Hoạt động xúc tiến đầu tư chưa mạnh mẽ, còn mang tính cục bộ, khâu phối hợp giữa các địa phương rời rạc. Làm thế nào để tìm “tiếng nói chung” trong hoạt động xúc tiến đầu tư cho vùng. Đó là những vấn đề đặt ra tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức vào giữa tháng 5-2009 tại An Giang, trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) năm 2009.
Thực trạng
ĐBSCL được mệnh danh là vựa nông sản của cả nước, nhưng thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn khiêm tốn. Hiện nay, tổng vốn đầu tư FDI của vùng chiếm chưa quá 10% tổng vốn FDI cả nước. Ông Bùi Quốc Trung, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch- Đầu tư) nói: “Phải thừa nhận rằng, khâu phối hợp trong hoạt động xúc tiến đầu tư từ Bộ, ngành Trung ương đến địa phương thời gian qua còn hạn chế. Thu hút đầu tư nước ngoài rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương, nhưng nguồn vốn FDI chảy vào khu vực ĐBSCL rất thấp. Chỉ một vài địa phương như Long An, TP Cần Thơ, Kiên Giang thu hút nguồn vốn FDI khá, các địa phương còn lại rất thấp. Hoạt động xúc tiến chưa thật sự nổi bật và chưa hấp dẫn nhà đầu tư”. Hiện nay, ĐBSCL đã thành lập Câu lạc bộ Xúc tiến đầu tư với sự tham gia của Trung tâm xúc tiến các địa phương, nhưng thực tế hoạt động xúc tiến vẫn “mỗi nơi mỗi cảnh”.
![Rất cần sự liên kết](https://baocantho.com.vn/image/news/2009/20090522/fckimage/53621497615576_42.jpg) |
Tư vấn cho doanh nghiệp đầu tư vào Phú Quốc. Ảnh: THÀNH NGUYỄN |
Có thể nói, xét về tổng thể nền kinh tế của vùng ĐBSCL còn nhiều yếu kém do chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông, chất lượng nguồn nhân lực của vùng thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả nước. Điều này, dẫn đến việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước của vùng rất hạn chế. Lâu nay, hoạt động xúc tiến đầu tư ở ĐBSCL chưa có định hướng rõ ràng, còn làm theo phong trào và không có cơ chế phối hợp giữa các địa phương. Hiện nay, tỉnh nào cũng tổ chức hội chợ triển lãm và diễn ra cùng ngày, hoặc chỉ chênh nhau vài ngày; tiền bỏ ra rất lớn trong khi hiệu quả mang lại không cao và không thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia, do hoạt động dàn trải. Ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến TM-DL&ĐT tỉnh Kiên Giang, nói: “Hiện tại, ĐBSCL có quá nhiều hội chợ triển lãm, quảng bá địa phương. Nhưng lại thiếu những hội chợ chuyên đề, như: du lịch, cá, tôm, lúa... để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng. Mỗi nơi làm mỗi kiểu nhưng việc phối hợp thực hiện cũng rất khó, bởi có trung tâm trực thuộc sở chuyên môn, có nơi trực thuộc UBND”.
Thêm vào đó, nguồn nhân lực cho hoạt động xúc tiến đầu tư còn hạn chế về trình độ chuyên môn và ngoại ngữ. Do đó, có một “kịch bản” tốt cho hoạt động mời gọi ở những buổi tiếp nhà đầu tư, hay tổ chức diễn đàn mời gọi đầu tư là rất khó. Một vị lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại- Du lịch- Đầu tư ví dụ thực tế: ĐBSCL ngoài thế mạnh về nông sản thì tiềm năng du lịch khá lý tưởng, nhất là du lịch sinh thái, nhưng cả vùng chưa có một công ty lữ hành nào hoạt động chuyên nghiệp. Điều này tạo điều kiện cho những đơn vị lữ hành đến từ TP Hồ Chí Minh hay vùng khác vào chia thị phần! Mặt khác, các dự án kêu gọi đầu tư của những địa phương trong vùng phần lớn tập trung vào nông- thủy sản và đến một lúc nào đó sẽ phải trả giá. Bởi khoảng 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong vùng nhiều nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến nông- thủy sản và đa phần các Khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tình trạng ô nhiễm tại các khu công nghiệp đang ở mức báo động và nếu không có giải pháp ngay từ bây giờ, sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn trong phát triển.
Cần “nhạc trưởng”
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư ĐBSCL tổ chức ở An Giang vào giữa tháng 5-2009, nhiều ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo Trung tâm xúc tiến, doanh nghiệp... cho rằng đã đến lúc phải thay đổi hình ảnh vùng. Nhưng việc xây dựng hình ảnh chung của vùng phải dựa vào thế mạnh của từng tiểu vùng để có kế hoạch mời gọi đầu tư cụ thể. Vấn đề còn lại là cần có “nhạc trưởng” để tổng hợp các thông tin xúc tiến truyền tải đến nhà đầu tư. “Nhạc trưởng” là người cầm trịch chủ trì các hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên, nhưng đây là vấn đề đã đem ra bàn nhiều năm qua trong những lần tổ chức Diễn đàn mà chưa có kết quả mong đợi.
Bà Phan Thị Thúy Truyển, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến TM-DL&ĐT tỉnh An Giang, nhấn mạnh: “Muốn hoạt động xúc tiến hiệu quả cao, cần phải xác định được tiềm năng của địa phương mình để giới thiệu và tạo sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp. Đồng thời, phải kết nối được nhu cầu của địa phương với doanh nghiệp thông qua các hội thảo, hội chợ, các chuyến khảo sát thị trường, đầu tư... Nhưng, hoạt động xúc tiến phải được sự quan tâm của chính quyền địa phương để có những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho tốt nhất hoạt động xúc tiến”. Theo bà Truyển, đó là mấu chốt quan trọng quyết định sự thành công của một hoạt động xúc tiến đầu tư. Từ đó, kết nối và kiến nghị những nhu cầu bức xúc của địa phương để được sự hỗ trợ từ Bộ ngành Trung ương.
Ông Nguyễn Trúc Sơn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bến Tre, cho biết: “Cần xây dựng một kênh thông tin chung cho khu vực dưới dạng website, danh bạ để nhà đầu tư có được cái nhìn tổng quát, dễ dàng nắm bắt nhu cầu cần thiết của địa phương và cơ hội đầu tư. Bên cạnh các hoạt động chung, các bộ, ngành cũng cần có chính sách hỗ trợ cho các sự kiện đặc thù là thế mạnh của địa phương. Chẳng hạn, Bến Tre có thế mạnh về cây dừa và cây ăn trái cần kêu gọi nhà đầu tư ở lĩnh vực này”. Các chuyên gia cho rằng, từng địa phương phải xác định nhu cầu thực sự dựa trên thế mạnh và tiềm năng của mình. Những nhu cầu sẽ được truyền tải về địa phương chịu trách nhiệm làm “nhạc trưởng” để tổng hợp và xây dựng chiến lược chung cho vùng. Việc làm này cũng cần có sự phối hợp, giúp đỡ của các Bộ ngành Trung ương.
ĐBSCL đã được xác định là một trong bốn vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Đây thực sự là đòn bẩy để phát triển kinh tế- xã hội và mời gọi đầu tư. Tại Hội nghị hợp tác xúc tiến ĐBSCL 2009, với mục đích tìm tiếng nói chung của các địa phương trong vùng ĐBSCL và các vụ, cục xúc tiến của các bộ ngành liên quan. Từ đó, thống nhất các chương trình hợp tác xúc tiến về Thương mại- Du lịch và Đầu tư năm 2010 và bàn thảo hợp tác thành lập một công ty cổ phần tiêu thụ và phân phối sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL, đồng thời tổng kết những vấn đề thống nhất để trình Hội nghị lãnh đạo các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong tháng 6- 2009. Các đại biểu thống nhất hoạt động triển khai các hoạt động xúc tiến năm 2010 như: Những ngày ĐBSCL tại TP Hồ Chí Minh (tháng 1-2010) do Bộ Công thương chủ trì, Hội chợ - triển lãm nông sản Quốc tế ĐBSCL (tháng 5- 2010) do tỉnh, thành đăng cai MDEC thực hiện; tổ chức các đoàn Famtrip khảo sát tiềm năng thế mạnh du lịch, cũng như tìm hiểu cơ hội đầu tư hạ tầng du lịch tại ĐBSCL (tháng 9-2009); xuất bản ấn phẩm giới thiệu ĐBSCL (1 số/tháng) bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Mới đây, Bộ Kế hoạch- Đầu tư đã công bố chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia năm 2009 với kinh phí 20.000 tỉ đồng và ĐBSCL có 5 tỉnh, thành phố (TP Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp) được hỗ trợ 200 triệu đồng mỗi một địa phương để xây dựng danh mục dự án, tổ chức hội thảo, hội nghị, duy trì trang website... Năm 2009, các chuyên gia kinh tế nhận định việc mời gọi đầu tư rất khó khăn, nhất là nguồn vốn FDI do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế. Do vậy, để mời gọi đầu tư có hiệu quả, các địa phương trong vùng cần xây dựng chiến lược dài hơi.
Gia- Nguyễn