Thực hiện sản phẩm âm nhạc, video ca nhạc, phim ngắn… hay nói chung là các sản phẩm nghệ thuật bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) không còn là chuyện mới. Nhưng nghệ sĩ cần cân nhắc để có một sản phẩm nghệ thuật thực sự ấn tượng và giàu cảm xúc phục vụ khán giả.
Hình ảnh ca sĩ Ðan Trường do AI thực hiện trong MV “Em ơi ví dầu”. Ảnh chụp màn hình
Mới đây, việc ca sĩ Đan Trường ra mắt MV “Em ơi ví dầu” thu hút sự quan tâm của công chúng vì có sử dụng công nghệ AI. Ca sĩ Đan Trường đã dùng AI để tạo lập hình ảnh của mình cùng bối cảnh để làm hình ảnh minh họa cho MV. Về phần âm nhạc, đây là ca khúc có giai điệu sôi động, trẻ trung và bắt tai. Nhưng về phần hình ảnh do AI thực hiện, có nhiều luồng dư luận trái chiều. Hình ảnh ca sĩ Đan Trường do AI thực hiện như đồ họa của phim hoạt hình, cử chỉ và điệu bộ cứng nhắc, không cảm xúc và động tác nhép miệng khi hát cũng không trùng khớp. Nhiều người thể hiện sự không đồng tình bằng số lượt “không thích” trên YouTube. Đa số cho rằng, hình ảnh trong MV nhìn không chân thật, thiếu cảm xúc và có nhiều hình ảnh khiến người xem thấy… sợ. Trước dư luận trái chiều, ca sĩ Đan Trường cũng lên tiếng giải thích rằng, anh chọn dùng AI để làm MV vì muốn làm mới sản phẩm âm nhạc chứ không có ý tiết kiệm. Các công đoạn để làm ra sản phẩm bằng AI trong MV cũng rất kỳ công, mất nhiều thời gian.
Công bằng mà nói, phần hình ảnh trong MV “Em ơi ví dầu” đúng là làm “tuột cảm xúc” của khán giả khi thưởng thức. Hình ảnh cứng đơ, giả trân, không minh họa được nhiều cho bài hát và cũng không ăn khớp với phần âm nhạc. Thay vì chọn thể hiện hình ảnh bản thân bằng AI, nếu ca sĩ Đan Trường chọn giải pháp dùng AI đồ họa hình ảnh cảnh thiên nhiên, nét vẽ, hoa văn kèm phụ đề lời bài hát thì có lẽ sẽ tốt hơn.
Dùng AI để sáng tạo sản phẩm nghệ thuật nay đã dần phổ biến. Đơn cử như ca sĩ - nhạc sĩ Anna Indiana được tạo nên hoàn toàn từ AI, từ hình ảnh đến bài hát (lời, giai điệu, phối khí…), ngay cả giọng hát của cô cũng được tạo ra dựa vào cơ sở dữ liệu của nhiều ca sĩ. Sora của OpenAI cũng tạo ra MV đầu tiên theo phong cách siêu thực cho bài hát “Worldweight” của nghệ sĩ August Kamp…
Tại Việt Nam, ca sĩ ảo bằng AI lần đầu tiên xuất hiện tại Liên hoan âm nhạc quốc tế TP Hồ Chí Minh - “Hò dô 2022”. Sau đó, ca sĩ ảo đầu tiên ở Việt Nam được đặt tên là Ann phát hành MV, nhưng gây không ít tranh cãi. Ann là sản phẩm của AI, giọng hát lai lai mỗi người một chút, nhưng cứng nhắc, không xúc cảm. Mới nhất, ca sĩ Hà Anh Tuấn ra mắt MV “Hoa hồng”, với phần hình ảnh 3D minh họa do AI thực hiện…
Nhìn lại các sản phẩm nghệ thuật từ AI, có thể khẳng định: Dù thế nào thì AI cũng không thể thay thế cảm xúc của con người. Chỉ nên xem AI là công cụ hỗ trợ hơn là chủ thể thực hiện sản phẩm nghệ thuật. Thực tế, từ câu chuyện MV ca sĩ Đan Trường hay ca sĩ AI Ann, việc dùng AI để thay thế con người, dù là minh họa hình ảnh nhân vật hay giọng hát, thì cũng sẽ không chinh phục số đông người yêu nhạc. Nhưng với MV “Hoa hồng” của Hà Anh Tuấn, việc dùng AI để đồ họa hình ảnh 3D thì khá nhuần nhuyễn, bổ trợ cho sản phẩm nghệ thuật.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi dùng AI thực hiện sản phẩm nghệ thuật, cần cân nhắc ở việc sử dụng hợp lý. Vì nghệ thuật thiên về cảm tính và AI thiên về lý tính. Cần có sự dung hòa, kết hợp hơn là sự chọn lựa 1 trong 2.