16/02/2025 - 20:54

Quy định pháp luật về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ 

Hỏi: Trong vụ án tham ô tài sản, người bị kết án tử hình có được giảm nhẹ mức án hay không?

Đáp: Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người đủ 75 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Trong trường hợp nói trên hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

Các bị cáo trong vụ án lạm quyền khi thi hành công vụ tại Trại tạm giam Công an TP Cần Thơ, xét xử tháng 3-2024.

Hỏi: Trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ bị xử lý như thế nào?

Đáp: Theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, hình phạt áp dụng đối với người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tùy theo tính chất, mức độ và giá trị tài sản bị thiệt hại mà người vi phạm có thể bị áp dụng hình phạt chính là cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn và hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định hoặc phạt tiền.

Cụ thể: cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm trong trường hợp gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Phạt tù 5-10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; gây thiệt hại về tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng. Phạt tù 10-15 năm nếu gây thiệt hại về tài sản 1 tỉ đồng trở lên. Bên cạnh đó, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định 1-5 năm, có thể bị phạt tiền 10-100 triệu đồng.

Hỏi: Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ được quy định như thế nào?

Đáp: Theo Bộ Luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù 1-7 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 5-10 năm: có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng thì bị phạt tù 10-15 năm. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên thì bị phạt tù 15-20 năm. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm, có thể bị phạt tiền 10-100 triệu đồng.

H.Y (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết