(CT) - Từ đầu năm đến nay, bên cạnh việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hình thành các tổ chức liên kết để phát triển đúng quy hoạch, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ còn định hướng nông dân, doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Vùng nuôi cá thát lát theo tiêu chuẩn Global GAP tại xã Đông Bình, huyện Thới Lai.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, thành phố hiện có 360ha lúa sản xuất theo quy trình VietGAP và 100ha sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP. Ngoài ra, thành phố còn có 23ha rau màu và 303ha cây ăn trái sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, một số quận, huyện hình thành vùng trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP trên nhãn Ido, vú sữa, cam, xoài. Đơn cử như: Tổ Liên kết sản xuất cây ăn trái VietGAP Phong Điền; Hợp tác xã Vú Sữa Trường Khương A; Hợp tác xã Xoài Lộc Hưng; Hợp tác xã Trái cây Tân Lộc; Hợp tác xã Nhãn Nhơn Nghĩa… Đối với nuôi trồng thủy sản, hiện tổng diện tích nuôi thủy sản an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của TP Cần Thơ là 339ha, bao gồm 325,2ha VietGAP và 13,8ha BAP+ASC.
Ngành Nông nghiệp thành phố tiếp tục định hướng nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc tương đương để đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc từ người tiêu dùng. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành hữu quan và các quận, huyện mở rộng, phát triển mạnh mẽ các vùng chuyên canh sản xuất, gắn với chế biến quy mô lớn, liên kết theo chuỗi giá trị để tạo đầu ra thuận lợi, tương xứng cho sản phẩm nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn.
Tin, ảnh: MỸ THANH