Một số công ty trên thế giới đang chế tạo các robot có những đặc điểm tâm sinh lý và triệu chứng bệnh giống hệt người thật, cho phép sinh viên y khoa hoặc bác sĩ thực tập thực hành và hoàn thiện kỹ năng chuyên môn trong nhiều tình huống khác nhau.
Từ người máy trưởng thành
Đầu tiên là robot ENSIM RAN do công ty Eidos Medicine ở Nga phát triển, được thiết kế nhằm tạo ra hình mẫu giống như người thật để các y bác sĩ tương lai thực hành các biện pháp cấp cứu, hồi sức.
Ảnh: Daily Mail
Robot này có ngoại hình như một người đàn ông tầm 40-50 tuổi, nặng 70kg và cao 183cm. Đặc biệt, “bệnh nhân” người máy có thể bắt chước rất nhiều triệu chứng bệnh như ho, thở khò khè, chóng mặt, la khóc, chảy máu, tiểu tiện, chớp mắt, chảy nước mắt, nước mũi, nước dãi và cử động khớp. ENSIM RAN cũng có thể được thay đổi chức năng để mô phỏng tình trạng chấn thương nghiêm trọng ở đầu hoặc tứ chi gây chảy máu để các y bác sĩ thực tập học cách cách cầm máu và băng bó.
Nhờ thực hành với ENSIM RAN, các y bác sĩ thực tập có thể nhận biết những thao tác có thể dẫn đến sai sót trong điều trị, bao gồm đặt ống thông đường tiểu, cho ăn bằng ống thông dạ dày và tiêm thuốc. Họ cũng có thể tập xử lý các trường hợp khẩn cấp như nhồi máu cơ tim, hồi sức tim phổi (CPR), khử rung tim và đặt ống nội khí quản vốn rất khó thao tác trên bệnh nhân thật nếu không thành thạo. Robot còn có những tính năng khác như có nhịp đập ở 12 vị trí khác nhau trên cơ thể, môi/ngón tay có thể chuyển sang tím tái và thậm chí mô phỏng tình trạng xuất hiện những cơn co giật khác nhau. Do các robot được kết nối với máy tính và công nghệ hiện đại, các y bác sĩ tương lai có thể đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị mà họ đang áp dụng.
…cho đến bệnh nhi robot
Tương tự, hãng Gaumard Scientific ở Mỹ cũng vừa trình làng robot mang hình hài một bé trai 5 tuổi. “Cậu bé” HAL được tạo ra với mục đích giúp sinh viên y khoa phát triển kỹ năng chuyên môn mà họ cần để giao tiếp, chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhi - đối tượng vốn khó chăm sóc hơn người lớn.
Ảnh: Daily Mail
Theo đó, đội ngũ kỹ sư đã trang bị cho HAL đôi mắt có khả năng tương tác, có nhịp tim, nhịp thở, mạch đập, tiếng kêu trong ruột, chảy máu ngón tay (khi cần xét nghiệm), tiểu tiện ... Qua đó, sinh viên thực tập có thể thực hành và hoàn thiện kỹ năng y khoa với tình huống bệnh nhi rơi vào trạng thái tim ngừng đập hoặc theo dõi nồng độ ôxy trong máu theo thời gian thực để tiến hành nhiều thủ thuật cấp cứu khác nhau, bao gồm đo huyết áp, đặt ống nội khí quản, đặt ống thông tiểu, chọc hút khí và dịch bằng kim cũng như đặt ống dẫn lưu ngực với độ chính xác cao. Các bác sĩ nhi tương lai cũng có thể đo điện tâm đồ của HAL để biết hoạt động tim hoặc hồi tỉnh cho “bé” bằng máy khử rung tim.
HAL cũng có thể trả lời một loạt câu hỏi và mô phỏng nhiều trạng thái cảm xúc phổ biến như giận dữ, đau đớn, ngạc nhiên, lo sợ, khóc lóc và ngáp – tất cả được lưu trữ thông qua phần mềm UNI. Nhờ tích hợp các hệ thống điện tử và cảm biến, “bé” có thể lắc đầu và thậm chí gọi mẹ khi cảm thấy mệt mỏi, trong khi hệ thống thủy lực bên trong cơ thể cho phép HAL khóc ra nước mắt và bơm máu khắp cơ thể. Mắt của robot có khả năng liếc theo chiều có ánh sáng và đồng tử sẽ co lại lúc bị chiếu ánh sáng trực tiếp (khi khám mắt). Trong tình huống bị sốc phản vệ, lưỡi và cổ họng của “bé” cũng sẽ sưng nề như người thật.
Để HAL giống người thật như thế, các kỹ sư đã nghiên cứu những đứa trẻ ngoài đời thật thông qua việc quan sát các biểu hiện trên gương mặt của chúng, bao gồm cử động của cơ mặt và chau mày. Do vậy, robot HAL được cho là sự trải nghiệm gần gũi nhất với trường hợp cấp cứu bệnh nhi trong thế giới thực hiện nay. Được biết, Guamard cũng là công ty từng sản xuất các robot giống người khác như Victoria mô phỏng quá trình sinh con hoặc Super Toy giúp sinh viên thực tập nhận biệt dấu hiệu bệnh của trẻ sơ sinh.
HẠNH NGUYÊN (Theo Daily Mail, designboom.com)