. Để tiêu thụ sản phẩm, nhiều nông dân và tiểu thương phải đưa trái cây xuống đường bán với giá rẻ
Khá dễ dàng bắt gặp những loại trái cây giá rẻ được bày bán trên nhiều tuyến đường ở cả khu vực nội ô và nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện trên địa bàn TP Cần Thơ. Dạo quanh nhiều tuyến đường như: Nguyễn Văn Cừ, Cách mạng Tháng Tám, quốc lộ 91, quốc lộ 91B, đường tỉnh 922, đường tỉnh 923
từng đống dưa hấu hay thanh long được chất cao bên đường với giá bán chỉ 10.000 đồng/3kg, các loại xoài, mận, đu đủ
có giá chỉ 5.000-8.000 đồng/kg.
Dưa hấu có giá 10.000 đồng/3kg tại một điểm bán ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.
Chị Nguyễn Thị Thùy Dương, ngụ xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, là chủ một điểm bán dưa hấu trên tuyến đường nối từ trung tâm huyện đến trung tâm xã Thới Hưng, cho biết: "Khoảng gần 2 tháng nay, nhiều loại dưa hấu có giá khá rẻ chỉ 2.000-4.000 đồng/kg, nhưng nông dân cũng khó tiêu thụ hàng vì thương lái thu mua không kịp do cung có dấu hiệu vượt cầu. Do gia đình sẵn có đất mặt tiền trước lộ, tôi đã lấy dưa hấu của bà con về bán tạo thêm thu nhập cho gia đình và cũng góp phần giúp nông dân tiêu thụ được dưa. Giá các loại dưa hấu được tôi bán lẻ ra chỉ ở mức 3.000-5.000 đồng/kg nên có khá nhiều người dân đến mua. Tôi có thể bán hết 1 tấn dưa hấu chỉ trong 2-3 ngày".
Anh Trần Thanh Tuấn, ngụ ở quận Ô Môn là chủ một điểm bán trái cây trên tuyến quốc lộ 91, cũng cho biết: Anh đã bán dưa hấu trong nhiều tháng qua, với giá bán lẻ nhiều loại dưa hấu chỉ ở mức 10.000 đồng/3kg, thậm chí rẻ hơn. Hiện nay, giá dưa hấu nhích lên khoảng 500-1.000 đồng/kg so với trước nhưng vẫn còn thấp, nhiều nông dân, tiểu thương vẫn phải tiếp tục đưa dưa hấu xuống đường, nơi có đông người qua lại để bán.
Gần đây, nhiều loại trái cây có giá rẻ như xoài, thanh long, ổi, đu đủ, bơ
cũng được nhiều người dân đưa xuống đường để bán. Ông Nguyễn Văn Nhật, ngụ xã Định Môn, huyện Thới Lai, cho biết: "Bước vào thu hoạch rộ, giá nhiều loại xoài đã giảm xuống ở mức rất thấp, nhất là trái xoài giống Đài Loan chuyên để ăn sống được tiểu thương thu mua chỉ còn ở mức 6.000-7.000 đồng/kg. Để tiêu thụ xoài, tôi phải đem ra con lộ trước nhà bán lẻ nhưng bán cũng khá chậm vì đâu đâu cũng có bán loại xoài này với giá khá rẻ". Theo ông Huỳnh Thiện Thi, ngụ xã Tân Thới, huyện Phong Điền, năm nay thời tiết mưa nắng thất thường, nhiều loại sâu bệnh diễn biến phức tạp đã khiến nhiều vườn cây ăn trái cho năng suất thấp nhưng giá bán đầu ra lại khá bấp bênh. Đặc biệt, đối với những loại cây dễ trồng và có thời gian trồng mau cho ăn trái như: đu đủ, dưa hấu, mận, ổi,
có giá bán trong những tháng đầu năm nay khá thấp, nhiều lúc chỉ ở mức 2.000-6.000 đồng/kg do nông dân tại nhiều địa phương tăng diện tích trồng làm cung vượt cầu. Để tiêu thụ sản phẩm, nhiều nông dân và tiểu thương buộc phải đưa hàng xuống đường vì bán ở chợ không kịp, trong khi việc đưa hàng vào siêu thị và kênh tiêu thụ cấp cao còn nhiều vướng mắc.
Nông dân trồng trái cây sẽ rất khó có đầu ra sản phẩm ổn định nếu cứ tiếp tục sản xuất theo kiểu tự phát, chạy theo phong trào, thiếu sự gắn kết với các nhà tiêu thụ cũng như các yêu cầu về số lượng và chất lượng sản phẩm của thị trường. Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần quy hoạch, tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ các loại trái cây một cách phù hợp để đảm bảo cân đối giữa cung và cầu, tránh tình trạng nhiều loại trái cây của nước ta có lúc giá quá cao có lúc giá quá rẻ. Chú ý khuyến cáo, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất những loại trái cây ngon, có tiềm năng xuất khẩu và khả năng bảo quản, chế biến thành những sản phẩm giúp mang lại giá trị gia tăng cao gắn với sự tham gia bao tiêu đầu ra của các doanh nghiệp xuất khẩu. Hạn chế phát triển sản xuất các loại trái cây tiêu thụ chủ yếu dạng thô, khó bảo quản, chế biến và đem tiêu thụ ở xa. Đặc biệt, ngành nông nghiệp, Chính phủ cần có cơ chế chính sách để các địa phương phối hợp chặt trong việc cập nhật liên tục thông tin trên các cổng thông tin điện tử, nhất là thông tin về thị trường và diện tích, sản lượng trồng các loại cây ăn trái cũng như các sản phẩm nông nghiệp nói chung trên phạm vi cả nước để người dân nắm bắt và có hướng sản xuất phù hợp từng thời điểm.
Bài, ảnh: Khánh Trung