22/02/2011 - 21:30

Lão nông Ba Lài

Sản xuất giỏi, hay làm việc nghĩa

Vươn lên từ gian khó, khi khấm khá, lão nông Ba Lài tự nguyện dành hẳn nguồn thu nhập từ việc canh tác 6.000m2 đất trồng lúa để giúp đỡ những hộ nghèo, chẳng may gặp khó khăn, ốm đau, hoạn nạn trong cuộc sống.

* Lá lành đùm lá rách

Trên đường đến ấp Trường Khương, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, chúng tôi được người dân kể nhiều về lão nông Ba Lài. Chị Võ Thị Bích Tuyền, ở xã Trường Xuân, cho biết: “Ông Ba Lài tốt bụng lắm! Hễ người dân nào ở địa phương chẳng may bị ốm đau, bệnh tật mà không tiền điều trị là ông sẵn lòng giúp đỡ mà không bất cứ điều kiện gì”. Vừa nói dứt lời, chị Tuyền chỉ tay vào túi gạo nằm ở một góc nhà và cho biết, đó là phần quà của ông Ba Lài vừa trao tặng cho vợ chồng chị. Là hộ nghèo ở địa phương, nhà không ruộng đất, cuộc sống của vợ chồng chị Tuyền luôn túng quẫn. Hằng ngày, chồng đi làm thuê, kiếm tiền chạy gạo ăn từng bữa; còn chị thì ở nhà chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già năm nay đã ngoài 80 tuổi, cứ nay ốm mai đau... Chị Tuyền bộc bạch: “Đối với nhiều người, số gạo này chẳng là bao, nhưng với tôi, nó rất có giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần. Đây là nguồn động viên, giúp vợ chồng tôi cố gắng lao động, vươn lên trong cuộc sống”...

Ông Ba Lài dành hẳn nguồn thu nhập từ canh tác 6.000m2 đất trồng lúa để giúp gạo, tiền cho hộ nghèo, khó khăn. 

Không giống như chúng tôi tưởng tượng, ông Ba Lài sống trong một gian nhà đơn sơ, được cất bằng cây, mái ngói, nền lót gạch tàu... Hôm chúng tôi ghé thăm, ông Ba Lài đang nằm trên võng, được mắc trên hai thân cây ở phía sau vườn. Trên tay ông cầm điếu thuốc rê, phì phèo. Lần đầu tiếp xúc, ông Ba Lài để lại ấn tượng sâu sắc trong chúng tôi, bởi tính chân chất, mộc mạc, nhất là nụ cười hiền luôn nở trên gương mặt rám nắng.

Ông Ba Lài kể ngày xưa, gia đình ông nghèo lắm, anh em ông ước có cái áo lành để thay nhau mặc cũng không có được. Khi trưởng thành, ông cưới vợ, ra ở riêng, không ruộng đất, không tài sản, vợ chồng ông sống lam lũ với hai bàn tay trắng. Nhờ cần cù, chịu khó trong lao động, sản xuất cuộc sống vợ chồng ông Ba Lài dần dần khấm khá. Vì lớn lên trong nghèo khổ nên khi có của ăn của để, ông tìm cách giúp đỡ người nghèo sẻ chia một cách chân tình. Hằng năm, ông tự nguyện dành hẳn nguồn thu nhập từ việc canh tác 6.000m2 đất trồng lúa, để tặng gạo, tiền cho những hộ nghèo, khó khăn vất vả, chẳng may gặp khó khăn, ốm đau, hoạn nạn trong cuộc sống. Ông Ba Lài nói: “Mỗi khi làm được một việc gì đó giúp bà con nghèo lòng tôi thấy vui lắm. Vui nhất là được vợ và các con đồng tình ủng hộ việc làm của tôi”.

* Tâm niệm cuối đời

Ông Ba Lài tên thật là Đoàn Văn Lài, sinh năm 1940. Vợ chồng ông có 8 người con, đều đã có gia đình và ở riêng, gầy dựng cơ ngơi riêng, với nguồn thu nhập khá ổn định. Ông bà sống chung với người con thứ 5 là anh Đoàn Văn Cà Sul.

Những ngày đầu năm, ông bất tật với việc xây dựng Đền thờ Bác Hồ, nằm cặp tuyến lộ Thới Lai – Trường Xuân A, huyện Thới Lai. Ông Ba Lài cho biết: “Tôi ấp ủ công trình này đã nhiều năm, nay có điều kiện mới thực hiện được. Hằng ngày, tôi có mặt trực tiếp quan sát, chỉ dẫn thợ làm. Công trình hoàn thành đây sẽ là nơi tham quan, thờ cúng, giáo dục truyền thống cho con cháu, nhớ về cội nguồn của dân tộc...”. Theo chân ông Ba Lài, chúng tôi đi tham quan một vòng quanh khu vườn, nơi ông chọn xây dựng Đền thờ Bác Hồ. Ông dự tính quanh khu vực đền thờ, sẽ dành riêng diện tích 1.000m2 đất để làm khuôn viên, lót gạch... Qua trò chuyện với những người thợ, chúng tôi được biết, để có tiền xây dựng công trình này, ông Ba Lài đã bán 2.000m2 đất ruộng. Khi được hỏi về việc này, ông Ba Lài cười, nói: “Đối với tôi, tiền bạc do mình tạo ra, tiêu xài có thể hết, nhưng việc làm này của tôi có ý nghĩa to lớn hơn chuyện tiền bạc. Tôi muốn giáo dục cho con cháu nhớ đến cội nguồn, lòng yêu quê hương, đất nước, để ra sức giữ gìn, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp...”.

Hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông Ba Lài càng hiểu rõ hơn tình đoàn kết và lòng thương yêu con người, thể hiện trong tư tưởng, tình cảm của Bác. Ông rất tâm đắc những việc làm, hành động nhân ái, yêu đồng bào của người lãnh tụ vĩ đại này nên bản thân dành nhiều thời gian, làm những việc có ý nghĩa để xây dựng tình đoàn kết, phát huy tinh thần tương thân tương ái chung tay chăm lo cho người nghèo, bất hạnh giúp họ vững tin vươn lên trong cuộc sống.

Năm 2008, ông Ba Lài vinh dự được Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ tặng Kỷ niệm chương vì có thành tích xuất sắc nhiều năm trong công tác Hội và phong trào chữ thập đỏ. Năm 2010, ông được Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen, về những đóng góp tích cực trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... Ông Lê Văn Huyện, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, cho biết: “Ông Đoàn Văn Lài là người luôn nêu gương trong các hoạt động, phong trào của địa phương và người rất tích cực trong công tác từ thiện xã hội, được bà con địa phương tín nhiệm”.

Những việc làm ý nghĩa của ông Ba Lài đã góp phần thắp sáng ngọn lửa nhân ái trong lòng mỗi người để công tác vận động xã hội từ thiện, phong trào giúp nhau vượt khó ở địa phương ngày càng đạt hiệu quả cao.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết