27/05/2010 - 22:08

Rao giảng không đúng lúc

Phần nào định thần sau cuộc khủng hoảng tài chính làm suy yếu vai trò lãnh đạo kinh tế thế giới của Mỹ, Chú Sam có lẽ đang muốn gấp rút lấy lại uy thế này. Trong chuyến công du châu Âu bắt đầu hôm 26-5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã có nhiều lời khuyên với các nước cựu lục địa, đặc biệt là kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) đặt các cơ quan tài chính vào trật tự. Nói cách khác, Mỹ đang cố xác lập lại vai trò “kê toa” cho các vấn đề tài chính thế giới.

Tại Anh, ông Geithner giục châu Âu đẩy mạnh việc giải cứu các nền kinh tế đang bị nợ nần chồng chất, và không ngăn cản các gói kích thích tài chính mới. Ở Đức, ông còn mạnh miệng hơn khi quở trách nước này gần đây có quy định cấm một số hoạt động tài chính, gây hoang mang thị trường. Ông Geithner cho rằng các nước châu Âu đã chậm nhận biết các vấn đề nợ của Hy Lạp và việc cầu viện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thậm chí càng chậm hơn. Theo ông, vào thời điểm EU và IMF nhất trí chương trình 110 tỉ euro giải cứu Hy Lạp thì vấn đề đã trở nên quá tồi tệ. Ngay cả chương trình hơn 814 tỉ euro hỗ trợ cho các nước EU gặp khó khăn được công bố mới đây cũng chưa thể giải tỏa sự lo ngại của thị trường. Một phần nguyên nhân, theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, là do các nước EU chưa vạch được chi tiết kế hoạch sẽ tiến hành như thế nào. Washington vẫn tin rằng nếu không có sự can thiệp mạnh của Tổng thống Barack Obama và ông Geithner, các nước EU chưa chắc chịu cùng nhau đóng góp cho gói giải cứu quy mô lớn như vậy (!?).

Bộ trưởng Geithner tới châu Âu vào thời điểm này gợi lại chuyến đi của các quan chức kinh tế Mỹ, trong đó có ông Geithner (khi đó là thứ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế của Bộ Tài chính), tới châu Á trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập niên 1990. Khi đó, các quan chức Mỹ cũng đưa ra nhiều lời khuyên và “vận động hậu trường” IMF về gói giải cứu giúp kinh tế các nước như Hàn Quốc, Indonesia... Tạp chí Time của Mỹ lúc đó đã “đại ngôn” phong cho bộ ba quan chức Mỹ là “Ủy ban cứu giúp thế giới”.

Tuy nhiên, lần này ông Geithner không gặp may như vậy vì từ cuối năm 2008, các nước Á – Âu cùng chỉ trích chính hệ thống tài chính Mỹ đã đẩy thế giới vào suy thoái. Nói như cựu Bộ trưởng Tài chính Đức Peer Steinbrueck thì chính sách thị trường tự do kiểu Mỹ là “xu hướng mất trí vì lợi nhuận ngày càng cao” và “Mỹ sẽ mất vai trò siêu cường trong hệ thống tài chính toàn cầu, không đột ngột mà sẽ từ từ”.

Rõ là ông Geithner chưa giải quyết được các vấn đề khó của mình mà đã đi lo “dạy đời” người khác. Thậm chí, Desmond Lachman, cựu quan chức IMF, hiện là nhà nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng EU tiến hành các gói giải cứu theo thiết kế của ông Geithner sẽ làm vấn đề trở nên tệ hơn.

N. KIỆT
(Theo WSJ, Washingtonpost)

N. KIỆT (Theo WSJ, Washingtonpost)

Chia sẻ bài viết