20/12/2022 - 06:41

Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL và giải pháp nào cho tình trạng khan hiếm cát

(CT) - Ngày 19-12-2022, tại TP Cần Thơ, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam khu vực ĐBSCL tổ chức Tọa đàm về “Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL và giải pháp nào cho tình trạng khan hiếm cát dưới góc nhìn chuyên gia và truyền thông”. Nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo trong và ngoài nước tham dự.  

ĐBSCL là một trong những khu vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam, trung tâm của sản xuất nông nghiệp lớn, đóng góp 31,37% GDP ngành Nông nghiệp, 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% sản lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Tuy nhiên, ĐBSCL cũng là một trong những khu vực bị tác động mạnh mẽ nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH), với các hiện tượng cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn, xói mòn, sụt lún, sạt lở… đang gia tăng. Ngoài ra, tình trạng khai thác cát quá mức đã làm cho những tác động của BĐKH và nước biển dâng trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt là việc đối mặt với sạt lở bờ sông, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân đồng bằng.

Tại tọa đàm, các nhà khoa học, chuyên gia cho rằng việc quản lý khai thác cát sỏi lòng sông một cách hiệu quả và bền vững cần có những giải pháp căn cơ và lâu dài, nhất là các giải pháp hạn chế khai thác cát dưới lòng sông; tìm kiếm vật liệu xây dựng thay thế cát... Để thực hiện giải pháp này, công tác truyền thông, nêu những phản ánh kịp thời, sâu sắc về tình trạng khai thác cát không bền vững ở ĐBSCL của đội ngũ làm công tác truyền thông thuộc các cơ quan báo chí vô cùng quan trọng; sự đóng góp quý báu của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và phóng viên, nhà báo trong lĩnh vực truyền thông về BĐKH là rất cần thiết, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và là cơ sở để các cơ quan quản lý ra quyết định về hạn chế tác động của việc khai thác cát không bền vững, hạn chế sự gia tăng thiên tai cho khu vực ĐBSCL. Qua việc truyền thông cũng góp phần thúc đẩy việc tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng… Buổi tọa đàm còn nhằm mục tiêu chia sẻ những vấn đề báo chí đang quan tâm liên quan đến công tác quản lý tài nguyên cát vùng ĐBSCL cũng như những hiến kế để việc quản lý khai thác cát ở vùng ĐBSCL bền vững, hạn chế gây tác động xấu thời gian tới. 

H.VĂN

Chia sẻ bài viết