|
Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB-Bank) chi nhánh Cần Thơ.
Ảnh: V.TUẤN |
Trong bối cảnh tổng cầu và hệ thống tài chính toàn cầu suy thoái, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hay còn được hiểu là lạm phát 5 tháng đầu năm 2009 so với tháng 12 năm 2008 vừa được Tổng cục Thống kê công bố 2,12% là một minh chứng cho thấy chính sách kích cầu kinh tế của Chính phủ đã bước đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cảnh báo: Gói kích cầu như “con dao hai lưỡi” có thể giúp Việt Nam thoát khỏi suy thoái, nhưng lại rơi vào vòng xoáy lạm phát cao nếu như không có những giải pháp kịp thời.
* Tín hiệu tích cực
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ý tưởng gói kích cầu kinh tế của Chính phủ là đúng đắn với mục tiêu hàng đầu chống suy giảm kinh tế. Những tháng đầu năm 2009, nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu có chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Trong khi nhiều nước trên thế giới bị tăng trưởng âm, thì tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quí I vẫn đạt 3,1% so với cùng kỳ năm 2008 và có khả năng tăng dần trong các tháng tiếp theo. Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp quan trọng có xu hướng tăng. Cùng với việc triển khai các gói hỗ trợ lãi suất tín dụng, hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 7%/năm nhằm kiểm soát cung tiền ra thị trường. Vì vậy, nếu gói kích cầu của Chính phủ được triển khai đúng như định hướng đề ra và được giám sát tốt thì lạm phát năm 2009 vẫn sẽ giữ được ở mức một con số (8-9%). Ông Thành cũng cho rằng: Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, lạm phát ở mức 7-8%/năm sẽ có tác dụng kích thích nền kinh tế phát triển. Còn trong dài hạn, lạm phát tốt nhất nên ở mức 5-6%/năm để đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Đồng quan điểm với ông Thành, Vụ Phó Vụ Thương mại giá cả (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đức Thắng cũng khẳng định: Lạm phát 5 tháng qua hoàn toàn là mức tăng có lợi cho nền kinh tế. Hiện tại, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như dầu thô, gạo, xi măng, sắt thép... trên thế giới và tại Việt Nam đang giữ ở mức ổn định và chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá cả sẽ tăng đột biến. Với những dấu hiệu tích cực này, năm 2009, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, đồng thời vẫn kiểm soát lạm phát ở mức một con số.
* Cẩn thận lạm phát hai con số!
Lời cảnh báo này của các chuyên gia kinh tế quả là không thừa khi mà CPI cả năm 2009 (dự kiến là 8-9%) được Việt Nam tính theo cách lấy CPI của tháng 12-2009 so với tháng 12-2008. Đây là cách tính không đại diện và không phản ánh đúng tình hình biến động giá tiêu dùng cả năm. Nếu tính theo đúng thông lệ quốc tế, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2009 đã là 11,59% (2 con số).
Vì vậy, mặc dù khá lạc quan vào các giải pháp chống suy giảm kinh tế mà Chính phủ đang triển khai, nhưng Tiến sĩ Võ Trí Thành cũng khẳng định: Nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro; trong đó nguy cơ lạm phát cao rất dễ thành hiện thực khi kết thúc gói kích cầu kinh tế vào cuối năm 2009.
Theo Tiến sĩ Thành, tuy gói kích cầu cầu xấp xỉ 9 tỉ USD của Chính phủ thấp hơn nhiều so với gói kích cầu của các nền kinh tế lớn, nhưng nếu so với thực lực GDP của Việt Nam thì gói tài chính này đã chiếm khoảng gần 9% và chiếm khoảng 40% nếu so với mức dự trữ ngoại tệ. Trong khi đó, nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều đặc điểm bất lợi như: Cán cân thanh toán quốc tế chưa bền vững, thâm hụt ngân sách cao, dự trữ ngoại tệ thấp, giám sát hệ thống tài chính còn yếu (cả về nắm bắt thông tin, sự phối hợp và kỹ năng)... Vì thế, nếu kích cầu kinh tế, nhất là kích cầu đầu tư thông qua việc nới lỏng tín dụng cho các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước mà thiếu những sự thẩm định và giám sát thận trọng như trong thời gian qua thì nền kinh tế có thể sẽ khó phục hồi mà lạm phát lại bị kích hoạt trở lại. Ông Thành cũng khẳng định, nếu không kiểm soát tốt gói kích cầu kinh tế đi đúng mục tiêu đề ra, thì dòng vốn này sẽ không mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế; thậm chí để “chảy” vào các kênh đầu cơ như chứng khoán, bất động sản sẽ làm cho lạm phát gia tăng. Đặc biệt, nếu để bất ổn kinh tế vĩ mô thì cái giá phải trả cho nền kinh tế trong các năm tiếp theo sẽ cao hơn rất nhiều do phí tổn để tái cơ cấu hệ thống tài chính đối với các nước châu Á lên tới 20-40% GDP.
Thậm chí, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và quản lý tài sản quốc tế (IAMC) còn cho rằng: Khi gói kích cầu kinh tế được giải ngân hoàn toàn vào cuối năm 2009, tổng dư nợ tín dụng sẽ có thể tăng trưởng “nóng” trên 50% và kịch bản lạm phát hai con số sẽ có thể xảy ra vào năm 2010, buộc Chính phủ lại phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ và hậu quả không mong muốn là các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ lại “tiêu” hàng loạt như cuối năm 2008.
Để hạn chế đến mức thấp nhất tác động “hai chiều” của gói kích cầu, một trong những giải pháp quan trọng nhất là Chính phủ cần tiếp tục theo dõi sát những biến động của thị trường, phản ứng của xã hội; giám sát chặt chẽ gói kích cầu và các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế trong nước cũng như thế giới, đến thời điểm có dấu hiệu xuất hiện lạm phát thì cần dừng kịp thời chính sách kích cầu, tránh để lạm phát xảy ra, khiến nền kinh tế có thể bị tổn thương.
NGUYỄN KIM ANH (TTXVN)