Năm 2024, các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC), góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Từ Trung ương đến địa phương đều quan tâm xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số; nhiều dịch vụ công (DVC) được thực hiện trên nền tảng số. Công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được quan tâm. Tuy nhiên, trong công tác CCHC vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: trách nhiệm thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn thấp; việc thực hiện DVC trực tuyến còn hình thức; vẫn xảy ra tình trạng chậm trễ trong giải quyết TTHC...
Mô hình trao giấy chứng nhận kết hôn cho công dân góp phần xây dựng chính quyền thân thiện được UBND phường Thới An, quận Ô Môn triển khai trong thời gian qua. Trong ảnh: Lãnh đạo UBND phường Thới An và công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND phường, trao giấy chứng nhận kết hôn cho vợ chồng anh Dương Thanh Bình và chị Nguyễn Thị Chúc Linh.
Tại phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ vào giữa tháng 1-2025, ông Cao Huy, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, năm 2024, công tác CCHC có những chuyển biến mới, đạt được kết quả toàn diện; nhiều rào cản, vướng mắc về thể chế, cơ chế đã được quan tâm tháo gỡ; cải cách công vụ có nhiều đột phá; cải cách TTHC đạt nhiều kết quả, môi trường đầu tư kinh doanh có sự cải thiện. 5 bộ, cơ quan đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 125 quy định kinh doanh tại 47 văn bản quy phạm pháp luật; 13 bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hóa 420 quy định kinh doanh tại 36 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số quy định kinh doanh được các bộ, cơ quan cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 3.195 quy định kinh doanh, đạt 20,2% và vượt qua mục tiêu tối thiểu đề ra cho cả giai đoạn 2020-2025. Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh rà soát, cấu trúc lại quy trình TTHC để tích hợp vào Cổng DVC công quốc gia, kết nối, thanh toán trực tuyến nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tính đến ngày 22-12-2024, đã có 4.479 TTHC cung cấp trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia. Trong đó, có nhiều DVC được người dân, doanh nghiệp quan tâm, như: đăng ký cấp biển số xe lần đầu; đăng ký tạm trú; xác nhận thông tin cư trú; cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước (thực hiện tại cấp tỉnh); đăng ký thành lập hộ kinh doanh.
Tại TP Cần Thơ, việc cung cấp DVC trực tuyến đạt nhiều kết quả nổi bật: cập nhật, tích hợp 1.090 DVC lên Cổng DVC quốc gia. Nhiều DVC thiết yếu phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt tỷ lệ rất cao, như: thông báo lưu trú (99,99%); đăng ký cấp biển số mô tô, xe gắn máy (99,97%); cấp hộ chiếu phổ thông (99,6%). UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các cơ quan thực hiện liên thông 2 nhóm TTHC (đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ mai táng phí, trợ cấp mai táng phí). Qua đó, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, giảm chi phí tối đa và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Đặc biệt, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 5-7-2024 quy định miễn giảm một số khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố khi thực hiện DVC trực tuyến. Theo đó, một số DVC trực tuyến được miễn giảm, như: miễn thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao; miễn thu lệ phí đăng ký kinh doanh đối với liên hiệp hợp tác xã/hợp tác xã; giảm 50% mức thu đối với các khoản lệ phí hộ tịch, lệ phí cấp giấy phép xây dựng… Từ đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng DVC trực tuyến và công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận và xử lý TTHC.
Kinh nghiệm của tỉnh Cà Mau (đơn vị đứng đầu bảng xếp hạng Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2024, do Văn phòng Chính phủ công bố vào đầu tháng 1-2025), địa phương đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tập trung chỉ đạo nâng cao năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức, vì đây là nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định để đạt được mục tiêu. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết TTHC; triển khai tiếp nhận giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Với sự chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua, mức độ hài lòng của người dân đối với việc giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh đạt trên 97%.
Phát biểu tại phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho rằng cần xác định việc xây dựng chính phủ điện tử hướng tới 2 mục tiêu: nâng cao năng lực quản trị đất nước (năng suất tốt hơn, kiểm soát tình hình hiệu quả hơn, phản ứng linh hoạt hơn với tình hình thực tiễn) và phục vụ người dân tốt hơn (rút ngắn thời gian, giảm chi phí, không phiền hà, không nhũng nhiễu, minh bạch). Đồng thời, lưu ý thời gian tới cần tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số với phương châm thước đo của chính phủ số phải là sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục cải cách TTHC, trong đó tập trung cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, đẩy mạnh chuyển đổi số; đảm bảo nền hành chính công khai, minh bạch.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI