26/10/2009 - 21:09

Quan sát hành vi -
chìa khóa sáng tạo công nghệ mới

Vài năm trở lại đây, giáo sư Michael Wesch – nhà nhân loại học văn hóa ở Đại học bang Kansas (Mỹ) - nhận được hơn một trăm thư từ khắp nơi trên thế giới gửi về đăng ký tham gia khóa đào tạo “dân tộc học kỹ thuật số” (digital ethnography), chuyên ngành “ruột” của ông. Vì sao không phải ai khác? Đơn giản bởi đó là chương trình độc nhất vô nhị.

- M-Pesa và Nokia 1100 ra đời từ kết quả điều tra hành vi con người.
Ảnh: Wordpress.com, Businessdailyafrica

Được đào tạo để quan sát cách sống của mọi người trong xã hội, chuyên gia dân tộc học kỹ thuật số có thể giúp các công ty nắm bắt nhu cầu xã hội và sau đó bắt tay với các nhà thiết kế để đáp ứng nhu cầu của mọi người bằng những sản phẩm, dịch vụ mới. Trong một thế giới mà ngày càng nhiều người “kết bạn” các sản phẩm công nghệ, những kỹ năng đó đang trở thành “thời thượng”.

Đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Edinburgh (Anh), Olga Morawczynski vừa kết thúc 1 năm nghiên cứu tại Kenya. Tại đó, cô điều nghiên việc sử dụng M-Pesa – hệ thống chuyển tiền bằng điện thoại di động (ĐTDĐ). Cụ thể là chứng minh tầm ảnh hưởng của M-Pesa đối với các mối quan hệ trong gia đình cũng như những khía cạnh khác trong cuộc sống hằng ngày. Morawczynski thực hiện nghiên cứu bằng nguồn học bổng chung của Viện Nghiên cứu Microsoft và Đại học Edinburgh. Microsoft cũng cam kết đài thọ chuyến thực tập của Morawczynski tại Bangalore (Ấn Độ) trong vài tháng tới.

“Microsoft và nhiều công ty khác nhận ra rằng do ai cũng dùng công nghệ nên việc tìm hiểu cách thức mọi người ứng dụng công nghệ là điều không kém phần quan trọng”, Kentaro Toyama – trưởng nhóm nghiên cứu Công nghệ cho các thị trường mới nổi của Viện Nghiên cứu Microsoft Ấn Độ - cho biết. Những gì Toyama nói đã góp phần lý giải tại sao dân tộc học kỹ thuật số đang trở thành chuyên ngành ở các trường đại học trên thế giới (như giáo sư Wesch từng tiên đoán).

Toyama không thể quên một thực tập sinh trước đây tên Joyojeet Pal. Mặc dù là nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành qui hoạch vùng và đô thị ở Đại học California (Mỹ) nhưng Pal rất rành về lĩnh vực dân tộc học. Trong quá trình thực tập, Pal đã giúp Toyama và các chuyên gia Microsoft nhận ra tầm quan trọng của một tập quán thường thấy ở Ấn Độ. Anh chỉ ra rằng ở các trường học nghèo, đông học sinh, các em thường xài chung một máy vi tính, và đứa lớn tuổi nhất hoặc có uy nhất mới có quyền điều khiển chuột.

Từ sự “mách bảo” của Pal, vài năm sau, Microsoft cho ra đời công nghệ MultiPoint – cho phép sử dụng nhiều chuột trên cùng một máy tính. Hiện nay, MultiPoint đã có mặt ở Ấn Độ, Việt Nam, Chile và nhiều nơi khác, giúp học sinh tiểu học dùng chung máy tính dễ dàng làm bài thi trắc nghiệm. Chưa ai biết trong tương lai, MultiPoint sẽ đi về đâu nhưng có một sản phẩm ra đời từ các cuộc điều tra dân tộc học ở nông thôn Ấn Độ 4-5 năm về trước nay đã trở nên toàn cầu hóa.

Tiểu sử “thai nghén” “dế” Nokia 1100 cũng tương tự như MultiPoint nhưng phạm vi sử dụng thì rộng khắp hơn nhiều. Với thiết kế bền chắc - chống bụi, pin cực bền và có đèn pin tích hợp bên trong, Nokia 1100 trở thành vật bất ly thân của giới bình dân Ấn Độ. Không lâu sau, chiếc điện thoại “sản xuất riêng cho dân Ấn Độ” nhanh chóng “làm mưa làm gió” ở các nước đang phát triển khác, và thậm chí vươn tới phương Tây. Hiện Nokia 1100 được xem là một trong những sản phẩm bán chạy nhất trong lịch sử hàng điện tử tiêu dùng. Chức năng đèn pin của chú “dế” này ít nhiều cũng hấp dẫn những người sống ở Tokyo (Nhật) hay Luân Đôn (Anh). Còn với những nơi chưa có lưới điện, nó lại cực kỳ tiện dụng.

Ken Banks, nhà nhân chủng học đồng thời là chuyên gia công nghệ – “cha đẻ” của trình nhắn tin FrontlineSMS - từng ấn tượng với biển quảng cáo điện thoại Nokia 1200 mà ông bắt gặp ở Uganda. Trọng tâm của nó là gì? Chính là chữ “ka-torchi” – đèn pin. Theo Banks, thị trường điện thoại di động ở các nước giàu hiện đã bão hòa. Nói cách khác, các nhà sản xuất phải nắm bắt cho được những gì mà giới tiêu dùng ở các nước đang phát triển – nơi doanh số sẽ tăng cao nhất – thật sự cần ở chiếc ĐTDĐ. “Không hẳn là vấn đề túi tiền. Mọi người bỏ tiền ra sắm “dế” nếu họ thấy giá trị thực sự khi sở hữu nó”. Chính vì thế những cuộc điều tra dân tộc học ở Ấn Độ – chỉ ra rằng nhiều người dùng ĐTDĐ ở nhà để tìm chìa khóa hoặc những thứ tương tự, đặc biệt là ban đêm – đã giúp Nokia chế tạo ra Nokia 1100 được cả thế giới tin dùng.

Trong khi đó, thành công vang dội của M-Pesa ở Kenya đã tạo tiền đề cho hơn các hệ thống chuyển tiền bằng ĐTDĐ ra đời trên khắp thế giới – hiện nay đã vượt con số 120. Các nhà phân tích cho rằng những dịch vụ chuyển tiền như M-Pesa sẽ tác động rất lớn đối với lĩnh vực kiều hối toàn cầu.

LONG CHÂU (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết