29/09/2014 - 21:07

Quyết tâm gỡ khó cho các khu công nghiệp

Thời gian qua, TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện nhiều khu công nghiệp (KCN) như: KCN Trà Nóc 1, Trà Nóc 2, Hưng Phú 1, Hưng Phú 2A, Hưng Phú 2B, KCN Thốt Nốt và nhiềm cụm công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) tại các huyện. Tuy nhiên, ngoại trừ KCN Trà Nóc 1 có cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh và 100% diện tích đất công nghiệp đã được lấp đầy dự án của các nhà đầu tư, các KCN còn lại đều chưa có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh và đang gặp khó trong đầu tư phát triển…

* Phát triển hạ tầng KCN gặp khó

Mới đây, UBND TP Cần Thơ vừa có buổi làm việc với Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cùng các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng công nghiệp trên địa bàn về tình hình triển khai thực hiện các khu công nghiệp.Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp (KCX&CN) Cần Thơ cho biết, đến nay KCN Trà Nóc 1 đã lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp, KCN Trà Nóc 2 đã lấp đầy 85,73% diện tích đất công nghiệp, còn lại khoảng 12 ha đất công nghiệp đang được chủ đầu tư tiếp tục bồi hoàn giải tỏa và thực hiện công tác đầu tư hạ tầng. Hiện khu tái định cư (TĐC) KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 đã hoàn tất việc điều chỉnh quy hoạch cải tạo diện tích 2,1ha và hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng 9ha và có 98/210 nền TĐC được bàn giao. Hiện nay, Dự án nhà ở công nhân phục vụ KCN Trà Nóc 1 và 2 cũng đã hoàn thành công tác phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 145,6 tỉ đồng, trước mắt triển khai block A với 542 căn, mỗi căn 45m2, đang trong giai đoạn trình hồ sơ thiết kế kỹ thuật cho cấp thẩm quyền phê duyệt. Dự án nhà máy nước thải công suất 12.000m3/ngày-đêm phục vụ KCN Trà Nóc 1 và 2 cũng đang khẩn trương thực hiện giai đoạn 1, với công suất 6.000m3/ngày- đêm và hiện đã hoàn thành 85% khối lượng.

Hướng đến mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, TP Cần Thơ rất cần có nhiều khu công nghiệp được lấp đầy các nhà máy, xí nghiệp như KCN Trà Nóc 1. Trong ảnh: sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ.

Khu công nghiệp Thốt Nốt (giai đoạn 1) với diện tích 105 ha hiện đang được chủ đầu tư bồi hoàn, san lấp, làm hạ tầng khoảng 62 ha và đã cho thuê hết diện tích này. Khu TĐC diện tích 25 ha, đã bồi hoàn, giải tỏa và san lấp mặt bằng được 12 ha, phân lô và bàn giao 173 nền. Hiện chủ đầu tư đang tiếp tục san lấp mặt bằng và đầu tư hạ tầng các diện tích còn lại để bàn giao khoảng 50 nền cho các hộ dân ảnh hưởng bởi Dự án cầu Vàm Cống và Dự án Khu công nghiệp Thốt Nốt. Đồng thời, xin điều chỉnh quy hoạch một phần diện tích lô nền Khu TĐC sang xây nhà ở công nhân.

Trong khi đó, các KCN Hưng Phú 1, KCN Hưng Phú 2A và 2B tại quận Cái Răng đang trong giai đoạn bồi hoàn giải tỏa, việc đầu tư các cơ sở hạ tầng còn hạn chế do nhà đầu tư thiếu vốn và mới giải phóng mặt bằng (GPMB) theo kiểu "da beo"- không liền mảnh. Đặc biệt, do chưa hoàn tất các khu TĐC nên càng khó khăn cho việc GPMB để triển khai những KCN này. Hiện tại, khu TĐC 10,4ha (giai đoạn 1) phục vụ KCN Hưng Phú 1 do Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn-Cần Thơ đầu tư thi công, có tổng số nền quy hoạch là 281 nền. Trong đó, mới có thể bốc thăm giao ngay cho dân được khoảng 12 nền, còn lại 161 nền chưa thể triển khai do chưa đầu tư hoàn thiện hạ tầng. Còn khu TĐC 85,6 ha ( giai đoạn 2) phục vụ KCN Hưng Phú 1, công ty mới thỏa thuận thương lượng đền bù được khoảng 4,1 ha. Tương tự, khu TĐC 33 ha phục vụ cho KCN Hưng Phú 2A do Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp Thương mại BMC làm chủ đầu tư cũng chưa hoàn tất GPMB. Chủ đầu tư mới thỏa thuận thương lượng đền bù của dân 17ha/33 ha và san lấp mặt bằng khoảng 5 ha, còn lại 12ha chưa san lấp mặt bằng được vì không liền thửa, đường vào khu TĐC cũng chưa hoàn tất.

Theo đánh giá của Ban quản lý các KCX&CN Cần Thơ, nhìn chung từ đầu năm 2014 đến nay, nhiều chủ đầu tư tại các KCN ở quận Cái Răng vẫn "giậm chân tại chỗ", chưa thể hoàn tất GPMB của các dự án. Nguyên dân do chủ đầu tư đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là vấn đề thiếu vốn. Thời gian qua, tình hình thu hút đầu tư các doanh nghiệp vào các KCN trên địa bàn thành phố gặp khó do giá thuê đất cao gấp 2-3 lần so với các tỉnh lân cận (vì là thành phố loại 1 trực thuộc Trung ương, chi phí bồi hoàn cao)…Trong khi đó, các KCN tại Cần Thơ không còn nằm trong địa bàn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà chỉ còn được hưởng ưu đãi theo ngành và lĩnh vực đầu tư. Do vậy, không ít nhà đầu tư đã chuyển sang làm ăn ở các tỉnh lân cận để được hưởng chính sách ưu đãi nhiều hơn.

* Nhà đầu tư cần được hỗ trợ

Ông Ngô Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn-Cần Thơ, cho biết: "Khó khăn lớn nhất đối với các chủ đầu tư hạ tầng KCN tại TP Cần Thơ là giá đền bù quá cao, trong khi doanh nghiệp rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay trung và dài hạn với lãi suất thấp, vay vốn ngắn hạn các ngân hàng cũng đòi hỏi nghiêm ngặt về các điều kiện vay vốn, nhất là tài sản thế chấp". Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp Thương mại BMC, công ty đang rà soát lại những nơi GPMB còn "da beo" để làm liền thửa và tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đồng thời có nhiều giải pháp nhằm tăng cường mời gọi các nhà đầu tư đến hợp tác và tham gia đầu tư vào KCN. Công ty mong được hỗ trợ trong việc tiếp cận ngân hàng hoặc các Quỹ hỗ trợ để vay được nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi nhằm có điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển KCN.

Do đã đầu tư một khoản tiền tương đối lớn vào các KCN này nên các nhà đầu tư rất muốn đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành hạ tầng các KCN để thu hút được nhiều nhà đầu tư vào và sớm có thể thu hồi vốn. Các nhà đầu tư rất mong thành phố và trung ương có cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn. Đồng thời, thành phố cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ GPMB, đầu tư phát triển một số cơ sở hạ tầng kết nối vào các KCN, thực hiện tốt hơn cải cách hành chính, hỗ trợ kết nối với các nhà đầu tư khác để tăng cường năng lực tài chính…Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Xây dựng Hạ tầng KCN Thốt Nốt kiến nghị, thành phố cần xem xét lại chính sách bồi hoàn về đất và vật kiến trúc để giảm giá thuê đất tại các KCN. Đồng thời, cần quan tâm hỗ trợ nhiều cho phát triển hạ tầng các cụm CN-TTCN do cũng đang vướng về vốn, GPMB...

Phản hồi các ý kiến và đề xuất của các chủ đầu tư về giá thuê đất cao, lãnh đạo UBND thành phố cùng các sở ngành và địa phương có liên quan đã cung cấp cho doanh nghiệp thông tin về việc TP Cần Thơ đang xây dựng giá đất cho giai đoạn 5 năm tới theo quy định của Nhà nước, dự kiến giá thuê đất tại các KCN tới đây sẽ có điều chỉnh giảm. Thời gian qua, với mong muốn GPMB nhanh, nhiều nhà đầu tư hạ tầng KCN tự thỏa thuận giá bồi hoàn với dân, chứ không chờ thực hiện theo quy trình GPMB của Nhà nước nên đã góp phần làm tăng giá cho thuê lại đất công nghiệp tại thành phố, đây là điều các chủ đầu tư cần hết sức lưu ý. Hiện nay, thành phố cũng thực hiện thu hồi một phần diện tích đất công nghiệp tại một số dự án KCN chậm triển khai để giao các đơn vị, doanh nghiệp khác thực hiện, thậm chí thành phố tự đứng ra GPMB để có "đất sạch"mời gọi nhà đầu tư vào một số lĩnh vực ưu tiên.

Để thúc đẩy đầu tư phát triển các KCN, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng nhấn mạnh, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ hết sức cho doanh nghiệp, nhất là về mặt thủ tục hành chính và đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng kết nối với các khu công nghiệp. Đồng thời, yêu cầu Ban quản lý các KCX&CN Cần Thơ cần phối hợp với các đơn vị có liên quan, tiến hành rà soát lại tình hình thực hiện các khu công nghiệp trên địa bàn để có báo cáo chính thức bằng văn bản về UBND thành phố, trong đó cần nêu rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị các giải pháp để thúc đẩy phát triển…để thành phố xem xét giải quyết hoặc kịp thời có kiến nghị về Trung ương đối với những vấn đề ngoài thẩm quyền.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết