Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định rõ hơn về quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Dự thảo cũng quy định quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân...
Dự thảo tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ công dân trong Hiến pháp năm 1992; đồng thời, bổ sung một số quyền mới là kết quả của quá trình phát triển đổi mới đất nước, phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Đó là quyền sống; quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác; quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư; quyền sở hữu tư nhân; quyền được đảm bảo an sinh xã hội; quyền kết hôn và ly hôn; quyền được sống trong môi trường trong lành
Dự thảo bổ sung một nguyên tắc hiến định, đó là quyền con người, quyền công dân chỉ bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng (Điều 15). Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã sắp xếp lại các điều theo nhóm quyền, để đảm bảo tính thống nhất giữa các quyền con người và quyền công dân, đảm bảo tính khả thi hơn. Theo đó, các điều của Chương II được sắp xếp theo thứ tự như sau: Những quy định chung gồm các nguyên tắc, các quyền bảo đảm thực hiện quyền, giới hạn quyền và hạn chế quyền; các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội; các nghĩa vụ công dân; quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài. Những quyền liên quan với nhau, nhưng khác nhau về đối tượng, trách nhiệm, cơ chế bảo đảm như quyền có nơi ở và quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở hợp pháp
thì được quy định bằng các điều khác nhau.
Về vấn đề này, theo ông Đoàn Quốc Hưng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Vĩnh Thạnh, tại khoản 2, Điều 15 Dự thảo liệt kê các trường hợp bị giới hạn quyền con người, quyền công dân, nhưng càng liệt kê sẽ không đầy đủ với thực tế phát sinh. Vì thế, theo ông Đoàn Quốc Hưng, đề nghị ghi lại ngắn gọn, nhưng đầy đủ ý như sau: "Quyền con người, quyền công dân bị giới hạn trong từng trường hợp cụ thể theo quy định pháp luật". Ngoài ra, tại Điều 23 Dự thảo, ông Đoàn Quốc Hưng cũng đề nghị bổ sung cụm từ "Pháp luật sẽ bảo hộ quyền bất khả xâm phạm". Bởi theo lý giải của ông Hưng, trên thực tế các quyền riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là thuộc quyền bất khả xâm phạm, nhưng từng lúc, từng nơi vẫn bị các đối tượng xấu lợi dụng, xâm phạm. Do đó, Nhà nước cần phải cam kết bảo hộ quyền bất khả xâm phạm của công dân
Theo Luật sư Bùi Quang Minh, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, thì Dự thảo vẫn chưa tách bạch quyền con người và quyền công dân ra thành những điều luật riêng biệt, thậm chí có cả điều luật còn quy định chung chung cả quyền con người và quyền công dân. Tại khoản 3 Điều 18 Dự thảo quy định: "Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài". Theo quy định này, thì Nhà nước ta sẽ bảo hộ cái gì? Những quyền, nghĩa vụ nào? Quy định như thế sẽ quá rộng.
Theo nhận xét của bà Hà Minh Kiều, Trưởng phòng Tư pháp quận Bình Thủy, thì Dự thảo còn sử dụng nhiều từ Hán Việt. Cụ thể như cụm từ "Bất khả xâm phạm" tại các Điều 11, Điều 22, Điều 23 và Điều 37. Tuy nhiên, cụm từ trên chỉ phù hợp tại Điều 11, các Điều 22, 23 và 37 (quy định về quyền thân thể, riêng tư và chỗ ở) là chưa phù hợp. Bởi lẽ, các quyền này không thể gọi là bất khả xâm phạm. Trong một số trường hợp nhất định, chỗ ở và quyền riêng tư của cá nhân vẫn có thể bị xâm phạm thông qua các hoạt động khám xét, để phục vụ cho công tác điều tra, quốc phòng, an ninh
Cũng theo bà Hà Minh Kiều, tại Điều 21 Dự thảo quy định: "Mọi người đều có quyền sống". Tuy nhiên, "có quyền sống" mà không có "quyền quyết định về quyền sống" của mình thì chưa đủ. Trong một số trường hợp cụ thể như bệnh tật nặng không còn khả năng sống, con người mong muốn kết thúc sự sống của mình, để nhẹ nhàng cho bản thân và cho gia đình thì luật không cho phép. Trong khi đó, tại Điều 22 Dự thảo có quy định: "Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác
". Từ cơ sở trên, bà Hà Minh Kiều đề nghị nghiên cứu bổ sung Điều 21 dự thảo, như sau: "Mọi người đều có quyền sống và quyết định sự sống của mình"
CHẤN HƯNG (thực hiện)