 |
Năm 2011, sản xuất lúa và xuất khẩu gạo gặp nhiều thuận lợi đã tạo đà cho việc đầu tư canh tác lúa đông xuân 2011-2012 tại
huyện Vĩnh Thạnh. |
Năm 2011, tình hình sản xuất lúa và xuất khẩu gạo của TP Cần Thơ nói chung và huyện Vĩnh Thạnh nói riêng có nhiều thuận lợi. Trên cơ sở đó, trong vụ đông xuân 2011-2012, huyện Vĩnh Thạnh xác định tiếp tục đẩy mạnh thâm canh, chú trọng công tác giống mới nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo xuất khẩu, gắn với việc xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML)...
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, dự kiến diện tích gieo trồng lúa toàn huyện cả năm 2012 hơn 60.610 ha, năng suất 6,09 tấn/ha, sản lượng hơn 368.895 tấn. Riêng vụ đông xuân 2011-2012 diện tích hơn 25.328 ha, năng suất ước đạt 7,4 tấn/ha, sản lượng hơn 187.428 tấn. Tính đến đầu tháng 12-2011, toàn huyện đã xuống giống được hơn 11.000 ha, đạt gần 42% so với kế hoạch.
Xác định vụ đông xuân là vụ lúa chính, có vai trò quyết định đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện nên ngay từ sớm ngành nông nghiệp huyện đã có biện pháp chỉ đạo kịp thời. Ông Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nói: “Năm nay, nước lũ rút chậm nên nhiều diện tích vẫn còn bị ngập sâu, nhất là các vùng trũng. Do đó, nếu không chủ động bơm tát sẽ khó đảm bảo gieo sạ đúng lịch thời vụ. Vụ đông xuân gieo sạ trễ sẽ dẫn đến hạn mặn vào cuối vụ, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất”. Theo ông Hải, Vĩnh Thạnh đang khẩn trương tu bổ hệ thống bơm điện, theo dõi tốc độ nước rút và huy động mọi nguồn lực bơm tát nước. Bên cạnh đó, lịch xuống giống tập trung né rầy đang được áp dụng một cách kiên quyết, đồng bộ. Ở những nơi có điều kiện, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con gieo sạ trong tháng 11, hạn chế đến mức thấp nhất diện tích gieo sạ trễ vào cuối tháng 12-2011".
Năm 2012, sản xuất lúa ở huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục duy trì theo hướng 3 vụ/năm, tăng cường sử dụng giống xác nhận, áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, thâm canh nhằm phục vụ thương mại nội địa và xuất khẩu. Cơ cấu giống vụ đông xuân 2011-2012 gồm 5-6 giống chủ lực, 4-5 giống bổ sung và 3-4 giống triển vọng mới (cơ cấu một giống không vượt quá 20% toàn vùng). Theo đó, Phòng NN&PTNT huyện khuyến cáo nông dân nên sử dụng giống cấp xác nhận, tăng cường các giống OM 5451, OM 6976, OM 4900, OM 7347; duy trì các giống truyền thống như Jasmine 85, OM 2517, OM 7347, OM 6976, OM 5451 và trồng thử nghiệm các giống mới triển vọng...
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, năm 2011, sản xuất lúa và xuất khẩu gạo TP Cần Thơ gặp nhiều thuận lợi, tạo đà cho việc đầu tư canh tác lúa đông xuân 2011-2012. Ông Nguyễn Văn Hiền, nông dân ấp Qui Lân 7, xã Thạnh Quới, chia sẻ: “Năm qua, giá lúa gạo luôn ở mức cao nên bà con rất có niềm tin đối với cây lúa. Vụ đông xuân này, mặc dù chi phí bơm tát để xuống giống cao nhưng giá phân bón không tăng như mọi năm, thời tiết khá tốt, cộng với lượng phù sa dồi dào nên theo tính toán của chúng tôi chi phí sản xuất vào cuối vụ có thể giảm”. Thời gian qua, thực hiện Quyết định số 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng” đã tạo những hiệu ứng tích cực trong việc cung ứng vật tư đầu vào và đảm bảo đầu ra cho hạt lúa, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân... Do vậy, ngành nông nghiệp huyện xác định sẽ tiếp tục làm “đầu mối” trong việc ký kết hợp tác bao tiêu lúa giữa doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn huyện.
Trong năm 2011, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã chỉ đạo triển khai xây dựng CĐML với quy mô 400ha tại ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An trong vụ hè thu 2011 đã tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng từ phía người nông dân. Ông Đoàn Đức Trường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Với cách làm ăn mới này, nông dân tiết giảm được chi phí về giống, phân bón và giảm số lần phun thuốc... tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng, tăng lợi nhuận trên 4,6 triệu đồng/ha. Tiếp bước những thành quả đã đạt được, trong vụ đông xuân 2011-2012, ngoài việc duy trì CĐML 400ha ở ấp Thầy Ký, địa phương sẽ xây dựng thêm 1 CĐML tại xã Thạnh Lợi với diện tích 170ha; đồng thời tập huấn 2 nhóm nông dân sản xuất lúa theo hướng GAP phía Bắc Cái Sắn để nâng lên sản xuất theo mô hình CĐML”. Theo ông Trường, sản xuất và tiêu thụ lúa theo mô hình CĐML là con đường để tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa quy mô lớn thông qua mối liên kết “4 nhà”. Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ nhiệm Hợp tác xã Đồng Vạn, ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, khẳng định: “Sản xuất lúa theo mô hình CĐML, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như: IPM, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, công nghệ sinh thái... được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn nhằm rút ngắn khoảng chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, từ đó nâng cao năng suất bình quân trong toàn vùng”.
Sản xuất lúa vụ đông xuân 2011-2012 của huyện Vĩnh Thạnh đang có những thuận lợi căn bản. Tuy nhiên, rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá đang là nguy cơ đe dọa sản xuất lúa tại địa phương. Vì vậy, bên cạnh lịch thời vụ, ngành nông nghiệp còn tăng cường công tác dự báo tình hình sâu bệnh và hướng dẫn nông dân sử dụng các biện pháp tổng hợp để phòng trừ dịch hại. Tập trung gieo sạ đồng loạt né rầy, sử dụng giống kháng rầy, giám sát chặt chẽ đồng ruộng, phun xịt thuốc theo nguyên tắc “bốn đúng”... nhằm giảm giá thành, từng bước hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa qui mô lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Bài, ảnh: MỸ THANH