Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) và Chuyển đổi số TP Cần Thơ vào đầu tháng 8-2024, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã phân tích Chỉ số CCHC (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023 của thành phố. Bên cạnh ưu điểm, các đại biểu chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và khuyến nghị nhiều giải pháp, thúc đẩy CCHC, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Các thành viên Tổ giúp việc Ðoàn kiểm tra CCHC thành phố, kiểm tra công tác này tại UBND phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, về Chỉ số PAR INDEX năm 2023, thành phố xếp hạng 42/63 tỉnh, thành (giảm 16 bậc so với năm 2022); xếp thứ 6/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL (giảm 2 bậc so với năm 2022), thứ 5/5 thành phố trực thuộc Trung ương (giảm 1 bậc so với năm 2022). Có 4/8 lĩnh vực tăng điểm, 4 lĩnh vực giảm điểm so với năm 2022. Lĩnh vực tăng điểm nhiều nhất là xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; lĩnh vực giảm điểm nhiều nhất là tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội. Có 5/8 lĩnh vực đạt điểm trên 90%: công tác chỉ đạo điều hành, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy và cải cách tài chính công. Lĩnh vực đạt điểm cao nhất là công tác chỉ đạo điều hành, kế đến là cải cách TTHC và cải cách tài chính công. Lĩnh vực thấp điểm nhất là tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội. Công tác CCHC vẫn còn tồn tại một số hạn chế: tình trạng vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính vẫn còn xảy ra ở một số nơi; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và thu ngân sách chưa đạt yêu cầu, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa đảm bảo. Ngoài ra, công tác xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số chưa đạt yêu cầu đề ra; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã có chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao.
Các Chỉ số SIPAS, PAPI của thành phố tuy có cải thiện điểm số nhưng thứ hạng vẫn còn thấp. Cụ thể, năm 2023, Chỉ số SIPAS của thành phố xếp thứ 23/63 tỉnh, thành (tăng 13 bậc so với năm 2022) và Chỉ số PAPI xếp thứ 53/61 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc so với năm 2022).
Từ kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế qua đánh giá các chỉ số trên, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp khắc phục. Theo đó, các sở, ban, ngành thành phố, UBND cấp huyện và cấp xã cần chủ động, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC tại các cơ quan, đơn vị; thường xuyên theo dõi, đánh giá, quán triệt việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC để kịp thời phát hiện và chỉ đạo xử lý những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai và phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, nghiên cứu thí điểm hoặc nhân rộng các mô hình cải cách mới có hiệu quả, phù hợp với phạm vi, thẩm quyền được giao. Cụ thể, để cải thiện thứ hạng Chỉ số PAR INDEX, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tích cực tham mưu việc thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ phát triển doanh nghiệp mới, tăng vốn đăng ký doanh nghiệp; Sở Tư pháp tham mưu nâng cao hiệu quả cải cách thể chế. UBND các quận, huyện tập trung các giải pháp giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, khắc phục tình trạng hồ sơ trễ hẹn. Công chức, viên chức cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
Đối với Chỉ số PAPI, ông Võ Minh Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, khuyến nghị cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng trong toàn hệ thống chính trị, trong đó, cần tiếp tục phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thành phố gắn với tiếp tục thực hiện có hiệu quả cải cách TTHC. Tiếp tục có cơ chế nhằm tăng cường sự tham gia của người dân trong quản trị chính quyền; đẩy mạnh công khai, minh bạch những thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin 2016 (về quy hoạch, đất đai và giá đất…).
Trên cơ sở kết quả đánh giá của các chỉ số trên, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, xác định rõ nội dung đạt được, nội dung nào chưa đạt được, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, tồn tại dẫn đến giảm điểm, giảm bậc các tiêu chí thành phần của các chỉ số theo công bố của bộ, ngành Trung ương. Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc rà soát toàn bộ các TTHC, đề xuất phương án cắt giảm giấy tờ, hồ sơ, rút ngắn thời gian và quy trình phối hợp giải quyết TTHC. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính để kịp thời phát hiện và xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp sai phạm trong thực thi công vụ, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.