03/06/2020 - 08:29

Sản xuất lúa gạo hướng đến đáp ứng nhu cầu thị trường 

Tiếp nối thành công của vụ lúa đông xuân 2019-2020, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang vững tin hướng đến vụ lúa hè thu 2020 bội thu, tạo đà thuận lợi cho vụ lúa thu đông. Nắm bắt nhu cầu thị trường và điều kiện sản xuất được dự báo có nhiều thuận lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) yêu cầu các địa phương xuống giống lúa hè thu đảm bảo kế hoạch diện tích đã đề ra và tăng diện tích lúa thu đông so với cùng kỳ.

Nông dân ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ thăm đồng, kiểm tra tình hình phát triển của ruộng lúa vụ hè thu 2020.

Chủ động

Vụ lúa hè thu 2020, toàn vùng ĐBSCL dự kiến gieo trồng đạt 1,539 triệu héc-ta, giảm 30.000ha so cùng kỳ. Năng suất lúa ước đạt 56,61 tạ/ha, tăng 1,28 tạ/ha và sản lượng ước đạt 8,712 triệu tấn, tăng 31.000 tấn so với vụ hè thu 2019.

Thực hiện phương châm xuống giống sớm, nhanh gọn, nông dân các địa phương vùng ĐBSCL đã tăng cường xuống giống trong các tháng 2 và 3 đạt 436.060ha, tháng 4 xuống giống  đạt 471.920ha, tháng 5  đạt 510.410ha và dự kiến sẽ  kết thúc xuống giống vào khoảng tuần đầu tháng 6 với 120.000ha, giảm 93.000ha so với cùng kỳ để chủ động bố trí sản xuất vụ thu đông 2020. Dự kiến từ tháng 5 đến tháng 9 lúa hè thu sẽ thu hoạch tổng cộng 1,539 triệu héc-ta với sản lượng ước đạt 8,711 triệu tấn lúa.

Kết quả, đến ngày 29-5, lúa hè thu 2020 tại ĐBSCL đã xuống giống đạt hơn 1,3 triệu héc-ta. Có 100.000ha lúa hè thu 2020 tại ĐBSCL đã được thu hoạch, với năng suất đạt 61 tạ/ha, cao hơn 0,7 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, các trà lúa hè thu sớm được thu hoạch cho năng suất khá cao so với cùng kỳ, với bình quân 6 tấn/ha. Đến cuối vụ, nếu chúng ta giữ được mức năng suất này sẽ là thành công rất lớn, bởi kế hoạch ta dự kiến năng suất đạt chỉ khoảng 5,7 tấn/ha, tăng hơn 1 tạ/ha so cùng kỳ năm rồi. Chúng ta cần quan tâm chỉ đạo, chăm sóc tốt để những trà lúa sau tiếp tục đạt năng suất cao.

Tỉnh Hậu Giang xuống giống gieo trồng được 70.950ha lúa hè thu và dự kiến tới đây tổng diện tích xuống giống vụ hè thu đạt 77.217ha, vượt so với kế hoạch. Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, phấn khởi cho biết: “Đã có 100ha lúa hè thu được thu hoạch với năng suất khá cao, đạt 6,17 tấn/ha. Còn các trà lúa còn lại cũng đang phát triển tốt, ít sâu bệnh, hứa hẹn trúng mùa”. Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, tỉnh gieo trồng hơn 140.000/217.000ha lúa hè thu theo kế hoạch. Năm nay, dù trời nắng nóng nhưng lúa xuống giống sớm trong những vùng không bị ảnh hưởng bởi nước mặn lại rất trúng mùa. Hiện đã có 20.000ha lúa hè thu được thu hoạch, với năng suất đạt bình quân 5,9 tấn/ha, cao gần 1 tạ/ha so cùng kỳ.

Tăng diện tích lúa thu đông

Nắm bắt cơ hội về đầu ra lúa gạo đang có nhiều thuận lợi, Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu phấn đấu gieo sạ lúa vụ thu đông 2020 đạt 800.000ha, tăng 75.800ha so với cùng kỳ. Qua đó, vừa giúp tạo thu nhập cho nông dân ngay trong vụ lúa thu đông, vừa gia tăng được lượng lúa gạo hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường và một phần bù đắp cho diện tích, sản lượng lúa vụ đông xuân 2019-2020 bị giảm do ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi cho bố trí tăng diện tích sản xuất lúa thu đông 2020. Cụ thể như, mùa mưa năm nay đến muộn và được dự báo kết thúc sớm, lũ được dự báo ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN), hệ thống thủy lợi được đầu tư phát triển... Chúng ta cũng đã bố trí xuống giống lúa đông xuân và hè thu 2020 sớm, thuận lợi cho bố trí vụ lúa thu đông, đảm bảo thời gian giãn cách cho vụ đông xuân 2020-2021. Đặc biệt, tình hình tiêu thụ lúa gạo có nhiều triển vọng từ nay đến cuối năm, thậm chí đến đầu năm sau. Mục tiêu sản xuất lúa vụ thu đông đạt diện tích 800.000ha hoàn toàn có thể thực hiện. Thực tế cho thấy, từ năm 2010 đến năm 2019, có những năm diện tích lúa thu đông đạt xấp xỉ 825.000 ha, thậm chí cao hơn. Trong 10 năm qua, năng suất lúa thu đông tăng gần 1 tấn/ha và đóng góp sản lượng lúa ngày càng tăng.

Theo ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, với tình hình mực nước mùa kiệt bị thiếu hụt so với TBNN và dự báo lượng mưa trong tháng 5, tháng 6 thấp hơn TBNN, do vậy lũ đầu vụ năm 2020 trên sông Mekong ít có khả năng đến sớm. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ chính vụ vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10. Mực nước nội đồng lũ chính vụ ở mức 3,4-4,3m ở các huyện vùng thượng ĐBSCL, dưới 3,4m đối với vùng giữa và ven biển. Ứng với mức chính vụ như dự báo thì khả năng sản xuất lúa thu đông ở vùng ngập lũ ĐBSCL cơ bản an toàn. Song, dự báo triều cường năm 2020 vẫn có xu thế cao hơn TBNN, vì vậy các tỉnh ở vùng giữa và ven biển cần phải lưu ý đề phòng ngập do triều cường, chủ động gia cố các hệ thống đê bao, bờ bao ứng phó với triều cường.

Để sản xuất thắng lợi vụ lúa thu đông 2020, các địa phương cần chú ý theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, mưa lũ và dịch hại để có biện pháp chủ động ứng phó. Sử dụng những giống lúa đáp ứng nhu cầu thị trường và giống lúa có khả năng chống chịu với rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã và giống ngắn ngày tại những vùng có nguy cơ bị lũ. Theo Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL Trần Ngọc Thạch, các địa phương cần hết sức lưu ý cơ cấu giống, nhất là tỷ lệ gieo trồng lúa nếp vì nếp hiện nay tiêu thụ nội địa khá ít, chủ yếu xuất khẩu. Nếu không cẩn thận, để tỷ lệ lúa nếp gieo sạ quá cao, trên 10%, có khả năng sẽ gặp khó trong tiêu thụ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu các địa phương cố gắng xuống giống lúa hè thu đúng kế hoạch, đảm bảo diện tích đã đề ra, tạo điều kiện để mùa vụ kết thúc nhanh gọn, thuận lợi cho các vụ sản xuất sau. Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt, phối hợp chặt với các địa phương, bám sát đồng ruộng chủ động phòng, chống sâu bệnh và ứng phó với điều kiện thời tiết bất lợi. Đặc biệt, vụ hè thu diễn ra trong mùa mưa, thu hoạch càng nhanh gọn càng tốt để đảm bảo thắng lợi. Đối với vụ thu đông, Bộ NN&PTNT “chốt” mục tiêu phấn đấu gieo trồng đạt 800.000ha, con số này là khả thi. Nhưng cần phải có các giải pháp an toàn tuyệt đối. Về cơ cấu giống, không chỉ phải đảm bảo an toàn thời vụ mà cần an toàn về thị trường, chú ý các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm, đặc sản đáp ứng yêu cầu của các phân khúc thị trường...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết