08/07/2020 - 06:02

Rưng rưng “Luật Nhà” 

Jodi Picoult là nữ nhà văn nổi tiếng thế giới về những đề tài gai góc có tính thời đại. “Luật Nhà” (NXB Trẻ) là tiểu thuyết mới cô viết về chứng tự kỷ và một vụ án mạng bí ẩn. Sách liên tiếp đứng vào hàng best-seller của New York Times. Câu chuyện không chỉ thu hút bởi những yếu tố trinh thám ly kỳ mà còn khiến người đọc xúc động vì tình mẫu tử thiêng liêng.

Emma Hunt, 40 tuổi, làm mẹ đơn thân, vất vả làm việc nuôi 2 cậu con trai. Nếu con trai nhỏ là Theo phát triển bình thường thì cậu con trai lớn Jacob, 18 tuổi, mắc chứng tự kỷ Asperger. Cậu rất thông minh, giỏi khoa học pháp y nhưng gặp vấn đề với giao tiếp xã hội. Một ngày, cô gia sư của Jacob là Jess bị giết thì chàng trai mắc chứng tự kỷ trở thành nghi can số 1 vì tất cả mọi chứng cứ đều chống lại cậu...

Với 800 trang sách, “Luật nhà” dễ làm người đọc nản lòng khi nhìn độ dày của sách. Thế nhưng, một khi bắt đầu đọc, sẽ bị mê hoặc và khó mà dừng lại bởi nội dung câu chuyện đầy cuốn hút, văn phong ngắn gọn, súc tích và mạch lạc. Tác phẩm không được bố cục theo cách thông thường mà được kể bằng nhiều giọng, bằng nhiều góc nhìn của từng nhân vật. Cứ mỗi chương là lời kể của một nhân vật đan xen, giúp độc giả hiểu rõ về suy nghĩ, tâm lý của nhân vật và nhìn nhận vấn đề ở góc độ đa chiều. Từ 3 mẹ con nhà Hunt đến viên thám tử điều tra, luật sư… mỗi nhân vật đều có sự nhập vai hoàn hảo và cảm xúc chân thật khiến người đọc như đi lạc vào mê cung, khó đoán định được ai là thủ phạm. Để cuối cùng, các nút thắt dần được cởi bỏ và các tình tiết được xâu chuỗi hợp lý, mang lại một kết quả bất ngờ và thuyết phục.

“Luật Nhà” khác biệt với các tác phẩm trinh thám khác khi viết về Asperger, một hội chứng tự kỷ vẫn còn mới mẻ với nhân loại. Thông qua nhân vật Jacob, tác giả giúp người đọc dần hiểu tường tận về chứng bệnh này để vừa thương cảm cho một chàng trai dị biệt luôn khao khát được kết nối với xã hội, vừa bất ngờ với khả năng tư duy và những hành động muốn chứng tỏ mình của cậu trai trẻ đam mê phá án và khoa học pháp y. Có thể nói, kiến thức sâu về hội chứng Asperger và khả năng xây dựng nhân vật, dẫn dắt tình huống của tác giả khiến người đọc khâm phục và thích thú.

Nhưng có lẽ, điều đọng lại sâu nhất trong lòng người đọc là tình cảm gia đình, nỗi lòng của người mẹ và tâm sự của những đứa con. Thương Jacob bao nhiêu, độc giả càng thấy tội cậu em trai Theo bấy nhiêu. Bởi cậu luôn cảm thấy bơ vơ, lạc lõng và ức chế khi có người anh bất thường như Jacob và mẹ luôn dành tình thương, ưu tiên hàng đầu cho anh trai mà lơ là cậu. Người đọc cũng sẽ đồng cảm và nể phục với Emma, người mẹ can trường và nhẫn nại, hình mẫu phụ nữ hiện đại với tình thương bao la dành cho con cái. Sự hy sinh, vất vả khi một mình nuôi nấng, chăm sóc con cùng nghị lực của chị trong việc giúp Jacob giải oan đã khiến mọi người cảm động. Người mẹ ấy đã đặt ra những luật lệ trong nhà để buộc các thành viên duy trì cuộc sống theo nề nếp, trật tự cũng như tình yêu thương. Khi cuộc đời xô gia đình họ xuống vực sâu bằng một vụ án mạng, chính luật nhà là sợi dây giúp Emma, Jacob và Theo thoát lên miệng vực.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết