Trong 2 tháng đầu năm 2014, tình hình kinh tế- xã hội thành phố Cần Thơ tiếp tục phát triển. Song, xuất khẩu hàng hóa và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) tại thành phố vẫn khó. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các sở, ngành chức năng nhanh chóng đưa ra giải pháp, gỡ khó cho DN, giữ vững tăng trưởng kinh tế của thành phố. Đồng thời, chủ động ứng phó với một số loại dịch bệnh nguy hiểm đang có nguy cơ bùng phát trên đàn vật nuôi và lây sang người
Sản xuất, kinh doanh vẫn khó
Theo đánh giá của ngành chức năng thành phố, 2 tháng đầu năm 2014, cung- cầu hàng hóa ổn định, giá cả thị trường bình ổn. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN tiếp tục gặp khó do nhu cầu thị trường vẫn ở mức thấp. DN xuất khẩu một số ngành hàng khó khăn về đầu ra của sản phẩm, nhu cầu nhập khẩu của các nước không cao, nhất là mặt hàng gạo, thủy sản. Trên thị trường vốn, dù lãi suất ngân hàng giảm nhưng DN vẫn khó tiếp cận vốn vay; giá cả nhiều loại nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất thường xuyên biến động đã gây không ít khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN... Chỉ số tiêu thụ hàng hóa hiện giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm chủ yếu ngành hàng sản xuất đồ uống, với mức giảm tới 6,8%. Hiện chỉ số tồn kho chung của ngành công nghiệp thành phố là 17,7%. Trong 2 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu và doanh thu dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện 168,5 triệu USD, đạt 10,2% kế hoạch, giảm 10,4% so cùng kỳ năm trước.
|
Trong 2 tháng đầu năm 2014, việc tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa của nhiều doanh nghiệp tại TP Cần Thơ khá tốt. Trong ảnh: Mua bán hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Cần Thơ.
|
Ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết trong 2 tháng đầu năm, tình hình sản xuất công nghiệp và lưu thông, tiêu thụ hàng hóa ở thị trường nội địa khá tốt. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của thành phố như: gạo, thủy sản
vẫn chưa mấy sáng sủa. Trước tình hình này, Sở Công thương thành phố đã thành lập đoàn công tác để nắm tình hình nhằm có các giải pháp hỗ trợ cho DN cũng như tham mưu, đề xuất kịp thời về UBND thành phố và các bộ ngành Trung ương xem xét, gỡ khó cho DN.
Trong các lĩnh vực, nông nghiệp có sự chuyển biến mạnh mẽ từ số lượng sang chất lượng. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nông nghiệp tại thành phố cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn do giá cả đầu ra nhiều loại nông sản còn bấp bênh và nguy cơ bùng phát một số loại dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi, nhất là dịch cúm gia cầm. Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, thời gian qua trên địa bàn thành phố đã xảy ra 12 ổ dịch cúm gia cầm tại 6 xã, phường thuộc 4 quận, huyện trên địa bàn và thành phố đã phải tiêu hủy hơn 7.760 con gia cầm bị bệnh. Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cùng với việc quan tâm chỉ đạo tổ chức sản xuất thắng lợi lúa đông xuân 2013-2014, ngành nông nghiệp thành phố đang tập trung chỉ đạo cho toàn ngành và các địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống và khống chế tốt dịch cúm gia cầm, tránh để lây lan sang người. “Đến nay, lúa đông xuân đã thu hoạch được hơn 40.000ha/88.000ha, năng suất bình quân 7,4 tấn/ha. Tuy nhiên, để đảm bảo thắng lợi chung, các địa phương cần nâng cao cảnh giác với tình hình rầy nâu và bệnh cháy lá lúa gây hại trên các trà lúa muộn và tích cực quan tâm làm tốt công tác thủy lợi mùa khô. Tình hình dịch cúm gia cầm đang diễn biến rất phức tạp, với nhiều nhóm vi-rút đang tồn tại song hành. Trong giai đoạn này, ngoài việc tiêu hủy gia cầm bệnh, khử độc an toàn cho vùng dịch, phải tăng cường công tác quản lý và nâng cao ý thức của người dân trong các công tác phòng chống dịch bệnh. Các địa phương cần khuyến cáo người dân thực hiện nuôi nhốt, tiêm ngừa và buôn bán gia cầm theo đúng quy định, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nâng cao thể trạng và sức đề kháng của đàn vật nuôi
”- ông Quỳnh nói.
Cần giải pháp cụ thể
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, 2 tháng đầu năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước thực hiện 10.625 tỉ đồng, đạt 10,9% so với kế hoạch năm và tăng 4,2% so với cùng kỳ. Các khu chế xuất và công nghiệp thành phố thu hút thêm 2 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký 21 triệu USD. Tổng mức bán ra hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 19.367,3 tỉ đồng, đạt 14,4% kế hoạch và tăng 15,8% so với cùng kỳ. Tính từ ngày 1-1-2014 đến ngày 20-2-2014, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện là 1.203,3 tỉ đồng, đạt 13% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 16,2% so với cùng kỳ
Có được kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của các sở, ngành chức năng, DN trên địa bàn cùng sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố.
Tại phiên họp trực tuyến thường kỳ tháng 2, nhiều ý kiến của lãnh đạo các quận, huyện: Ninh Kiều, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Phong Điền
cho biết, bên cạnh quan tâm hỗ trợ người dân, DN tháo gỡ khó khăn, địa phương cũng đang tập trung thực hiện các biện pháp nhằm chủ động phòng chống dịch cúm H5N1 trên gia cầm và trên người. Đồng thời, tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các kế hoạch của UBND thành phố về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 gắn với thực hiện ba đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện chủ đề năm 2014 của thành phố là “Cải cách hành chính, huy động mọi nguồn lực, hướng về cơ sở”. Rõ ràng, trước nhiều khó khăn thách thức vẫn có những thuận lợi, cơ hội cho DN. Các ý kiến cũng đề xuất thành phố cần đưa ra giải pháp cụ thể để gỡ ngay các khó khăn cho nền kinh tế. Có như vậy, thành phố mới ổn định các hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra trong năm 2014.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế- xã hội của thành phố 2 tháng đầu năm. Chủ tịch thành phố lưu ý các sở, ngành cần rà soát lại những yếu kém đang tồn tại và một số chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch hoặc chưa đạt kết quả như mong muốn để vào cuộc quyết liệt hơn, khắc phục ngay các khó khăn, hạn chế nhằm tạo chuyển biến mạnh trong thời gian tới. Trong đó, đáng chú ý là sự phối hợp giữa các sở ngành và địa phương trong giải quyết các vướng mắc nhiều lúc chưa tốt, còn đùn đẩy trách nhiệm; công tác xây dựng cơ bản tại nhiều địa phương còn chậm; công tác cải cách hành chính tại nhiều nơi chưa được thực hiện quyết liệt; hoạt động xuất khẩu của DN gặp nhiều khó khăn; dịch bệnh trên gia cầm diễn biến phức tạp và có nguy cơ kéo dài do chăn nuôi nhỏ lẻ, khó quản lý việc buôn bán, giết mổ
Các sở, ngành thành phố và địa phương cần phải kịp thời tham mưu cho UBND thành phố các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, đảm bảo hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG